Ngày 21/12, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế năm 2024”.
Báo cáo tổng kết của cơ quan thuế cho thấy, trong năm 2023, ngành thuế triển khai nhiệm vụ, công tác thuế trong tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục và đà tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâmcủa cả hệ thống chính trị; sự chủ động trong công tác điều hành của Bộ Tài chính, sự nỗ lực của Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động, ngành Thuế đã đạt được những kết quả quan trọng:
Tổng thu do cơ quan thế quản lý tính đến ngày 20/12/2023 đạt 1.396.430 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 1.336.487 tỷ đồng, đạt 100,4% so dự toán; Có 29/63 địa phương đã hoàn thành dự toán thu năm 2023.
Ước thực hiện cả năm năm 2023, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 5,5% dự toán, bằng 95,4% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, dự kiến 16/20 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. 08/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ; 47/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2023.
Ngành Thuế cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp quản lý thuế theo xu ướng hiện đại dựa trên hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, quản lý trên sở phân tích rủi ro, trên các hệ thống dữ liệu lớn hay áp dụng AI trong quản lý.
Đáng chú ý, với việc áp dụng hệ thống Hóa đơn điện tử, chỉ sau hơn 1 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý đạt gần 6,1 tỷ hóa đơn, trong đó 1,7 tỷ hóa đơn có mã; hơn 4,4 tỷ hóa đơn không mã.
Đồng thời, ngành Thuế triển khai mở rộng chương trình hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với kết quả hơn 38,5 nghìn cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã tiếp nhận là trên 84,2 triệu hóa đơn.
Đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số
Năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực ASEAN trong việc thu thuế từ qua cổng Thông tin điện tử đối với nhà cung cấp nước ngoài xuyên biên giới.
Đến nay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tư dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế các nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Đối với Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế, đến nay cũng đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin… Đồng thời, đến nay cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành thuế đã triển khai các ứng dụng bản đồ số như bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, bản đồ số các mỏ khoáng sản, bản đồ số hộ kinh doanh. Trong đó, bản đồ số hộ kinh doanh đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên ứng dụng Etax Mobile giúp cho cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của người dân và giữa các hộ kinh doanh với nhau, tạo công bằng, minh bạch..
Nỗ lực để kết thúc năm 2023 đạt 110% dự toán NSNN
Trước những thành quả đã đạt được của cơ quan thuế thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chúc mừng ngành thuế đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.
Chia sẻ thêm về những khó khăn và nỗ lực của ngành trong công tác điều hành ngân sách, Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị trên thế giới có những biến động hết sức khó lường, cộng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hàng loạt các giải pháp đã được ngành Tài chính, Tổng cục Thuế đề xuất, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
“Trong năm 2023 có rất nhiều khó khăn nhưng ngành thuế đã cố gắng thực hiện các giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ, đến ngày 20/12/2023 Tổng thu ngành Thuế quản lý (không kể dầu) đã đạt 1.368.936 tỷ đồng, bằng 103% so dự toán; 16/20 khoản thu hoàn thành và vượt; cập nhật 47/64 cục đạt và vượt dự toán. Cả 3 Khu vực sản xuất kinh doanh đều đã vượt dự toán. Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ một lần nữa xin nhiệt liệt biểu dương kết quả của ngành Thuế trong năm 2023”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng vẫn còn những hạn chế khi 17/64 Cục Thuế chưa hoàn thành dự toán. Dù có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan nhưng Thứ trưởng cho rằng cơ quan thuế địa phương chưa sâu sát tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương; việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn còn có những hạn chế nhất định, thiếu thường xuyên.
Công tác quản lý hoàn thuế và hóa đơn điện tử cho thấy vẫn chưa thật sự chủ động, chưa có sự truyền thông, phản hồi kịp thời cho dư luận. Đầu tư hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin tuy đã nỗ lực nhưng vẫn còn chưa đáp ứng tiến độ chuyển đổi số trong quản lý.
Tuy thời gian kết thúc năm chỉ còn 10 ngày, Thứ trưởng đề nghị ngành thuế cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nghiệp vụ chức năng quản lý thuế; các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, trong đó thực hiện "thu đúng thu đủ, kịp thời và đạt khoảng 110% dự toán nguồn thu do ngành thuế quản lý”.
Quyết tâm triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác thuế năm 2024
Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2024, theo đó nhiệm vụ thu NSNN của cơ quan thuế là 1.486.413 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thuế xác định tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội giao là 1.486.413 tỷ đồng. Trong đó: Thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; Thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của cơ quan thuế năm 2024, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đồng tình với các giải pháp được đưa ra tại hội nghị, đồng thời, đề nghị lãnh đạo ngành thuế nghiên cứu thêm một số giải pháp trong quá trình thực hiện.
Trước hết, phấn đấu 3/33 địa phương đều hoàn thành dự toán được giao. Trong đó, quan tâm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc giai đoạn 2021-2026; Địa phương là 2020-2025. Đối với các Cục Thuế chưa hoàn thành dự toán Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế chủ động tăng cường chỉ đạo, giao ban với các Cục Thuế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng, điều hành công tác thu ngân sách nhà nước đáp ứng tiến độ chung của cả nước. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức các Hội nghị chuyên đề tăng tốc thu ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế, đặc biệt chú ý đến nội dung rất mới, rất khó nhưng quan trọng là Nghị định hướng dẫn về Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu.
Đối với 2 Nghị định Tổng cục Thuế đang chủ trì là Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết; Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ, đơn vị chủ trì cần chủ động rà soát, tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tế, có nghiên cứu kinh nghiệm các nước và cập nhật những thông lệ quốc tế tốt, đáp ứng được tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Thứ trưởng đặc biệt yêu cầu cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội. “Tổng cục Thuế cần quán triệt và nâng cao nhận thức toàn hệ thống thuế về vai trò và ý nghĩa rất quan trọng của công tác truyền thông chính sách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Truyền thông chính sách phải để “Dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm - dân thụ hưởng”, Thứ trưởng yêu cầu.
Cần quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và hóa đơn trong lĩnh vực xăng dầu theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường quản lý hoàn thuế, nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước trên cơ sở áp dụng đầy đủ các quy định, nguyên tắc quản lý rủi ro về thuế. Cần xác định các lĩnh vực/doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế trong từng nhóm công tác quản lý thuế cụ thể để đề xuất các biện pháp nghiệp vụ cụ thể và ưu tiên tập trung nguồn lực kiểm soát.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, với những kết quả, nền tảng đã đạt được trong năm 2023, toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống thuế sẽ đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực cao nhất nhằm nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại và tiếp tục phát huy cao nhất những kinh nghiệm, đổi mới trong thời gian qua để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao.