Kết nối

Quảng Bình: Nguồn chi trả từ tín chỉ các-bon giúp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ rừng

Thanh Loan 19/08/2024 - 09:39

Tỉnh Quảng Bình dự kiến được phân bổ số tiền 12,171 triệu USD (khoảng hơn 280 tỷ đồng) để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA (thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ) theo nội dung tại Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2023-2025

Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình cho biết, xác định tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ các-bon rừng, Quảng Bình đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham gia dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác các - bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ.

def43318b6c1129f4bd0.jpg

Theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, số tiền chi trả cho chủ rừng được xác định trên cơ sở diện tích rừng tự nhiên của chủ rừng được giao quản lý. Hằng năm, căn cứ vào số tiền được điều phối từ Trung ương và diện tích rừng tự nhiên theo kết quả diễn biến rừng của năm trước liền kề năm nhận tiền để xác định số tiền chi trả cho chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.

Theo đó, năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ tổng cộng hơn 82,476 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng lợi, cụ thể: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng tự nhiên thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi số tiền trên 72 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Kinh phí còn lại chưa chi trả sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định. Tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục chi trả hơn 100 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA trong năm 2024. Đồng thời, kinh phí chưa sử dụng trong năm 2023 sẽ được chuyển tiếp sang năm 2024 để thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chi trả giảm phát thải khí thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn có những vướng mắc, khó khăn, ông Trần Quốc Tuấn- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết: Việc chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được tổ chức triển khai theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại địa phương, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cụ thể như chi phí triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước, theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án. Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.

1e17d9555c8cf8d2a19d.jpg

Hay quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi đó, thực tế tại tỉnh Quảng Bình diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.

Đối với các khó khăn, tồn tại nêu trên, Sở NN & PTNT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN & PTNT, đồng thời, đã chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổng hợp, báo cáo gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Đoàn công tác đánh giá giữa kỳ ERPA của Ngân hàng Thế giới nhằm có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh hoặc làm cơ sở ban hành chính sách mới phù hợp với thực tế khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn: Qua quá trình triển khai thực hiện chi trả cho thấy, nguồn thu từ ERPA đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý bảo vệ rừng. Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện và đạt được các mục tiêu, hoạt động của dự án liên quan đến chính sách, kỹ thuật và truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và REDD+ làm cơ sở, điều kiện để thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho giai đoạn 2023-2025.

Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.065,27 km2, trong đó 85% diện tích là đồi núi nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn. Là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 82% diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 68,69%, liên tục nhiều năm đứng thứ hai toàn quốc. Nguồn thu từ ERPA đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Tín chỉ các-bon về bản chất là giấy phép do Chính phủ hoặc cơ quan quản lý khác cấp, cho phép chủ sở hữu của nó đốt một lượng nhiên liệu hydrocacbon xác định trong một khoảng thời gian được qui định. Mỗi tín chỉ các-bon có giá trị tương đương với một tấn nhiên liệu hydrocacbon. Các công ty hoặc quốc gia được phân bổ một lượng tín chỉ nhất định và có thể giao dịch chúng để giúp cân bằng tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc lưu ý, "Vì CO2 là khí nhà kính chính" nên "mọi người gọi đơn giản là kinh doanh các-bon.

Tín chỉ các-bon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ các-bon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Nguồn chi trả từ tín chỉ các-bon giúp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO