Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng

Luật Căn cước sẽ giúp ngân hàng tránh được nguy cơ giấy tờ giả trong các giao dịch

Thanh Hải 10/05/2023 - 10:48

Góp ý về Luật Căn cước, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Luật Căn cước ra đời sớm ngày nào thì tốt ngày ấy, giúp ngành Ngân hàng tránh được nguy cơ giấy tờ giả trong các giao dịch.

Tiếp tục Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều ngày 9/5, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiến hành thẩm tra Luật Căn cước.

ca-cuoc-cong-dan.jpeg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Đề cập những tác động tích cực của dự án Luật Căn cước đối với hoạt động của ngành Ngân hàng, tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành Ngân hàng là ngành mong chờ sửa đổi Luật này nhất, bởi toàn ngành hiện có khoảng 150 triệu tài khoản ngân hàng, khoảng 74% dân số trên 15 tuổi có tài khoản, mà khi giao dịch ngân hàng thì điều đầu tiên là phải định danh được.

Do vậy, Luật Căn cước ra đời sớm ngày nào thì tốt ngày ấy, giúp ngành Ngân hàng tránh được nguy cơ giấy tờ giả trong các giao dịch.

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…

Tuy nhiên, qua hơn 7 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, góp phần phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế, xã hội và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư…

Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều) quy định về các nội dung liên quan đến: Nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam; về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước…

Thẩm tra dự án Luật, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình cơ bản đã đầy đủ các tài liệu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm góp phần đơn giản hóa trong giải quyết thủ tục hành chính của công dân.

Đánh giá việc xây dựng Luật Căn cước là đột phá lớn để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số, có tác dụng về chính trị, kinh tế, xã hội rất lớn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân đặc biệt ấn tượng với quy định rất tiến bộ là mở rộng đối tượng cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Đối với việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, đây là bước tiến, tới đây các em đi học, làm việc, khám bệnh rất thuận lợi... Tuy nhiên đại biểu đề nghị nên có thêm quy định về cha mẹ, người giám hộ trong quản lý, sử dụng CCCD cho người dưới 14 tuổi.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định, đây là dự án luật thể hiện sự chuyển mình trong chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam lên tầm cao mới, có vị thế, vai trò mới, là điểm cộng trong gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến thẩm tra, góp ý xác đáng của các đại biểu tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới đây”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật Căn cước sẽ giúp ngân hàng tránh được nguy cơ giấy tờ giả trong các giao dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO