Từ “lì xì” trong tiếng Việt, sử dụng phổ biến ở miền Nam, được cho là có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, là cách đọc của từ “lợi thị” hoặc “lợi sự” (phát âm theo giọng Quan Thoại là li shi, theo giọng Quảng Đông là lì xì, hay lầy xì), có nghĩa gốc là một món đồ hay món tiền mang đến lợi lộc, vận tốt, vận may. Tặng lì xì là tặng món tiền thể hiện điều lành và may mắn cho đứa trẻ.
Ở Việt Nam, không ai biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi, mừng tuổi đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới và là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc truyền thống của người Việt.
Theo tục lệ từ xưa, cứ vào sáng mùng Một Tết Nguyên đán, tất cả con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Con cháu nhận bao đỏ mừng tuổi như nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho mình với lời chúc may mắn và hạnh phúc trong cả năm.
Sáng sớm mồng Một Tết hay ngày “Chính đán”, mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng và mừng tuổi lẫn nhau. Người lớn “mừng tuổi” trẻ em một cách cụ thể bằng những đồng tiền mới bỏ trong những “phong bao”. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là “Tiền mở hàng”. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều!
Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ, kèm theo lời chúc phúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt.
Tiền mừng tuổi ý nghĩa chính không nằm ở số tiền nhiều ít mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe, bách niên giai lão. Còn ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang... Những chiếc phong bao đỏ mừng tuổi thể hiện sự gắn kết mọi người với nhau hơn, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn.
Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Dù cho thời gian có trôi đi thì sự mong mỏi được nhận chiếc phong bao mừng tuổi trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi.
Ngày nay, việc mừng tuổi ngày Tết Nguyên đán cũng khác xưa, cả về hình thức bề ngoài, lẫn cả giá trị bên trong. Vì mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa nên việc trao và nhận cũng cần được thực hiện đúng tinh thần vốn có của nó để có thể gìn giữ và giúp phong tục mừng tuổi Tết thêm phần ý nghĩa.
Như vậy, Tết là dịp để con cháu lì xì ông bà, cha mẹ và ngược lại.
Không chỉ người thân trong gia đình mới mừng tuổi nhau, mà khi khách đến chúc Tết, khách ngoài việc chúc Tết cho gia chủ còn mừng tuổi trẻ con kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Vì thế, bất cứ ai nhận được bao lì xì trong năm mới cũng đều thấy rất vui mừng và phấn khởi.