Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng Vĩnh Long: Tận lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

ThS.Trần Trọng Triết 29/01/2024 - 08:49

Với mong muốn hòa cùng vào sự phát triển của địa phương, trong năm 2024 ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Long sẽ tận lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ phấn đấu triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá, dư nợ cho vay tăng 14-15% so với cuối năm 2023…

doanh-nghiep-nhat-ban.jpg
Ngành Ngân hàng Vĩnh Long: Tận lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ảnh: dangcongsan.vn

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long có 3.329 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 48.004 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 39.948 lao động; có 1.181 chi nhánh, văn phòng đại diện; có 1.296 địa điểm kinh doanh. Toàn tỉnh có 198 hợp tác xã (HTX) - tăng 1,07 lần so cùng kỳ năm 2022, 2 liên hiệp HTX và 5 quỹ tín dụng nhân dân.

Dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm cao, nỗ lực lớn của lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện đầy đủ kịp thời chính sách tiền tệ, tín dụng của ngân hàng Trung ương và kế hoạch tăng trưởng kinh tế của UBND tỉnh đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhờ đó đã tập trung đẩy mạnh huy động vốn đến cuối năm 2023 tăng trưởng 9,6% so với cuối năm 2022, đạt 50.986 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 8,67%, đạt 36.103 tỷ đồng; tiền gửi thanh toán tăng 32,34%, đạt 7.155 tỷ đồng.

Có được nguồn vốn huy động trên địa bàn, cùng với nguồn vốn điều hòa từ hội sở chính, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tập trung cho vay vốn vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như: nông nghiệp nông thôn, vốn lưu động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhu cầu tiêu dùng hợp lý... Tính đến hết năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 11,49%, với dư nợ cho vay đạt 46.873 tỷ đồng, tăng 4.833 tỷ đồng so với năm 2022.

Tuy tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn kế hoạch định hướng từ đầu năm (14-15%) nhưng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh (2,61%). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát (2,86%) nhưng còn tiềm ẩn rủi ro do khó khăn của nền kinh tế dự báo còn kéo dài.

Đáng chú ý, doanh số cho vay tín dụng chính sách đến hết năm 2023 đạt 1.182 tỷ đồng, với 31.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tăng trưởng đạt 23,5%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 để khôi phục sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình; duy trì việc làm, tạo việc làm mới cho hơn 10.000 lao động, tạo điều kiện cho 375 lao động vay vốn đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động; cho vay xây dựng cho hơn 25.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn;...

Nguồn vốn được trao kịp thời và hướng dẫn sử dụng hiệu quả đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, năm qua công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng được thúc đẩy tại khu vực chợ Vĩnh Long; đã có hơn 240 tiểu thương đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money, kết nối được với 30 ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money.

Đồng thời, đã triển khai hóa đơn điện tử, eTax Mobile; 60% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; TTKDTM cho các cơ sở giáo dục, y tế. Song song đó, 125 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, 78 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng nội địa. Trên 370 doanh nghiệp, HTX, cơ sở trong tỉnh với 1.700 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương

Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long xác định là năm tiếp tục phấn đấu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả chủ đề của năm: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt là, tập trung thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là triển khai các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực và của tỉnh. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Để góp phần đồng đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện các mục tiêu này, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá theo chỉ đạo của NHNN, UBND tỉnh; đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn huy động 9-10%, dư nợ cho vay tăng 14-15% so với cuối năm 2023; kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3%/tổng dư nợ vào cuối năm 2024; triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá; quản lý tốt hoạt động lưu thông tiền tệ; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.

Cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng ngừa nợ xấu phát sinh; phối hợp tuyên truyền, phòng chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào ngành Ngân hàng.

triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh.

Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn tín dụng…

Các ngân hàng thương mại tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, địa phương; trong đó tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở xã hội… đẩy mạnh chuyển đổi số, không dùng tiền mặt. Tích cực triển khai các gói hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, hạn chế “tín dụng đen”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhu cầu vốn của người nghèo còn lớn, do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp cần tiếp tục quan tâm triển khai hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, cần bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Trong quá trình triển khai cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý nguồn lực, đồng thời tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến để người dân học tập và mạnh dạn tiếp cận, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng Vĩnh Long: Tận lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO