(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kết thúc năm 2021, CPI bình quân tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều dự báo cho thấy lạm phát năm 2022 sẽ có sự bứt phá nhưng không quá lớn...

Năm 2021: Tổng cầu yếu, sức mua giảm

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2016-2021). CPI cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. CPI cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng 11/2021, tăng 0,67% so với tháng 12/2020.

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo năm 2022 do Học viện Tài chính tổ chức, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) - cho rằng, bất chấp những lo ngại lạm phát cao do giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021, giá cả hàng hóa tiêu dùng năm 2021 vẫn tăng rất chậm.

“Nguyên nhân chính của tình trạng lạm phát thấp hiện nay là do tổng cầu yếu, sức mua bị sụt giảm mạnh, thể hiện qua việc tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm 2020 (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%). Nói cách khác, dịch bệnh COVID-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội trên quy mô lớn trong năm 2021 đã khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thu nhập và sức mua của người dân bị giảm sút, từ đó kìm hãm đà tăng của chỉ số CPI….", Chuyên gia này phân tích.

Đồng tình với nhận định này, TS. Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế Tài chính) cũng cho rằng lạm phát năm 2021 ở Việt Nam không phải là lạm phát chi phí đẩy mà các yếu tố tăng chi phí, kể cả nhập khẩu lạm phát có thể được chuyển sang năm 2022. Lạm phát năm 2021 cũng không phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách tín dụng vẫn vận động theo hướng bảo vệ giá trị VND đi đôi với kiểm soát cung tiền.

“Lạm phát năm 2021 là lạm phát cầu kéo, chỉ có điều không phải kéo lên mà là kéo xuống do sự chi phối của tổng cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh trong khi tổng cầu đầu tư và chi ngân sách nhà nước tăng nhẹ…”, Chuyên gia này khẳng định.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, yếu tố đặc biệt của tổng cầu là xuất khẩu tăng vọt về giá trị và tăng tương đối cao về giá nhưng lại hầu như không có tác động kéo lạm phát đi lên. Lạm phát cơ cấu có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp song giá tài sản như chứng khoán,vàng và bất động sản lại tăng cao. Thêm vào đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên.

Năm 2022: Kịch bản nào?

Nhận định về giá cả năm 2022, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng; biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới ở mức cao và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng khi nhu cầu của các nước vẫn ở mức cao trong quá trình tái hồi phục kinh tế cũng như thiếu hụt nguồn nhiên liệu từ cuối năm 2021; tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu ảnh hưởng đến chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu tác động tới giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu; và tình hình rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng trong năm....

“Như vậy, ngay từ đầu năm áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn; nhất là khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra sớm nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 có thể ở mức cao theo quy luật khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thời điểm cận Tết…”- Đại diện Cục Quản lý giá nhận định.

Theo đại diện Bộ Công Thương, TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, có 2 kịch bản triển vọng năm 2022.

Với kịch bản 1: Giá thế giới tiếp tục tăng do tác động kép của kinh tế thế giới hồi phục và các góp kích cầu khổng lồ các nước đã tung ra; Mặt bằng giá của Việt Nam theo đó chịu sức ép tăng; Cầu nội địa có thể tăng nếu kinh tế Việt Nam cũng phục hồi. Trong bối cảnh đó, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt, khả năng CPI có thể tăng trên 4%.

Với kịch bản 2: Biến thể mới Omicron cộng với biến thể Delta có trước đó khiến đại dịch tiếp tục ảnh hưởng nặng nề; Kinh tế thế giới vẫn trì trệ; Giá thế giới không tăng mạnh; Mặt bằng giá Việt Nam khó tăng cao. Trong bối cảnh đó, CPI bình quân năm 2022 sẽ đạt bình quân 2,5-3%.

Giá thịt lợn được dự báo sẽ tăng trong năm 2022

Đồng tình với việc lạm phát sẽ tăng trong năm 2022,  PGS. TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng áp lực này không quá lớn. Theo ông, bên cạnh việc chịu tác động từ giá thế giới, thì việc thực hiện tiếp lộ trình điều chỉnh giá với các mặt hàng do Nhà nước quản lý là giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện cũng tác động tới chỉ số giá.

“Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh những mặt hàng này đã thực hiện từ năm 2012 và đến nay đã ở giai đoạn cuối nên việc có điều chỉnh tăng giá thì giá những mặt hàng này trong thời gian tới khả năng cũng sẽ không có đột biến...”-  Chuyên gia này nhận định. Đồng thời cho rằng, về cơ bản, lạm phát hoàn toàn có thể được kiểm soát ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Phân tích cụ thể hơn, TS. Nguyễn Đức Độ chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến lạm phát năm 2022 vẫn duy trì ở mức thấp.

Thứ nhất, mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng. Nếu GDP trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng 8-9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4-5%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2011-2020.

Thứ hai, đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và các chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa. Hơn nữa, giá các hàng hóa cơ bản còn chịu tác động từ việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ trong năm 2022. Ngoài ra, giá dầu thế giới còn chịu sự kiềm chế từ nguồn cung dầu đá phiến luôn sẵn sàng gia tăng.

“Áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022, nếu có, sẽ đến từ việc giá thịt lợn hiện nay đang ở mức thấp và có thể tăng trong tương lai khi thu nhập và nhu cầu của người dân được cải thiện. Thêm vào đó, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước, và giá dịch vụ. Với những phân tích ở trên, có thể nhận định rằng, về tổng thể, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 không lớn và chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng chậm…”, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

Ông cũng cho biết thêm, trên thực tế, tốc độ tăng của chỉ số CPI cho đến nay vẫn chưa phá vỡ xu hướng đi ngang kể từ năm 2016 đến nay. “Nếu giả định CPI trong năm 2022 sẽ tăng trung bình 0,24%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của giai đoạn 2016-2021, thì lạm phát trung bình trong năm 2022 sẽ vào khoảng 1,8%...”, TS. Nguyễn Đức Độ quả quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm phát năm 2022: Tăng nhưng không quá lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO