Tỉnh Lào Cai đã rất chủ động nỗ lực phòng chống, ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão, xong đây là đợt thiên tai lịch sử, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng, với nhiều loại hình thiên tai đồng loạt xảy ra cùng thời điểm nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, doanh nghiệp của tỉnh Lào Cai. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế ban đầu do cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai trên 7.000 tỷ đồng.
Cơn bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với 6 đặc điểm chưa có tiền lệ: (1) Cường độ bão tăng rất nhanh (trong 48 giờ cường độ bão tăng 8 cấp), khi đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng gió vùng tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17; (2) Bão số 3 duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; (3) Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ); (4) Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố; (5) Xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn trên diện rộng (hầu hết các sông vượt mức báo động 3); (6) Sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,…
Ngay sau khi nhận được các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã rất chủ động nỗ lực phòng chống, ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão, xong đây là đợt thiên tai lịch sử, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng, với nhiều loại hình thiên tai đồng loạt xảy ra cùng thời điểm như mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, đá,… nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, doanh nghiệp của tỉnh Lào Cai.
Những thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, sản xuất của Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã...
Về người: Tổng số 239 người; trong đó: 139 người chết, 12 người mất tích, 88 người bị thương.
Về nhà ở: Tổng số nhà ở bị thiệt hại (ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi,…): 10.109 nhà[1],trong đó: Nhà bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%: 854 nhà; Nhà bị thiệt hại rất nặng từ 50% đến 70%: 475 nhà; Nhà bị thiệt hại từ nặng từ 30-50%: 1.138 nhà; Nhà bị thiệt hại dưới 30%: 6.073 nhà. Ngoài ra có 1.569 nhà hư hỏng công trình phụ trợ. Ước thiệt hại trên 261 tỷ đồng.
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: Ước thiệt hại trên 914 tỷ đồng
Thiệt hại về cây trồng: Ước thiệt hại về cây trồng trên 645 tỷ đồng; Diện tích ruộng lúa bị thiệt hại: 844 ha (diện tích ruộng lúa bị sạt lở mất đất, không có khả năng khôi phục lại sản xuất 370 ha và diện tích ruộng lúa bị đất đá vùi lấp, phải cải tạo mới tiếp tục sản xuất được 474 ha); diện tích lúa bị thiệt hại: 2.471 ha; Diện tích ngô, rau màu bị thiệt hại: 1.419 ha; diện tích cây trồng hàng năm khác: 680 ha; chậu hoa, cây cảnh bị thiệt hại: 162.585 cây/chậu và 0,39 ha hoa cắt cành các loại; diện tích cây ăn quả, cây lâu năm bị thiệt hại: 261ha; diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại: 1.022 ha; diện tích cây công nghiệp, dược liệu (chủ yếu cây quế tại huyện Bảo Yên) bị thiệt hại: 810 ha; cây giống nông nghiệp thiệt hại: 45.000 cây chuối, 400.000 cây quế, 40.000 cây ăn quả ôn đới và 0,21 ha vườn giống khác. Ước tính tổng sản lượng lương thực, rau màu thiệt hại khoảng 21.500 tấn, trong đó thóc khoảng 9.100 tấn, ngô 2.100 tấn và rau màu khoảng 10.000 tấn.
Thiệt hại về chăn nuôi và thủy sản: Ước tổng giá trị thiệt hại ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản trên 271 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về chăn nuôi khoảng 29 tỷ đồng; thiệt hại về thủy sản khoảng 242 tỷ đồng.
Thiệt hại về chăn nuôi: trâu, bò, ngựa: chết 220 con; gia cầm: chết 57.336 con; lợn, dê, cừu: chết 1.466 con; chuồng trại bị sập đổ, hư hỏng: 998 chuồng trại.
Thiệt hại về thủy sản: Diện tích thủy sản bị thiệt hại: 405,06 ha và 1.663m3 cá nước ngọt; cá thương phẩm bị chết, lũ cuốn trôi do vỡ ao, bể: 3.050,82 tấn (cá thương phẩm nước lạnh: 136,42 tấn, cá thương phẩm khác: 2.914,4 tấn); 600 kg cá chép bố mẹ (150 cặp cá bố mẹ) và 123.200 con cá giống tại thị xã Sa Pa; 70 vạn cá chép giống tại trại Quang Kim
Thiệt hại hợp tác xã: Toàn tỉnh có 43 hợp tác xã bị thiệt hại về nhà xưởng, tài sản, cây trồng vật nuôi, thóc, ngô..... Ước tính thiệt hại đến thời điểm báo cáo khoảng 38 tỷ đồng.
Thiệt hại về cơ sở hạ tầng:
Thiệt hại về cơ sở hạ tầng khu vực dân cư sinh sống: Tổng số có 4.442 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực sạt lở, sụt lún nguy hiểm cạnh nhà, có nguy cơ sụt lún dẫn đến dân phải di chuyển ở tạm nơi khác đảm bảo an toàn.
Về cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn và thuỷ lợi: Ước thiệt hại khoảng trên 300 tỷ đồng.
Tổng số công trình cấp nước hư hỏng là 204 công trình/825 công trình. Số hộ dân khu vực nông thôn ảnh hưởng do công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ngừng cung cấp tạm thời 19.962 hộ dân/136.193 hộ dân. Ước thiệt hại về cấp nước sinh hoạt khoảng 93 tỉ đồng.
Tổng số 484 /1.143 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp kênh mương, sập gẫy kênh, công trình đầu mối,... Dự báo sẽ ảnh hưởng đến cung cấp nước tưới cho diện tích trồng lúa trên 5.000 ha vụ Đồng Xuân năm 2024-2025. Ước thiệt hại về thủy lợi là trên 207 tỷ đồng.
Thiệt hại về giao thông:
Quốc lộ: QL 4, 4D, 4E, 279: Sạt ta luy dương 879 vị trí, khối lượng sạt 622.917 m3; sạt ta luy âm 91 vị trí, chiều dài 2.882m; 110 vị trí hư hỏng mặt đường với diện tích 29.065m2; đất bùn tràn mặt, rãnh dọc 104.683m3...;
Tỉnh lộ: 151-162 sạt ta luy dương 1.599 vị trí, khối lượng sạt 1.045.471m3; sạt ta luy âm 263 vị trí, chiều dài 8.564m; hư hỏng mặt đường 127 vị trí với diện tích 36.614m2; đất bùn tràn mặt, rãnh dọc 62.578m3...; Hiện nay, đã cơ bản thông tuyến, đảm bảo giao thông bước đầu.
Đường do huyện, xã quản lý: bị sạt lở, hư hỏng 1.255 tuyến, sạt ta luy dương 3.476 vị trí, khối lượng sạt 2.250.041m3; sạt ta luy âm 697 vị trí, chiều dài 32.768m...; Đến nay đã cơ bản giao thông đã đảm bảo đi lại.
Ước thiệt hại về giao thông trên 1.622 tỷ đồng.
Thiệt hại về lĩnh vực y tế: 34 trạm, phòng khám, bệnh viện bị ảnh hưởng do ngập nước và nhiều vật tư, máy móc thiết bị y tế bị hư hỏng. Ước thiệt hại trên 11 tỷ đồng.
Thiệt hại về lĩnh vực giáo dục: 149 điểm trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại. Ước thiệt hại trên 239 tỷ đồng.
Thiệt hại về cơ sở văn hoá: 47 công trình văn hóa bị ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở. Ước thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
Thiệt hại về hệ thống viễn thông: Hệ thống viễn thông: Tổng có 3.109 cột treo cáp bị đổ, gãy; 9 cột ăng ten bị đổ, 478 tuyến cáp bị đứt; 3 máy mócthiết bị thông tin liên lạc; 7 nhà trạm bị thiệt hại, 370 cụm loa truyền thanh cơ sở bị hư hỏng. Ước thiệt hại trên 72 tỷ đồng.
Thiệt hại về hệ thống điện: Cột điện bị gãy đổ: 466 và còn nhiều thiệt hại khác đang rà soát cụ thể. Ước thiệt hại trên 22 tỷ đồng.
Thiệt hại khác:
Lĩnh vực công nghiệp: 31 dự án thuỷ điện bị thiệt hại nặng và một số dự án chỉ ảnh hưởng sạt lở taluy đường giao thông. Hiện còn 12 dự án vẫn đang phải dừng phát điện.
Lĩnh vực dịch vụ: 21 cơ sở du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại; 1.601 khách hàng (tổ chức, cá nhân) vay vốn bị thiệt hại với dư nợ 3.599 tỷ đồng; Trụ sở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị sạt lở, sụt lún, ngập nước; Các cơ sở cung cấp dịch vụ, hàng hoá thiết yếu; ô tô, xe máy, đồ dùng gia đình bị ngập, lũ cuốn trôi, thiết bị điện bị hư hỏng...
Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế ban đầu do cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai trên 7.000 tỷ đồng.
Sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương trong công tác khắc phục bão lũ
Trong tình huống thiên tai khẩn cấp, bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra. Tỉnh Lào Cai nhận được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, đã cử nhiều đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Đảng Bộ trưởng các Bộ, ngành Trung ương xuống trực tiếp hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiệt hại, động viên, giúp đỡ nhân dân vùng thiên tai.
Về hỗ trợ vật chất: Trung ương đã bổ sung 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai khắc phục bão lũ; Ban vận động, cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận của trên 7.200 tập thể và cá nhân với kinh phí 334,38 tỷ đồng (trong đó quỹ cứu trợ trung ương: 180 tỷ đồng, các tổ chức cá nhân khác 154,38 tỷ đồng); Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các tổ chức khác hỗ trợ tái thiết 03 khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; Thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu và thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc huyện Bắc Hà; Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vin Group hỗ trợ làm nhà cho các gia đình bị mất nhà và gia đình có người bị thiệt hại,.... và sự giúp đỡ vô cùng to lớn, kịp thời của các cơ quan, bộ, ngành trung ương, các tổ chức, nhân dân trong và ngoài nước.
Về cơ chế chính sách: Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt, thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Nghị quyết số 143/NQ-CP quy định rõ về quan điểm, mục tiêu, phạm vi và đối tượng nhận hỗ trợ, bao gồm người dân, lao động, nhóm yếu thế, các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, lũ lụt và sạt lở đất. Hỗ trợ triển khai chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10/2024. Một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh. Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ là nền tảng giúp các doanh nghiệp và địa phương khôi phục lại các hoạt động kinh tế sau bão. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng bao gồm những giải pháp khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái thiết sau bão….
Trên cơ sở đó tỉnh Lào Cai đã triển khai cụ thể tới các ngành, địa phương, trong đó chú trọng đến công tác riêng đối với lĩnh vực hỗ trợ, phục hồi hoạt động sản xuất người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp; Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh triển khai tới các tổ chức tín dụng khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; (ii) Xem xét miễn, giảm lãi vay; (iii) Tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; (iv) Thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định pháp luật; Triển khai thực hiện chính sách khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018,…
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai gây ra
Tỉnh Lào Cai chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, triển khai những giải pháp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh ngày 12/9/2024; cuộc họp trực tuyến sáng ngày 15/9/2024 và những nội dung chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW.
Tỉnh Lào Cai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị phụ trách các địa bàn, cùng với lãnh đạo các địa phương, các lực lượng, các tổ chức đoàn thể... đến các khu vực bị thiệt hại chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trước, trong và sau sự cố thiên tai lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị của vào cuộc và huy động các các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh với khoảng trên 25 nghìn lượt người tham gia ứng phó, khắc phục (Quân khu II: 2.820 lượt người; BCHQS tỉnh, huyện: 7.445 lượt người; còn lại là lực lượng công an, biên phòng; sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, và các lực lượng khác khoảng 15.000 lượt người,...).
Hiện nay, tỉnh Lào Cai bước sang giai đoạn chỉ đạo, thực hiện việc chuyển trạng thái từ phòng, chống sang khắc phục, phục hồi và tái thiết trên tất cả các lĩnh vực với điều kiện và tình hình mới.
- Tổ chức cung cấp lượng thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho các hộ dân, với tinh thần quyết tâm cao nhất không để người dân bị đói, bị rét, không có nơi ở. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các vật tư trang thiết bị y tế, đáp ứng kịp thời các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men thiết yếu cho Nhân dân.
- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị, các địa phương, huy động tối đa các lực lượng, các trang thiết bị ưu tiên tập trung khẩn trương khắc phục các tuyến đường giao thông bị sạt sở; đảm bảo an toàn hạn chế ảnh hưởng đến các công trình: Bệnh viện, các Trung tâm y tế; trường học, trụ sở điều hành của các địa phương... với mục tiêu hạn chế lớn nhất ảnh hưởng của thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân; hướng dẫn và cùng Nhân dân sớm tái đàn, tái vụ, tái sản xuất.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân của doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.
- Đối với các hộ còn phải di chuyển khẩn cấp: UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng hỗ trợ hộ dân di chuyển người, tài sản đến khu vực an toàn, bố trí địa điểm di chuyển, dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và xây dựng phương án kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Khó khăn vướng mắc hiện nay
Hoàn lưu cơn bão số 3 gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của nhà nước và nhân dân, doanh nghiệp; Nhu cầu kinh phí hỗ trợ thiệt hại về người, hỗ trợ sản xuất, khắc phục, tái thiết cơ sở hạ tầng khoảng 8.687.758 triệu đồng, bằng 10,81% GRDP năm 2023; Trong khi Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới nên rất cần sự hỗ trợ về nguồn lực của Trung ương.
Là tỉnh có địa hình phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Địa hình chủ yếu là núi cao, đồi dốc, khe sâu, những vùng có độ dốc lớn hơn 25% chiếm 80% diện tích đất toàn tỉnh. Hệ thống sông suối dày đặc, có nhiều khe, suối nhỏ, độ dốc lớn, dòng chảy siết; Số hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét rất lớn, nguy cơ tiếp tục xảy ra còn tiềm ẩn nhiều; Nhận thức của một số người dân về phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế, chủ quan; điều kiện kinh tế khó khăn; nơi ở hẻo lánh. Việc sắp xếp, di chuyển dân cư gặp nhiều khó khăn về kinh phí, quỹ đất…
Chưa có bộ tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ cao, thấp; nguy cơ mất an toàn về sạt lở, lũ quét (Hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là nguy cơ sạt lở, nguy cơ cao, thấp; mà chỉ bằng cảm quan và kinh nghiệm của người đánh giá) để các địa phương có cơ sở di chuyển dân cư ra ngoài khu vực sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,...
Đề xuất, kiến nghị
Từ thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, doanh nghiệp và khó khăn vướng mắc hiện nay, tỉnh Lào Cai đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
(1) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai cho tỉnh Lào Cai, là: 4.348,5 tỷ đồng; trong đó: hỗ trợ hạ tầng giao thông: 1.935,39 tỷ đồng, giáo dục và y tế 289,036 tỷ đồng, viễn thông 72,329 tỷ đồng, công trình thuỷ lợi và nước sạch, sản xuất nông nghiệp 2.051,8 tỷ đồng để tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống cho Nhân dân, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
(2) Để các địa phương luôn chủ động trong công tác quản lý tài nguyên nước, ứng phó với thiên tai, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
- Qua ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 3 thấy rằng, Lào Cai và các tỉnh còn bị động vào phía nước bạn, do đó, tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tổng thể công tác phối hợp với Trung Quốc (giữa các tỉnh) để có cơ chế hợp tác hiệu quả về xử lý, điều tiết nước; nghiên cứu Đề án tổng thể về đánh giá an ninh nguồn nước nhằm chủ động trong việc điều tiết nguồn và ứng phó với mưa lũ.
- Xem xét giao cho một bộ chủ quản tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tỉnh Lào Cai và một số địa phương khác nghiên cứu, khảo sát để thực hiện Đề án chỉnh trị sông Hồng đa mục tiêu nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển du lịch… Đồng thời, sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định, quy trình chia sẻ, vận hành thủy điện trên các sông liên tỉnh để các địa phương chủ động trong việc điều tiết nước, cắt lũ trên sông; tránh những trường hợp vừa xảy ra như Hồ Thác Bà vừa qua.
(3) Hiện nay, đang còn hàng nghìn hộ dân mất nhà cửa ở nhiều tỉnh, thành do ảnh hưởng bão lũ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế đầu tư công đặc biệt từ việc quy hoạch, bố trí, thẩm định nguồn vốn, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, thu hồi đất... để tất cả các địa phương (trong đó có Lào Cai) sớm triển khai các dự án đầu tư công xây dựng lại các khu tạm cư, tái định cư, sắp xếp dân cơ cho hàng chục nghìn người dân bị thiệt hại về nhà cửa do bão số 3 (nếu thực hiện theo quy trình đầu tư công hiện nay sẽ rất khó khăn cho cả chính quyền và người dân trong khắc phục hậu quả mưa lũ). Các địa phương được phép chủ động phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực trong việc xây dựng phương án đầu tư, xây dựng khắc phục bão lũ, bảo đảm đời sống cho nhân dân sau mưa lũ.
(4) Trước những thiệt hại thiên tai hiện nay, dự báo việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất khó khăn, nên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương bị thiệt hại rà soát, đánh giá để điều chỉnh lại cách thức bố trí, giải ngân vốn đầu tư công (như việc lồng ghép, chuyển nguồn, điều chuyển vốn, lựa chọn lại danh mục cũng như kéo dài thời gian giải ngân vốn các dự án đầu tư công trong đó có các chương trình MTQG...) để các địa phương có nguồn lực khắc phục hậu quả bão lũ cũng như tăng cường khả năng thích ứng với thiên tai của các công trình hạ tầng trong thời gian tới.
(5) Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư, nâng cấp Trạm Thuỷ văn tỉnh Lào Cai, hệ thống dự báo cảnh báo sớm (Thực tế vừa qua trên dòng sông chảy việc quan trắc gặp rất nhiều khó khăn) để tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo về tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
(6) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành liên quan cho phép chuyển nguồn vốn sự nghiệp của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa sử dụng để sửa chữa khắc phục các công trình hạ tầng do ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời, có cơ chế thực hiện đặc thù (về thời gian và thủ tục) đối với các công việc khắc phục hậu quả thiên tai.
(7) Đề nghị xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành chuyên môn có giải pháp nâng cao chất lượng dự tính, dự báo, cảnh báo thiên tai đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, đây là khu vực hay xảy ra thiên tai, sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét… thời tiết cực đoan; từ đó có biện pháp phòng, chống hiệu quả khi xảy ra thiên tai.
(8) Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trước mắt bố trí nguồn kinh phí khắc phục thiệt hại lĩnh vực nông lâm nghiệp theo đề nghị của Tỉnh Lào Cai tại Phương án số 398/PA-UBND ngày 30/9/2024.
(9) Đề nghị Quân khu II, Bộ Công an rà soát, đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị, các phương tiện tàu, thuyền để phục vụ công tác khắc phục và phòng chống thiên tai trong thời gian tới./.