(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 31/10/2022 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Tổ chức hợp tác quốc tế Sparkassenstiftung Đức (DSIK) tổ chức chương trình Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và Giao lưu “Tiết kiệm thông minh, Tương lai bền vững”. Đồng tổ chức Chương trình có Học viện Ngân hàng (HVNH), Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học kinh tế - ĐHQG Hà Nội.
Tọa đàm "Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện" |
Tọa đàm có sự tham dự của TS.Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng HVNH; PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh; bà Đào Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng; ông Christian Grajek, Trưởng đại diện DSIK tại Việt Nam, Điều phối viên DSIK khu vực Đông Nam Á; cùng đại diện các đơn vị liên quan của NHNN…
Tại Tọa đàm, TS.Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng HVNH cho biết, đây là chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Tiết kiệm Thế giới 31/10 với mục tiêu thúc đẩy phong trào và ý thức tiết kiệm, trong đó tập trung tới đối tượng sinh viên, qua đó tăng cường nhận thức của các em sinh viên về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thế hệ trẻ là đối tượng được đặc biệt quan tâm nhằm tạo thói quen tiết kiệm từ sớm, tạo phong trào tiết kiệm trong xã hội, hướng tới đối tượng của tài chính toàn diện, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 với mục tiêu tổng quát để mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm.
Chia sẻ về vấn đề tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi bàn đến tài chính cá nhân thì chúng ta thường hay chỉ nghĩ đến vấn đề đầu tư tài chính hay đầu tư chứng khoán, tuy nhiên vấn đề tài chính cá nhân chi phối một phạm trù rộng hơn rất nhiều.
Tài chính cá nhân liên quan đến việc tối ưu hóa ba yếu tố, gồm: Tối ưu hóa nguồn thu nhập, kiểm soát chi tiêu hiệu quả và việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Việc quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng rất cần thiết, giống như những kỹ năng khác nó cần được hình thành thông qua quá trình rèn luyện. Không hẳn phải đến khi học đại học hoặc khi chúng ta đi làm có tiền thì mới bắt đầu quan tâm đến tài chính cá nhân.
Theo ông Christian Grajek, Trưởng đại diện DSIK khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh đến vấn đề tiết kiệm, bởi nếu như chúng ta thu nhập lớn hơn chi tiêu thì cần có khoản tiết tiệm hàng tháng. Vấn đề quan trọng là phải biết được những khoản chi tiêu nào là cần thiết và không cần thiết, cần phân biệt được giữa mong muốn và nhu cầu.
TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khẳng định, khi có năng lực quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, tài chính cá nhân sẽ luôn duy trì an toàn và chi tiêu hiệu quả hơn, giúp nâng cao khả năng tiết kiệm, thúc đẩy tích lũy tài sản cá nhân, qua đó nâng cao tổng tiết kiệm xã hội, tạo thêm lớp đệm chống sốc cho nền kinh tế cũng như mở rộng vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Ngoài ra, khi có tài sản tích lũy hay các khoản tiết kiệm, cá nhân mỗi người sẽ chủ động tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm chính thức từ các tổ chức tài chính để lưu trữ và lấy lãi, tránh lạm phát hằng năm. Điều này một lần nữa lại giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.
TS. Phạm Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ chủ động, tích cực phối hợp với đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động hơn nữa nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó chú trọng đến đối tượng là giới trẻ, phụ nữ, người yếu thế trong xã hội.
Là đơn vị được giao đầu mối triển khai chiến lược, kế hoạch hành động phát triển tài chính toàn Theo đó, NHNN đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trên với kỳ vọng nâng cao sinh kế cho người dân, góp phần phát triển bền vững, cụ thể: Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; Thứ hai, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý; Thứ ba, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; Thứ tư, hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện; Thứ năm, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính; Thứ sáu, các giải pháp hỗ trợ khác.
Cũng trong khuôn khổ toạ đàm đã diễn ra Giao lưu “Tiết kiệm thông minh, Tương lai bền vững” thu hút được sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên.