Hoạt động ngân hàng

Nghị quyết 43: Kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách

Minh Nhật 26/05/2024 12:28

Phát biểu làm rõ ý kiến đại biểu nêu tại Phiên thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rất phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ.

thong-doc.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp

Nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, Nghị quyết số 43 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 đã được tiến hành hết sức khẩn trương trong phạm vi cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, từng bước kiểm soát và kết thúc dịch Covid-19, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng...

“Kết quả thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng”, ông Lê Quang Mạnh khẳng định.

chu-nhiem-ubtcns.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; việc huy động, phân bổ và điều hòa sử dụng vốn đầu tư công giúp đưa nguồn lực vào nền kinh tế hợp lý; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép và thấp hơn so với mức dự kiến.

Thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được.

db-mai-van-hai.jpg
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa)

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu rõ, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.

db-ha-sy-dong.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) thì đánh giá Nghị quyết 43 đã đạt được thành công về điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời, Nghị quyết 43 cũng có tác dụng giúp Việt Nam "hạ cánh mềm", thay vì "hạ cánh cứng" như nhiều nước khác.

Chính phủ và NHNN đã rất quyết liệt trong triển khai Nghị quyết 43

Phát biểu làm rõ ý kiến đại biểu nêu tại Phiên thảo luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ sự đánh giá rất cao kết quả giám sát của Đoàn giám sát. Thống đốc cho biết, Nghị quyết 43 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rất phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ, chưa kể đến việc ngay sau khi Nghị quyết 43 ra đời lại xảy ra cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine; chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước rất nhanh và mạnh, những vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,...

“Là thành viên Chính phủ, tôi đã chứng kiến sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong chỉ đạo điều hành để cố gắng thực hiện các chương trình, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

toan-canh.jpg

Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc cho biết, ngay khi thảo luận về chính sách hỗ trợ lãi suất này, trong nhiều cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, NHNN cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với chương trình hỗ trợ lãi suất. Thế nhưng NHNN cũng rất hiểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất trách nhiệm và mong muốn có các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và giao Chính phủ nghiên cứu. Về phía Chính phủ, các thành viên cũng rất trách nhiệm, nghiên cứu để tham mưu đề xuất với tâm thế phải thực hiện nhiều chính sách, để cùng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sau khi có Nghị quyết của 43, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Thống đốc cho biết, thực tế, chưa một chương trình nào NHNN lại dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng rất sát sao và trực tiếp chỉ đạo triển khai. NHNN cũng tổ chức rất nhiều hội nghị và yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai đến tất cả các địa phương. Các bộ, các ngành cũng tham gia rất chặt chẽ trong quá trình xây dựng nghị định cũng như tham gia các tổ khảo sát thực tiễn ở các địa phương.

Thống đốc cho biết, NHNN cũng xác định ngay từ đầu chương trình này là một trong những chương trình trong Nghị quyết 43 và chính sách này cũng chỉ là một chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, chứ không phải là một chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn, kể cả những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn.

“Bởi vì vốn cho vay của chương trình này là vốn do các tổ chức tín dụng huy động được của người dân, chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Cho nên các tổ chức tín dụng cũng vẫn phải thực hiện việc cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và phải đảm bảo khả năng thu hồi được nợ”, Thống đốc cho biết.

Bởi vậy theo Thống đốc, giải ngân được nhiều hay ít vốn hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ 2% lãi suất phụ thuộc rất lớn vào quyết định của doanh nghiệp cũng như của các tổ chức tín dụng. Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đã nêu đầy đủ, chi tiết rất nhiều khó khăn, hạn chế như nhiều đại biểu tại phiên thảo luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 43: Kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO