Vấn đề - Nhận định

Những động lực chính để gia tăng hiệu quả của chính sách tài khóa

Minh Nhật 25/11/2023 08:00

Công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức sẽ làm chậm tăng trưởng phía cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng. Do đó, tiếp tục mở rộng tài khóa, tạo được việc làm cho doanh nghiệp được xem là ưu tiên chính của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng làm sao để mở rộng tài khóa? Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra 3 động lực chính để gia tăng hiệu quả của chính sách tài khóa.

Thiết kế chính sách giảm thuế, phí trung - dài hạn

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Việt Nam đang thực hiện chính sách tài khóa giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

cs-thue-phi.png
Nguồn: Bộ Tài chính

Đây là động thái tốt giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, bởi giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng. Bên cạnh đó, quy định giảm mức thu từ 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí hay giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cũng đem lại hiệu quả tích cực.

Báo cáo chỉ rõ, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích cầu và tăng GDP, đạt được mục đích kép là thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời kiềm chế lạm phát.

Do đó, nên thiết kế chính sách trung hạn (trên 2 năm), thậm chí có thể kéo dài hơn. Cần áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ, kể cả viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn...

Khẳng định cần đẩy mạnh hơn vấn đề giảm thuế, phí đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo cáo cho rằng cần thiết thực hiện chính sách miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 với các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022, đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng... để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn thì các giải pháp giảm chi phí sẽ giúp doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Cùng với đó, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng các khoản thuế nên điều chỉnh thấp hơn so với mức khá cao như hiện tại.

"Biểu thuế đã được xây dựng rất nhiều năm nhưng không điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế khi nền kinh tế khó khăn, hiệu quả đầu tư kinh doanh giảm sút thì sẽ tạo thêm rào cản. Việc cân đối giữa nguồn thu ngân sách với việc giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm thuế, phí.... là việc cần cân nhắc ngay từ bây giờ", báo cáo nêu.

Giải quyết vấn đề nan giải: Đầu tư công

Báo cáo nhận định, bên cạnh giảm thuế, phí thì tăng chi tiêu công là động lực quan trọng để gia tăng hiệu quả của chính sách tài khóa. Báo cáo từ Bộ Tài chính công bố, hoạt động đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 ước thanh toán đạt hơn 430.600 tỷ đồng và bằng 52% tổng kế hoạch năm 2023.

dau-tu-cong.jpg

"Tốc độ giải ngân đầu tư công còn rất chậm, trở thành vấn đề nan giải. Đặc biệt, giải ngân đầu tư công mới chỉ tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông nên chỉ giải quyết công ăn việc làm cho lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng. Còn lại, đầu tư công chưa trở thành một công cụ để hỗ trợ những ngành nghề khác, nhằm khôi phục nền kinh tế trong khi 1 đồng đầu tư công có thể kích thích 10 đồng đầu tư tư nhân", báo cáo lý giải vai trò của đầu tư công.

Từ thực tế đó, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, chính sách tài khóa cần đưa dòng tiền vào những dự án mà doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận, thay vì chỉ đưa vào những công trình trọng điểm để các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sản xuất, kinh doanh trong dòng chi tiêu của Chính phủ. Chính sách tài khóa hiệu quả là thực sự tạo được việc làm cho doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nhận định, các bộ, ngành phải có sự kết hợp để giải quyết được những khó khăn, thiếu thốn về nguyên vật liệu; những vướng mắc trong cơ chế chính sách. Chỉ khi thực hiện được những điều đó thì hoạt động giải ngân đầu tư công mới trôi chảy, chi tiêu đầu tư công đi theo đúng kế hoạch. Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng kế hoạch đầu tư công cho năm tới để có những bước đi chuẩn xác hơn, dự án nào nên làm trước, dự án nào làm sau.

"Hoàn toàn có thể nghiên cứu, học tập và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo như trường hợp của tỉnh Yên Bái khi “mạnh dạn đồng ý chủ trương để chủ đầu tư ứng trước cho nhà thầu 50% giá trị gói thầu xây lắp thay vì 30% như thông lệ. Nhờ vậy, nhà thầu đã có kính phí để nhập khẩu nguyên vật liệu sớm, không bị tác động của trượt giá và hoàn thành dự án trước thời hạn”", báo cáo nêu.

Kích cầu tiêu dùng nội địa - vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế

Theo báo cáo, việc giảm thuế, phí, đẩy mạnh đầu tư công, tạo vốn mồi cũng góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó kích thích chi tiêu của người dân. Song vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế hiện nay là giải quyết được đầu ra, làm sao để tiêu dùng trong nước tăng lên.

tieu-dung.jpg

Vì vậy, ưu tiên và thực hiện có hiệu quả các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt đối với ngành du lịch và bất động sản là giải pháp quan trọng để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm và sang năm 2024.

Đối với ngành du lịch, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng cần thực hiện các giải pháp như đưa ra các chương trình khuyến mãi, liên kết sản phẩm hấp dẫn, giảm giá máy bay... để giữ người dân chi tiêu trong nước thay vì đi du lịch nước ngoài.

Đối với bất động sản, báo cáo cũng cho rằng cần đẩy mạnh khơi thông nguồn cung các dự án, đặc biệt là các dự án nhà ở bình dân, nhà cho thuê để đáp ứn một lượng cầu tương đối mạnh ở trong nước. Kích thích tiêu dùng nội địa là cách để tăng trưởng nguồn thu dài hạn, “thả con tép bắt con tôm” thay vì chú trọng vào thu ngân sách, khiến doanh nghiệp kiệt quệ nguồn lực".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những động lực chính để gia tăng hiệu quả của chính sách tài khóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO