Ngân hàng mở: Xu thế của thời đại 4.0

Nguyễn Nhâm| 08/08/2020 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những dấu ấn quan trọng nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới công nghệ tài chính. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2018, Open Banking đã khiến cho quá trình số hóa theo hướng thông minh và cởi mở trong ngành ngân hàng được ghi nhận. Theo đó, ứng dụng giao diện lập trình mở (Open API) trở thành từ khóa của hệ sinh thái ngân hàng mở, khiến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách ngành Tài chính - Ngân hàng đặc biệt quan tâm.

Từ nhận thức khái niệm...

Open Banking là thuật ngữ mới xuất hiện trong ngành dịch vụ tài chính. Theo đó, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Với việc ứng dụng giao diện lập trình (API) - công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Khi được chia sẻ thông qua Open API, dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty Fintech tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn(1).

Thuật ngữ Open Banking lần đầu tiên xuất hiện trong Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) của Liên minh châu Âu (EU). Theo PSD2, ngân hàng mở cho phép các bên cung cấp dịch vụ thanh toán thứ ba được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện lập trình ứng dụng mở được bảo mật.

Việc các ngân hàng sử dụng Open API trong phát triển mô hình kinh doanh mới là nhu cầu khách quan, có thể dự báo được. Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng. Bằng cách khuyến khích các ngân hàng và các nhà phát triển bên thứ ba để làm việc với nhau thông qua các Open API của ngân hàng, trải nghiệm tài chính của khách hàng có thể được cải thiện mạnh mẽ.

API thực chất là một “giao diện” giữa phần mềm với phần mềm. Theo đó, hệ điều hành, ứng dụng, các đơn vị trong tổng thể (module) trong hệ thống… giao tiếp với nhau và tận dụng năng lực của nhau(2). Có thể nói, một trải nghiệm phần mềm đầy đủ chính là do nhiều phần mềm giao tiếp với nhau mà thành, mỗi phần mềm cũng là do nhiều module, hoặc gói (package) kết hợp lại. Việc chia nhỏ các phần mềm ra nhiều lớp sẽ giúp cho các lập trình hoặc module có thể tận dụng lẫn nhau. Vì thế, Open API có chức năng khớp nối các thành phần của các phần mềm lại với nhau.

Việc cung cấp API giống như một người tự giới thiệu về khả năng của mình, và bên đối tác yêu cầu anh ta giúp đỡ để làm điều đó. Phần mềm gọi đến có thể cung cấp dữ liệu đầu vào cùng với đòi hỏi dữ liệu đầu ra và thực hiện cam kết từ phần mềm cung cấp API. Nhờ có API mà Facebook có thể thực hiện tính năng xác thực hộ các dịch vụ khác nhau. Theo giới quan sát, “Microsoft cung cấp 22 API tri giác” điều này có nghĩa là người dùng có thể mang khả năng “tri giác” do Microsoft cung cấp vào bên trong ứng dụng của họ. Người dùng được hưởng lợi, nhưng thực chất họ đang phụ thuộc vào Microsoft.

Ngày nay khi nói tới các bước tiến của phần mềm là nói tới API. Các phần mềm nổi tiếng của các hãng công nghệ hoặc gói công cụ phát triển phần mềm (SDK) thì chủ yếu và quan trọng nhất là API. Vì SDK, thực chất là gồm nhiều API có sẵn để các lập trình viên có thể tạo ra sản phẩm riêng một cách dễ dàng hơn. Có thể nói không quá rằng: “Thiếu Windows, thiếu iOS hay Android thì loài người có thể vẫn sống sót được, nhưng thiếu khái niệm API thì chắc chắn là thế giới… ngừng quay”(3). Bởi các API trong hệ điều hành là cơ sở để thế giới ứng dụng bùng nổ, các API giữa các module trong các hệ thống doanh nghiệp là cơ sở để nền kinh tế phát triển.

... Đến tính khách quan và nhu cầu thực tiễn

Năm 2018 được coi là năm bắt đầu kỷ nguyên ngân hàng mở và giới nghiên cứu dự báo rằng, mô hình ngân hàng này sẽ thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, tiếp thị, kiểm soát rủi ro, và hoạt động mở là cơ hội cho ngành ngân hàng đổi mới và phát triển vượt bậc.

Tập đoàn IDC đã thực hiện khảo sát 146 ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kết quả là 70% số ngân hàng mở tăng phạm vi tiếp cận khách hàng của họ và 40% trong số này nhận thấy các luồng doanh thu trực tiếp/gián tiếp thay đổi trong ngân hàng mở và họ có khả năng sẽ gia tăng tính mở của ngân hàng vào những năm tới.

Open Banking là một xu hướng xuất phát từ nhu cầu khác nhau ở mỗi nước. Ở Anh là từ nhu cầu tuân thủ pháp luật. Theo đó, các cơ quan quản lý chủ động ban hành các hướng dẫn hoặc ra quy định bắt buộc các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống chia sẻ thông tin khách hàng miễn phí hoặc tính phí nhẹ. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, Open Banking đang khá thịnh hành, nên các cơ quan quản lý lại sử dụng phương pháp “thận trọng để chờ xem”. Trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia hiện đã có chiến lược và các chính sách cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng Open Banking, nhằm khai thác tiềm năng bởi đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện đại.

Tại Đức: Năm 2010, Dự án ngân hàng mở (Open Bank Project) được phát triển bởi sự hợp tác của các ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ chính của các dự án là thiết lập các Open API cho các ngân hàng, giúp cho các nhà phát triển và các công ty Fintech có thể sử dụng để tạo các ứng dụng tiện ích hơn cho khách hàng từ dữ liệu các ngân hàng chia sẻ với sự chấp nhận của khách hàng.

Tại EU: Năm 2015, Nghị viện châu Âu (EP) đã ban hành Chỉ thị về dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) để xây dựng nền tảng cho việc phát triển Open Banking. Theo lộ trình thì PSD2 đã luật hóa trong các quốc gia thành viên từ năm 2018, với việc cho phép các bên thứ ba phát triển dịch vụ thanh toán trên nền tảng của các định chế tài chính với sự đồng ý của khách hàng và vấn đề bảo mật được đặc biệt coi trọng.

Tại Singapore: Tháng 11/2016,  Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Trung ương đã phát hành ấn phẩm “Finance-as-a-Service: API Playbook” như một hướng dẫn toàn diện cho các định chế tài chính, các công ty Fintech và các tổ chức quan tâm khác trong việc phát triển và áp dụng kiến ​​trúc hệ thống dựa trên nền tảng là các Open API, mở đầu cho hệ sinh thái ngân hàng mở tại nước này.

Tại Nhật Bản: Tháng 5/2017, Luật Ngân hàng sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm của các ngân hàng phải có các chính sách cụ thể để hợp tác với bên thứ ba cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cũng như công bố các mốc thời gian để phát triển các API làm nền tảng kết nối.

 Tại Australia: Tháng 8/2017, đã xác định chức năng chính của ngân hàng mở là trao quyền cho khách hàng truy cập và kiểm soát tốt hơn dữ liệu ngân hàng của mình. Những lợi ích tiềm năng của hệ thống ngân hàng mở cũng như các chi phí phát sinh để đảm bảo quyền về dữ liệu của khách hàng.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc): Tháng 9/2017, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đã công bố ấn phẩm Kỷ nguyên mới của ngân hàng thông  minh với 7 sáng kiến, trong đó, có việc áp dụng các Open API.

Tại Anh: Năm 2019, cơ quan quản lý cạnh tranh và điều hành thị trường (CMA) đã công bố báo cáo về thị trường ngân hàng bán lẻ, trong đó, yêu cầu 9 ngân hàng lớn (HSBC, Barclays, RBS, Santander, Bank of Ireland, Allied Irish Bank, Danske, Lloyds và Nationwide) bắt buộc phải công bố chuẩn dữ liệu, phát hành dữ liệu bảo mật để có thể dễ dàng chia sẻ trực tuyến với các bên thứ ba được ủy quyền.

Tại Việt Nam: Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về việc Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, đây chính là nền tảng để các bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Các ngân hàng thương mại cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như nhu cầu cấp thiết phải đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bước đầu xây dựng, thử nghiệm và dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động Open Banking theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thống đốc NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech theo Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017. Theo đó, nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng Open API là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của Ban.

Tháng 6/2018, Cục Công nghệ thông tin của NHNN đã tiến hành khảo sát giao diện kết nối ứng dụng Open API trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để xác định: (1) Hiện trạng cung cấp, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng với khách hàng và bên thứ ba; (2) Nhu cầu về chuẩn kết nối chung cho ngành Ngân hàng với các công ty Fintech. Kết quả khảo sát chính là cơ sở để NHNN hoạch định khung pháp lý xây dựng hệ sinh thái Open Banking tại Việt Nam. Hồi tháng 10/2018, Cục Công nghệ thông tin (NHNN) đã ký biên bản hợp tác chung với Cơ quan Xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA) và Viện Tài chính viễn thông và Thanh toán bù trừ Hàn Quốc (KFTC) về giao diện Open API trong lĩnh vực ngân hàng.

NHNN cũng đang nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở để tạo điều kiện cho các ngân hàng cũng như cộng đồng Fintech hướng tới một hệ thống ngân hàng mở, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số mà còn tạo sân chơi bình đẳng trong hệ thống các ngân hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, phát triển Open API sẽ là hướng tiếp cận giúp ngân hàng giải quyết được bài toán đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tiếp cận đến các tệp khách hàng khác nhau với chi phí về nguồn lực con người, tài chính hợp lý và thời gian phát triển sản phẩm sẽ được rút ngắn đáng kể.

Các chuyên gia về chuyển đổi số của Microsoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng nhận thấy, một nền tảng công nghệ cho Open Banking không chỉ bao gồm năng lực tạo ra và quản lý API mà còn đòi hỏi nhiều năng lực công nghệ khác được cung cấp trong một môi trường kết hợp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu riêng của ngân hàng. Theo đó, việc phân tích dữ liệu sẽ giúp ngân hàng xác định được nhu cầu, hành vi, phân khúc khách hàng; định hướng nhân viên ngân hàng tập trung vào những đối tượng khách hàng mang lại nhiều giá trị nhất.

Về chuẩn Open API, trong quá trình nghiên cứu Cục CNTT nhận thấy, để triển khai được trong ngành Ngân hàng Việt Nam, có nhiều vấn đề về pháp lý và công nghệ cần được làm rõ và tháo gỡ như: Tính bảo mật, quyền riêng tư, mô hình, chuẩn kết nối giữa hệ thống ngân hàng, các công ty Fintech; phạm vi và lộ trình mở dữ liệu của ngân hàng; các vấn đề về an ninh trong bảo vệ hệ thống trước nguy cơ truy cập bất hợp pháp... Điều quan trọng nhất trong mô hình Open Banking là bên thứ ba có quyền tiếp cận dữ liệu ngân hàng, nên giới chuyên gia cho rằng, phải có một cơ chế an toàn, thống nhất để chia sẻ dữ liệu. Vì thế, NHNN nên xem xét thành lập một trung tâm trung gian làm nhiệm vụ thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ ba được phép sử dụng Open API của các ngân hàng(4).

Những vấn đề về an ninh và giải pháp

Phát triển ngân hàng mở là một trong những yêu cầu của lộ trình hướng tới chuẩn ngân hàng số (digital banking), với các lợi ích của nhiều bên như. (1) Gia tăng tiện ích sản phẩm và thu nhập cho ngân hàng; (2) Gia tăng sự tín nhiệm và hài lòng của khách hàng; (3) Đồng thời với việc chi phí giao dịch giảm, quản lý tài khoản dễ dàng và khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Open API và Open Banking được cho là sẽ dẫn đầu cho kỷ nguyên sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, ngân hàng. Chính sự đổi mới, sáng tạo sẽ tạo ra các sản phẩm dịch vụ và giá trị mới mà chúng ta không thể dự báo hay hình dung ngay từ ngày hôm nay được. Tuy nhiên, vấn đề an ninh cho Open Banking vẫn còn khá nhiều quan ngại.

Được biết, ở Trung Quốc ngay từ năm 2012, Bank of China đã đề xuất một khái niệm thiết lập nền tảng mở, đến năm 2013, ngân hàng này đã công bố nền tảng mở của mình, sau đó cung cấp một loạt các ứng dụng như: Thanh toán di động, đầu tư và quản lý tài sản; quản lý thẻ tín dụng, tài khoản và dịch vụ tài chính xuyên biên giới, với hơn 1.600 API..

Tiếp đến, các ngân hàng lớn trên thế giới bắt đầu khám phá cách thức thông qua Open API để đạt được kết nối giữa các dịch vụ tài chính và các lựa chọn của người dùng. Bằng nỗ lực liên tục, các ngân hàng đã cố gắng cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trong bối cảnh sự hợp tác có phần suy yếu giữa các ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech hiện nay.

Tuy nhiên, rủi ro chủ yếu tập trung vào sự cởi mở của chính Open Banking, bởi các đối tác cung cấp các kịch bản hợp tác, nhưng có rất ít đầu ra về khả năng cốt lõi để kiểm soát nó. Vì thế, các ngân hàng đang xem xét và chuẩn bị tốt về việc họ có thể ứng phó với các rủi ro về đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề khó đoán định khác. Sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế phát hành và cách ly bảo đảm tính bền vững của API đã được đặt ra.

Trong tương lai, để giải quyết các vấn đề nêu trên, việc kêu gọi sự hợp tác quốc tế về mặt giám sát theo quy định để thiết lập các công nghệ thống nhất, các tiêu chuẩn và chuẩn mực dữ liệu, cũng như cơ chế bảo vệ an ninh dữ liệu và kiểm soát nội bộ là rất cấp thiết và đặc biệt quan trọng.

Nhiều công ty như Công ty Experian ở Trung Quốc, Hồng Kông, Macau hiện đã trở thành đối tác chiến lược để cung cấp dịch vụ tín dụng doanh nghiệp, quyết định, phân tích, giải pháp nhận dạng và chống gian lận; chất lượng dữ liệu và dịch vụ nhắm mục tiêu. Công ty này cũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều tổ chức tài chính nổi tiếng của Trung Quốc như: China UnionPay và 10 ngân hàng hàng đầu ở Trung Quốc (Shenzhourong, JD Finance, Sunshine Insurance...) Vì thế, việc cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Experian. Ở Việt Nam để thúc đẩy quá trình số hóa ngân hàng, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp sau:

 Một là, xây dựng chiến lược phù hợp. Trong giai đoạn chuyển hóa ngân hàng từ mô hình truyền thống sang mô hình mở, các ngân hàng cần phải đưa ra lựa chọn chiến lược trước sự cạnh tranh của thị trường hoặc nhu cầu pháp lý, dựa trên vị thế thị trường của chính họ và trách rủi ro. Các ngân hàng buộc phải cân nhắc xem có nên chủ động xây dựng các dịch vụ được cá nhân hóa để có được khách hàng hay chiếm lĩnh thị phần hoặc áp dụng thái độ “chờ xem”...

Ông Dev Dhiman, Giám đốc điều hành tại Đông Nam Á và những thị trường mới nổi của Experian(5) cho biết: “Experian tiếp tục chú trọng khu vực Đông Nam Á và hướng đến mục tiêu tăng cường tiếp cận của người tiêu dùng đến các dịch vụ tài chính”(6). Tại khu vực có hơn 600 triệu dân, nhưng có tới 73% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, sẽ cho phép Experian có thể giúp đỡ các ngân hàng phân tích tình hình hiện tại của họ và xây dựng chiến lược Open Banking phù hợp, cùng với các phương thức triển khai cụ thể.

Hai là, xây dựng kho dữ liệu tiện ích. Theo giới chuyên gia, cốt lõi của Open Banking là dữ liệu của nó. Để thực sự “mở”, dữ liệu phải được truy cập tự do và các tổ chức tài chính phải hợp nhất dữ liệu nội bộ và cung cấp chúng cho ứng dụng kết hợp với dữ liệu bên ngoài. Experian sở hữu lợi thế lớn trong lĩnh vực phân tích, cung cấp dịch vụ tích hợp dữ liệu, đưa ra các sản phẩm tích hợp dữ liệu tự động và xây dựng các loại dữ liệu hữu ích khác. Sản phẩm CrossCore của Experian trong lĩnh vực chống gian lận, có thể chủ động kết hợp dữ liệu đa dạng, chính xác và hiệu quả. Vì thế, hợp tác với Experian có thể là một sự lựa chọn.

Công tác triển khai yêu cầu phải kết hợp các chiến lược, thông tin và hiểu biết, kết nối tất cả các dấu hiệu nhỏ nhất trong môi trường hệ thống của khách hàng. Danh mục sản phẩm của Experian về cơ bản đã có tất cả các khía cạnh của quản lý rủi ro, bao gồm: Nền tảng tích hợp thông tin, phát hiện gian lận và thông qua quản lý rủi ro tín dụng. Về khía cạnh khách hàng, Experian cũng có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu trong suốt vòng đời của sản phẩm.

Ba là, tập trung vào nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Open Banking mới phát triển nên công nghệ ngân hàng cũng là sở thích tiêu dùng của khách hàng. Ngân hàng mở thực sự tập trung vào các mối quan tâm cốt lõi của khách hàng. Khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn, so sánh và chuyển đổi liền mạch với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Tình trạng tài chính của khách hàng được coi là một tổng thể. Bởi họ không cần phải xử lý nhiều tài khoản, mà chỉ cần thông qua dịch vụ tài chính, các nhu cầu của khách hàng có thể được đáp ứng như: xử lý tài khoản với hiệu quả cao, chuyển đổi tài khoản theo ý muốn...

Bốn là, đầu tư thỏa đáng cho công nghệ bảo đảm an ninh. Hiện nay đã có rất nhiều nền tảng với các công nghệ tài chính tiên tiến, bao gồm: Việc phát hiện gian lận dựa trên Internet, tích hợp thanh toán dựa trên Internet, quản lý tài sản dựa trên Internet, trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng blockchain. Tuy nhiên, vì các công nghệ tài chính chỉ xử lý các ứng dụng chung, để áp dụng chúng cho các kịch bản cụ thể sẽ đòi hỏi cấu hình đáng kể. Điều này có thể là đòi hỏi quá sức đối với các ngân hàng vừa và nhỏ.

 Vì thế, bài học mà Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhận được từ sự hợp tác cùng Timo (Ngân hàng số ứng dụng Mobile Banking và Internet Banking), đó chính là sự bổ trợ tốt cho các hoạt động số hóa ngân hàng, Timo không chỉ là động lực thúc đẩy VPBank phải số hóa, nếu không số hóa không cạnh tranh, không tiếp tục đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ thì VPBank sẽ có thể thua các công ty Fintech. Ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng số VPBank nói: “Chúng tôi học hỏi lẫn nhau, qua quá trình đó chúng tôi thấy được những thay đổi về hiểu biết giữa cả Timo và Ngân hàng VPBank, hiểu được thế nào là số hóa hoạt động ngân hàng để từ đó cải thiện chất lượng của mình”(7).

