Doanh nhân

Nghị quyết 41-NQ/TW làm mạnh mẽ hơn động lực, tinh thần kinh doanh

Tri Nhân 13/10/2023 - 08:31

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13/10), TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đã có những chia sẻ với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xoay quanh nội dung và ý nghĩa của Nghị quyết 41-NQ/TW về Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Phóng viên: Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Nghị quyết 41 thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm. Theo ông, Nghị quyết 41-NQ/TW có ý nghĩa như thế nào?.

TS. Lê Duy Bình: Nghị quyết 41-NQ/TW (Nghị quyết 41) được ban hành ngay trước ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2023 được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên cả nước vui mừng, hào hứng đón nhận. Nghị quyết sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng và làm cháy bỏng hơn nữa ngọn lửa về tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân nói riêng và người dân nói chung. Đây là sự khích lệ rất lớn với hàng triệu doanh nhân đang sở hữu và điều hành các doanh nghiệp trong khu vực Nhà nước, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả khu vực kinh tế cá thể.

Ngoài sự tự hào, các doanh nhân giờ đây được giao trọng trách to lớn để thực hiện tốt vai trò của một lực lượng nòng cốt để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường.

Với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Nghị quyết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc hoàn thiện thể chế phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, củng cố việc hình thành một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, từ đó làm mạnh mẽ hơn động lực, tinh thần kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi để doanh dân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

ldb1.jpg
TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam

Phóng viên: Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất, trong Nghị quyết 41-NQ/TW?.

TS. Lê Duy Bình: Nghị quyết 41 khẳng định đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc đóng góp cho việc phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, việc tăng cường liên kết hợp tác với công nhân, nông dân, tri thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Đây là những điểm nhấn rất quan trọng của Nghị quyết, khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân bên cạnh đội ngũ công nhân, nông dân, tri thức trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

Với những điểm nhấn này, Nghị quyết cũng giao trọng trách lớn hơn cho đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân từ đó chắc chắn sẽ nhận thức được trách nhiệm lớn hơn để thực sự lớn mạnh về số lượng, chất lượng, kinh doanh có đạo đức, có tầm nhìn, làm giàu chính đáng, tuân thủ pháp luật, chú trọng tới văn hoá kinh doanh, có trách nhiệm xã hội, với môi trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững, độc lập, tự chủ, tự cường của đất nước.

Phóng viên: Đâu là những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân trúng với những mong đợi của giới doanh nhân, của cộng đồng doanh nghiệp và của xã hội?.

TS.Lê Duy Bình: Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, “là một trong những lực lượng nòng cốt” nhằm phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khẳng định đội ngũ doanh nhân là một lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh là một điểm mới so với Nghị quyết 09 và điều này đáp ứng được mong mỏi của giới doanh nhân, của cộng đồng doanh nghiệp và của xã hội.

Nghị quyết 41 cũng đã khẳng định yêu cầu về xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… và yêu cầu các cấp ủy đảng có trách nhiệm thực hiện điều này.

Nghị quyết cũng khuyến khích việc tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, tác tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Đây cũng là một trọng trách lớn hơn mà Nghị quyết đã trao cho đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị quyết mới đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Trước hết là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế...

Như vậy Nghị quyết cũng khơi dậy tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, khích lệ và tạo điều kiện để doanh nhiệp lớn hơn với các nhiệm vụ rất cụ thể. Mong rằng các giải pháp đề ra trong Nghị quyết sẽ sớm đi vào thực tiễn để hỗ trợ đắc lực cho lực lượng doanh nhân thực hiện tốt trọng trách của mình.

Phóng viên: Theo ông, cách triển khai thực hiện như thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống, tránh tình trạng Nghị quyết hay, chính sách tốt nhưng triển khai không tốt, không mang lại hiệu quả như mong muốn?

TS.Lê Duy Bình: Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực sự biến đội ngũ doanh nhân trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để mục tiêu này trở thành hiện thực, là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết sẽ được thể chế hoá trọng các chính sách cụ thể và trong hệ thống pháp luật, đặc biệt các văn bản pháp luật liên quan tới đầu tư, môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, các quan điểm của Nghị quyết cần được chuyển thành hành động cụ thể của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khi giải quyết các vấn đề theo quy định pháp luật, cung cấp dịch vụ công, thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có nỗ lực để làm tròn trọng trách của mình bằng các biện pháp như đẩy mạnh hơn nữa tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, kinh doanh với tinh thần trách nhiệm với xã hội, với môi trường, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ hài hoà với lợi ích chung của quốc gia, của nền kinh tế, và của xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 41-NQ/TW làm mạnh mẽ hơn động lực, tinh thần kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO