Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận kết quả và tiếp tục có xu hướng tích cực hơn cùng kỳ năm 2023. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 19.768 tỷ đồng, tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 2,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,99%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%.
Các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế tích cực theo hướng tháng sau cao hơn tháng trước và nhiều ngành, lĩnh vực tăng so với cùng kỳ. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực; thu ngân sách đạt vượt tiến độ bình quân dự toán được giao.
Những tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục chỉ đạo và các cấp, các ngành, địa phương tổ chức tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quý để kịp thời nắm bắt khó khăn, chủ động giải quyết những vấn đề khó khăn phát sinh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngay từ cơ sở.
Đặc biệt, từ hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Vĩnh Long, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã được trợ lực để tạo và duy trì việc làm, tạo lập sinh kế, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững...
Điển hình, Hợp tác xã Nông nghiệp xã Song Phú ở ấp Phú Trường Yên, xã Song Phú, huyện Tam Bình thành lập cách đây chưa lâu, ông Trần Văn Phú - Giám đốc Hợp tác xã, nhận thấy tiềm năng để phát triển sản phẩm từ trái dừa.
Hợp tác xã Song Phú chuyên thu gom dừa khô tại nhà vườn địa phương và lân cận, tập trung về kho, lột vỏ, lên xe đi Bến Tre tiêu thụ ở công ty hay vựa dừa lớn có đóng container. Ngoài ra, Hợp tác xã Song Phú còn bán sản phẩm từ trái dừa cho hộ dân làm bánh kẹo, xơ dừa cung cấp cho hộ dân trồng cây kiểng, đệm lót sinh học, giá thể nông nghiệp...
Để tạo và duy trì việc làm, cộng mở rộng sản phẩm, Hợp tác xã Song Phú cần nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tiếp nhận nhu cầu này, thông qua đoàn thể địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phú được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình giải ngân vốn vay 100 triệu đồng để hỗ trợ khởi nghiệp.
Với số tiền đó, Hợp tác xã Song Phú mở rộng địa bàn thu mua dừa từ xã sang các nhà vườn khác ở trong và ngoài huyện. Hoạt động của Hợp tác xã Song Phú đã tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên và trên 10 người lao động sở tại.
Ông Lê Hoàng Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phú chia sẻ, Hội quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đối với vốn vay giải quyết việc làm, Hội rà soát hộ vay vốn phù hợp nhu cầu và có kiểm tra trực tiếp xem có sử dụng đúng mục đích hay không? Đến nay tại 4 tổ, các hộ vay vốn đảm bảo thực hiện đúng chương trình đã vay, khi “đều chí thú làm ăn, vươn lên phát triển kinh tế và khấm khá”.
Được biết, đến nay trên địa bàn xã, vốn tín dụng chính sách đạt gần 23 tỷ đồng, đã góp phần trong xây dựng nông thôn mới của xã, với các chương trình cho vay giải quyết việc làm, xây nhà vượt lũ, hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch,...
Trong đó, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp cho xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phú, với vốn điều lệ 500 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho thành viên và người lao động, tạo nguồn thu nhập, phát triển đời sống.
Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã phối hợp, kết hợp tốt với NHCSXH trong sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, phát huy lợi thế địa phương, nâng chất xây dựng xã lên chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Luân, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình cho biết, đến nay phòng giao dịch và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang quản lý 319 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các ấp, khóm; đồng thời, tổ chức giao dịch tại 17 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 503 tỷ đồng, với 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đang triển khai thực hiện, với hơn 17.400 khách hàng.
Thời gian qua, đơn vị tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tam Bình triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến Tổ 4, ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, nơi đặt trụ sở Công ty TNHH Thương mại sản xuất Vân Phượng, chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm chế biến từ trái bưởi năm roi, sẽ được trải nghiệm các sản phẩm từ chính vùng cây trái đặc sản của tỉnh Vĩnh Long này. Cơ sở hiện tại làm ra thành phẩm: vỏ bưởi sấy giòn, vỏ bưởi sấy dẻo mật ong dâu tằm, trà túi lọc vỏ bưởi, nước cốt bưởi năm roi,... các sản phẩm này được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, cung cấp cho các thị trường trong ngoài tỉnh và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu qua đối tác trung gian.
Chủ nhân của các sản phẩm này chị Vân Phượng kể, khởi nghiệp từ trái bưởi năm roi hồi năm 2019 với vỏ bưởi sấy dẻo. Thời điểm đó, chị Vân Phượng cũng có nhu cầu vốn vài chục triệu đồng và được hỗ trợ từ nguồn tín dụng chính sách. Sản phẩm mở rộng cần đầu tư vốn liếng và con người.
Từ nguồn tích lũy sau nhiều năm làm ăn chị đầu tư mở rộng cơ sở, nguyên liệu và cần nguồn vốn. Thông qua Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Bình Minh và các đoàn thể ở cơ sở, chị được hỗ trợ nguồn vốn vay 100 triệu đồng theo đề án cho vay giải quyết việc làm.
Nguồn vốn vay tín dụng chính sách giúp chị đầu tư được nguyên vật liệu là hộp/chai lọ đựng các sản phẩm thành phẩm. Ngoài cố gắng để có sản phẩm đưa ra thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh còn giúp giải quyết việc làm thời vụ cho gần 10 lao động ở địa phương.
Ông Lê Thanh Nhã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Mỹ Thới 2, chia sẻ, tổ có khoảng 60 hộ gia đình được hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách, sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi này, đã giúp duy trì và mở rộng việc làm, giúp cải thiện kinh tế của hộ gia đình, đồng thời góp phần khai thác được thế mạnh với trái cây đặc sản của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Bình Minh cho biết, đơn vị đã tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành 2 đề án triển khai trên địa bàn thị xã, gồm: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (2022 -2026); cho vay phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực (2025 -2030).
Đến nay tổng nguồn vốn từ ngân sách thị xã đã bố trí chuyển sang là gần 10,7 tỷ đồng, tăng gần 10,7 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và là địa phương bố trí nguồn vốn ngân sách sang NHCSXH cao thứ 2 toàn tỉnh.
Tính từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành (Ngày 22/11/2014), tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ở thị xã Bình Minh đến ngày 30/4/2024, là hơn 467 tỷ đồng, tăng gần 305 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Tính đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho hơn 28.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã vay vốn, với trên 786 tỷ đồng. Theo ông Khánh, hiện tại, chất lượng hoạt động tín dụng 8/8 xã, phường đều xếp loại tốt.