TRƯỚC THỀM XUÂN ẤT TỴ 2025, TẠP CHÍ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ ĐÃ CÓ DỊP TRAO ĐỔI VỚI 3 CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH ĐẾN TỪ CÔNG TY XẾP HẠNG TÍN NHIỆM QUỐC TẾ HÀNG ĐẦU, MOODY’S: ÔNG JEFFREY LEE – GIÁM ĐỐC KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG VỀ ĐÁNH GIÁ TÀI CHÍNH BỀN VỮNG; ÔNG AMIT PANDEY – CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH CAO CẤP VÀ ÔNG MARCUS YIN – CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH. XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU CÙNG BẠN ĐỌC. (* TÍT BÀI DO TÒA SOẠN ĐẶT).
TRƯỚC THỀM XUÂN ẤT TỴ 2025, TẠP CHÍ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ ĐÃ CÓ DỊP TRAO ĐỔI VỚI 3 CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH ĐẾN TỪ CÔNG TY XẾP HẠNG TÍN NHIỆM QUỐC TẾ HÀNG ĐẦU, MOODY’S: ÔNG JEFFREY LEE – GIÁM ĐỐC KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG VỀ ĐÁNH GIÁ TÀI CHÍNH BỀN VỮNG; ÔNG AMIT PANDEY – CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH CAO CẤP VÀ ÔNG MARCUS YIN – CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH. XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU CÙNG BẠN ĐỌC. (* TÍT BÀI DO TÒA SOẠN ĐẶT).
Phóng viên: Trong dự báo gần đây, Moody’s đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 là 6,5% (tăng 0,5% so với dự báo năm 2024). Yếu tố nào khiến Moody’s cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024?
Ông Marcus Yin: Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo cho năm 2024 cao hơn, lên mức 6,5-7,0% nhờ hiệu quả hoạt động từ quý III đến hết năm 2024 tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, đối với năm 2025, mặc dù chúng tôi kỳ vọng hiệu suất ở mức tương tự nhưng vẫn có sự hỗ trợ cho xu hướng tăng, xuất phát từ:
• Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn so với năm 2024, năm đã gặp một số trở ngại từ siêu bão Yagi.
• Xung lực tài chính mạnh hơn so với năm 2024, được phản ánh thông qua mục tiêu thâm hụt ngân sách mở rộng hơn, đặt ra ở mức 3,8% trong năm 2025.
• Tâm lý trong nước tiếp tục phục hồi, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản sau khi Luật Bất động sản mới được ban hành và dần đi vào triển khai thực hiện, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2024.
• Môi trường chính trị trong nước có khả năng ổn định hơn so với năm 2024, giảm bớt sự biến động và thúc đẩy sự phục hồi tâm lý đầu tư.
• Nhìn chung, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục gia tăng do Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc+1 (chiến lược kinh doanh nhằm tránh việc đầu tư duy nhất vào Trung Quốc và đa dạng hóa kinh doanh sang các quốc gia khác, hoặc chuyển hướng đầu tư sản xuất tại các nền kinh tế đang phát triển có triển vọng khác – PV) mặc dù vào đầu năm có thể sẽ chậm lại do các nhà đầu tư chờ đợi định hướng chính sách thương mại rõ ràng hơn của Mỹ sau sự kiện bầu cử Tổng thống.
Phóng viên: Vậy, đâu là những rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Ông Marcus Yin: Rủi ro chính đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là từ chính sách thương mại của Mỹ. Mức thuế chung đề xuất có thể có tác động làm suy giảm thương mại toàn cầu, với tác động đáng kể đến Việt Nam trong thời gian tới do Việt Nam có mức tiếp xúc tương đối lớn với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế như vậy không hẳn làm suy yếu khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam nếu nó cùng được áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Mặt khác, các mức thuế mục tiêu bổ sung dành riêng cho Việt Nam sẽ gây bất lợi cho Việt Nam với tư cách là một trung tâm đầu tư và xuất khẩu. Rủi ro như vậy vẫn tồn tại trong bối cảnh Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nếu Tổng thống Donald Trump quay lại chính sách nhắm vào các nền kinh tế riêng lẻ có sự mất cân bằng thương mại lớn với Mỹ.
Bên cạnh những rủi ro trên, những rủi ro khác đối với Việt Nam sẽ xuất phát từ các sự kiện khí hậu chưa từng có như đã thấy trong năm 2024, hoặc sự xáo trộn chính trị trong nước có thể ảnh hưởng tới hoạt động của khu vực công và đầu tư.
Tâm lý trong nước phục hồi yếu hơn dự kiến cũng có thể xuất hiện nếu lĩnh vực xuất khẩu yếu hơn mong đợi, có thể là do chính sách thương mại của Mỹ không chắc chắn hoặc những thay đổi không lường trước được về mặt địa chính trị trong các mô hình thương mại và đầu tư.
Phóng viên: Moody’s đánh giá thế nào về hệ thống ngân hàng Việt Nam (về chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng...)? Theo ông, hệ thống ngân hàng Việt Nam có những rủi ro gì?
Ông Amit Pandey: Xu hướng về chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất khác nhau, một số ngân hàng đã báo cáo tỷ lệ nợ xấu thấp hơn trong năm tài chính 2024, trong khi một số khác vẫn đang vật lộn với tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Rủi ro chính về chất lượng tài sản bắt nguồn từ việc nợ quá hạn trong danh mục bán lẻ của một số ngân hàng và rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc đầu tư vào các nhà phát triển bất động sản của một số ngân hàng khác.
Phóng viên: Để hoạt động an toàn và phát triển bền vững, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần cải thiện những mặt nào, thưa ông?
Ông Amit Pandey: Điểm mạnh chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam là khả năng sinh lời tốt của các ngân hàng so với các hệ thống ngân hàng khác trong khu vực cùng với tăng trưởng kinh tế trong nước mạnh mẽ. Nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu bằng đồng nội tệ thông qua tiền gửi. Những thách thức chính bao gồm mức độ vốn hóa ở mức vừa phải so với các nước trong khu vực ASEAN và tăng trưởng tín dụng cao, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa trong vài năm qua, làm đòn bẩy của khu vực tư nhân tăng lên, dẫn đến rủi ro về khả năng trả nợ và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi cao.
Phóng viên: Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần một nguồn lực rất lớn, trong đó có vốn. Được biết, Moody’s đã và đang hỗ trợ một số ngân hàng thương mại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững như phát hành trái phiếu xanh và xây dựng khuôn khổ ESG? Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hoạt động của Moody’s trong lĩnh vực phát triển bền vững, thưa ông?
Ông Jeffrey Lee: Moody’s đã cung cấp các ý kiến đánh giá độc lập của bên thứ hai (SPO) về tác động bền vững của Khung trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội cũng như các công cụ nợ của ngân hàng. Các đánh giá độc lập của bên thứ hai này cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin minh bạch về việc trái phiếu tuân thủ Nguyên tắc trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), cũng như thông tin chi tiết về lợi ích dự kiến của việc sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu vào các dự án xã hội và dự án xanh do các ngân hàng tại Việt Nam tài trợ vốn. Moody’s đưa ra ý kiến về những lợi ích dự kiến bằng cách đánh giá mức độ phù hợp và tầm quan trọng của các dự án được tài trợ vốn. Moody’s cũng đánh giá các cân nhắc bổ sung như quản lý rủi ro môi trường và xã hội cũng như tính gắn kết.
Ngoài hoạt động cung cấp đánh giá độc lập của bên thứ hai (SPO), Moody’s còn cung cấp Đánh giá Net Zero (NZA), đưa ra đánh giá độc lập và có thể so sánh về sức mạnh của hồ sơ giảm phát thải carbon của một thực thể tổ chức so với lộ trình số tiến tới phát thải ròng bằng 0 toàn cầu, phù hợp với các mục tiêu tham vọng nhất của Thỏa thuận Paris năm 2015 về hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C, đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050. NZA cung cấp cho những người tham gia thị trường những hiểu biết rõ ràng hơn về vị thế tương đối của các doanh nghiệp phi tài chính khi họ chuyển sang một tương lai ít carbon.
Moody’s Ratings cũng hỗ trợ ngày càng nhiều tổ chức phát hành trái phiếu trên hành trình đi tới mục tiêu tài chính bền vững của họ, chủ yếu thông qua các hoạt động giáo dục và đánh giá các công cụ tài chính bền vững (Ý kiến của bên thứ hai). Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều hội thảo và tọa đàm nhằm mục đích cung cấp kiến thức cho thị trường và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của chúng tôi về hoạt động tài chính bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi này!
Thanh Hương (thực hiện)