Năm là, sớm hoàn thiện khung pháp lý về Open Banking. Vì đây là điều kiện, tiền đề quan trọng nhất để đáp ứng các yêu cầu: (1) Xác định trách nhiệm của ngân hàng cung cấp dữ liệu cá nhân của khách hàng cho các bên thứ ba được khách hàng ủy quyền thông qua các Open API chuẩn hóa; (2) Các hình thức xác thực bảo mật cho khách hàng khi họ truy cập hay thực hiện thanh toán thông qua bên thứ ba được ủy quyền; (3) Trách nhiệm của ngân hàng phải tự đánh giá các rủi ro khi khách hàng thực hiện giao dịch trên kênh kỹ thuật số mới; (4) Tiêu chuẩn và cách xác thực các bên cung cấp dịch vụ thứ ba được phép truy cập dữ liệu ngân hàng của khách hàng khi được ủy quyền; (5) Tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho các Open API để đảm bảo kết nối thành công giữa ngân hàng và các bên thứ ba.

Sáu là, xác định những chiến lược phù hợp cho các ngân hàng. Theo đó, cần bảo đảm các yêu cầu như: (1) Đầu tư, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin ngân hàng để đảm bảo khả năng tổng hợp, cung cấp dữ liệu khách hàng và kết nối với các bên thứ ba thông qua các API mở; (2) Duy trì các mối quan hệ hiện có với khách hàng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho lộ trình xây dựng ngân hàng mở để đảm bảo rằng ngân hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên của khách hàng; (3) Hợp tác và tích hợp các tiện ích dịch vụ của các bên thứ ba nhằm nâng cao khả năng phân phối, xây dựng chuỗi giá trị cho dịch vụ ngân hàng cung cấp và tận dụng lợi thế người tiên phong trong hệ sinh thái ngân hàng mở; (4) Nâng cao khả năng bảo mật cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ từ khung pháp lý quản lý cho ngân hàng mở của NHNN.

Như vậy, sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, nhưng những rủi ro, thách thức vẫn đi cùng là điều khó tránh. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại CMCN 4.0. Vì thế, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần chủ động tích cực trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia, góp phần “Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các hệ thống thanh toán số”(8) theo tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 Chú thích:

(1) https://www.sbv.gov.vn: Phiếu khảo sát mức độ sẵn sàng về chia sẻ dữ liệu của Ngành Ngân hàng (Dành cho TCTD). 29/6/2018

(2) http://genk.vn: Giải ngố về API: Vì sao nói API có ý nghĩa sống còn với cả thế giới điện toán? 2015

(3) http://dvms.vn: API là gì? Vì sao API có ý nghĩa sống còn với cả thế giới điện toán?

(4) http://thoibaonganhang.vn: Ngân hàng mở: Vấn đề ở pháp lý và công nghệ. 30/9/19

(5) Công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ thông tin, có trụ sở tại Mỹ

(6) https://baotintuc.vn: Experian thúc đẩy tài chính toàn diện tại Đông Nam Á. 17/4/2019

(7) https://enternews.vn: Ngân hàng và Fintech: Hợp tác Win-Win. 10/11/2019

(8) Toàn văn Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ chính trị, 27/9/2019

 Tài liệu tham khảo

1. https://www.sbv.gov.vn: Phiếu khảo sát mức độ sẵn sàng về chia sẻ dữ liệu của Ngành Ngân hàng (Dành cho TCTD). 29/6/2018

2. http://genk.vn: Giải ngố về API: Vì sao nói API có ý nghĩa sống còn với cả thế giới điện toán? 2015

3. http://dvms.vn: API là gì? Vì sao API có ý nghĩa sống còn với cả thế giới điện toán?

4. http://thoibaonganhang.vn: Ngân hàng mở: Vấn đề ở pháp lý và công nghệ. 30/9/19

5. Công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ thông tin, có trụ sở tại Mỹ

6. https://baotintuc.vn: Experian thúc đẩy tài chính toàn diện tại Đông Nam Á. 17/4/2019

7. https://enternews.vn: Ngân hàng và Fintech: Hợp tác Win-Win. 10/11/2019

8. Toàn văn Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ chính trị, 27/9/2019

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1+2 năm 2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng mở: Xu thế của thời đại 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO