Các Hiệp hội ngành, nghề

Phát triển điện mặt trời “tự sản, tự tiêu” cho doanh nghiệp: Khó hay dễ?

Tuấn Việt 29/06/2023 - 11:21

Trong bối cảnh thiếu điện hiện nay, việc sử dụng điện mặt trời áp mái giúp giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng. Đồng thời, trong xu thế "xanh hóa" toàn cầu, việc sử dụng năng lượng xanh giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp...

Đây là thông tin đáng chú ý được đề cập tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam do Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba) tổ chức, ngày 28/6.

Theo các doanh nghiệp, việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thuỷ điện và nhiệt điện không chỉ khiến doanh nghiệp khó đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng xanh từ đối tác quốc tế; mà nếu xảy ra sự cố thiếu điện thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch, thời gian, chất lượng sản xuất và tiến độ giao hàng...

"Xanh hóa" không chỉ là vấn đề chi phí mà còn là kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai

Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã nhấn mạnh đến xu thế chuyển đổi xanh để "xanh hóa" hoạt động doanh nghiệp.

Theo ông Vinh, "xanh hóa" giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư xanh, nguồn vốn xanh. Đặc biệt, với các đối tác tại nhiều thị trường phát triển, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sắp tới sẽ được xem là điều bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu.

Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm có giải pháp để chứng minh hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng… sử dụng đạt tiêu chuẩn "xanh" thì sẽ khó có thể xuất khẩu được sang các thị trường khác như châu Âu.

"Đây không chỉ là vấn đề về chi phí mà là kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai phát triển bền vững của doanh nghiệp", Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Cũng theo ông Vinh, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tích cực phối hợp để doanh nghiệp không chỉ được hỗ trợ về thông tin, kiến thức mà còn có những cơ chế để tiếp cận tài chính, mặt bằng sản xuất, cơ sở hệ thống… cho tăng trưởng xanh.

Phát triển điện mặt trời “tự sản, tự tiêu” cho doanh nghiệp: Khó hay dễ? ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sắp được ban hành

Sau đợt “khủng hoảng” về thiếu điện, cắt điện luân phiên tại các địa phương miền Bắc, trong đó có Hà Nội gần đây - tại hội thảo, một số chuyên gia đã đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là khối sản xuất lên kế hoạch, nghiên cứu xoay chuyển theo hướng bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió vào kế hoạch phát triển.

Trong đó, điện mặt trời đang là nguồn năng lượng được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi, dễ triển khai lắp đặt ngay trên mái nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp.

Hơn nữa, điện mặt trời mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên được đánh giá là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện, nhất là trong những nhà xưởng sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. Dự thảo Quyết định đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Đơn cử, nếu các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Dự thảo trên cũng quyết định phân công Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc; chủ trì nghiên cứu bổ sung quy định miễn, giảm các loại thuế, phí… cùng nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành khác có liên quan.

Phát triển điện mặt trời “tự sản, tự tiêu” cho doanh nghiệp: Khó hay dễ? ảnh 2
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hansibachia

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hansiba, trước hết các doanh nghiệp cần có giải pháp để tiếp cận, nâng cao kiến thức và được chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất.

Vị này cũng cho biết, thời gian tới, Hansiba sẽ tiếp tục có những chương trình để lan tỏa tới cộng đồng và doanh nghiệp, theo định hướng về phát triển bền vững, phát triển năng lượng xanh.

Về tính hiệu quả, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH GreenYellow Việt Nam (Thành viên của Tập đoàn năng lượng châu Âu GreenYellow) cho rằng một chương trình quản lý năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 25% chi phí, giảm phát thải các bon từ 7-20%...

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ AN MI chia sẻ thêm, trước những vấn đề về điện cho sản xuất, trong giai đoạn 2 phát triển nhà máy, doanh nghiệp này đã sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời 5.200m2 trên mái.

Hệ thống năng lượng mặt trời này có công suất 730kWp/giờ, đáp ứng đủ năng lượng điện cho toàn nhà máy hoạt động trong điều kiện nắng nóng. Bên cạnh đó, hệ thống còn có tác dụng giảm nhiệt độ trong nhà xưởng, giảm lượng điện tiêu thụ của điều hòa/ hệ thống làm mát...

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng lưu ý, các doanh nghiệp khi muốn lắp đặt hệ thống cần chú ý thực hiện đúng quy định phòng cháy, chữa cháy của ngành công an, nghiệm thu công trình đầy đủ và kết cấu nhà xưởng phải đáp ứng được.

Ngoài ra, thiết kế phải có mô hình, mô phỏng kết quả tính toán để hệ thống nhà xưởng đảm bảo an toàn. Đồng thời, cần khắc phục sai lầm phổ biến là lắp đặt tùy tiện nên hiệu năng không cao...

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, sẽ có khoảng 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

“Điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”, Quy hoạch điện VIII nêu rõ.
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện mặt trời “tự sản, tự tiêu” cho doanh nghiệp: Khó hay dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO