Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế đạt hiệu quả

ThS. Trần Trọng Triết 06/02/2024 06:30

Năm 2024, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Thực hiện mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên

agribank-chi-nhanh-vung-tau-phuc-vu-khach-hang..jpg
Ngành Ngân hàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế đạt hiệu quả

Làm tốt vai trò kênh dẫn vốn phát triển kinh tế

Năm qua, được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cấp ủy, chính quyền địa phương, NHNN chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, giải pháp trong hoạt động, đảm bảo duy trì phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả kênh dẫn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán. Tiếp tục tập trung hướng dòng tín dụng vào các ngành hàng chủ lực mà tỉnh có thế mạnh.

Đáng chú ý, kết quả năm 2023, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng 5,94% so với cuối năm 2022, đạt 179.800 tỉ đồng; đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế tăng 9,98%, đạt khoảng 168.300 tỉ đồng. Dòng vốn tín dụng của ngành Ngân hàng trên địa bàn chủ yếu tập trung hướng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như: công nghệ chế biến cacao - socola; ứng dụng máy không người lái vào gieo giống và phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, cây chuối; mô hình nhân giống, nuôi mực trong môi trường tự nhiên, nuôi trồng thủy hải sản kết hợp du lịch sinh thái; xử lý môi trường rác thải trong nông nghiệp, nông thôn… Toàn tỉnh có 120 doanh nghiệp với gần 300 cơ sở sơ chế, chế biến thủy hải sản nhỏ lẻ, tổng công suất khoảng 250 ngàn tấn thành phẩm/năm.

Bên cạnh đó, về việc cho vay theo chính sách Nhà nước của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đang thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách với 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tập trung vào cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển sản xuất kinh doanh tại các xã vùng khó khăn...

Năm 2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 4.289 tỉ đồng/77.130 khách hàng còn dư nợ, hoàn thành 99,98% kế hoạch tăng trưởng, tăng 4.236 tỉ đồng (gấp 81 lần) so với ngày thành lập. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.

Nguồn vốn vay NHCSXH tỉnh được giải ngân trực tiếp tới khách hàng tại Điểm giao dịch xã (được tổ chức mỗi tháng 1 lần vào ngày cố định tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn), có sự chứng kiến của Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể nhận ủy thác.

Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn. Nợ quá hạn và nợ khoanh năm 2023 là 6 tỉ đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ, giảm gần 20 tỉ đồng so với ngày thành lập. Trong đó, nợ quá hạn 0,6 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0,01%/tổng dư nợ, giảm 24,8 tỉ đồng so với ngày thành lập; nợ khoanh 5,4 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0,13%/tổng dư nợ, tăng 4,9 tỷ đồng so với ngày thành lập. Có 2/8 Phòng giao dịch không có nợ quá hạn là TP.Vũng Tàu và huyện Côn Đảo.

Đặc biệt là thực hiện chương trình liên tịch giữa NHCSXH với Hội Nông dân trong việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH luôn chủ động phối hợp ban giảm nghèo các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, tổ chức họp để kết nạp tổ viên vào tổ, bình xét cho vay, đôn đốc hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích.

Hiện nay, 7/7 huyện, thị xã, thành phố và 60/60 xã, phường, thị trấn trong tỉnh do Hội Nông dân quản lý đã triển khai việc nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ hơn 1.300 tỉ đồng. Nhiều hộ gia đình nông dân đã phát huy được hiệu quả đồng vốn, phát triển kinh tế trở nên khá, giàu. Nhiều hộ thực hiện vay vốn học sinh, sinh viên (HSSV) cho con em học tập, sau khi ra trường có việc làm và thu nhập ổn định…

Đáng chú ý, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay NHCSXH từ tỉnh đến huyện đã phối hợp cùng với các cấp hội, chính quyền địa phương thực hiện 5 chương trình với tổng doanh số cho vay đạt trên 392 tỉ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu vốn mà NHCSXH Trung ương giao. Qua đó, đã giúp cho 6.218 lượt lao động vay vốn để duy trì, ổn định và mở rộng việc làm; 807 HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện để học trực tuyến; 62 cơ sở giáo dục có điều kiện sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để phục hồi, duy trì hoạt động. Chương trình cũng đã giúp 142 lượt hộ vay mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở.

Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phát triển kinh tế

Năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN, tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội tỉnh.

Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong, ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu các chi nhánh NHTM trên địa bàn triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Thực hiện mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Định hướng tăng trưởng nguồn vốn huy động đạt 13%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 14% có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán. Đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách của NHNN và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, đảm bảo tính chính xác và kịp thời.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế đạt hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO