(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cái nghề của cô - nhân viên ngân hàng, là đam mê từ những ngày còn cắp sách đến trường. Đã có những lần cô không khỏi chạnh lòng, khi những tối về muộn thấy chồng lúi húi nấu ăn, dọn dẹp, hay những tối con trai chờ cô đi làm về, ánh mắt sáng rỡ mỗi khi nghe tiếng xe quen thuộc của mẹ... Đã có đôi lần, cô tự hỏi liệu mình có quá ích kỷ với gia đình nhỏ, khi chọn cái nghề này hay không?
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Mai Thị Minh Ngọc, công tác tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
|
|
Xoài hướng mắt ra phía cửa, tay ôm chặt chú gấu Teddy, khẽ nghiêng đầu nghe ngóng. Vẫn chưa thấy mẹ về, cậu bé xị mặt, ánh mắt cụp xuống lộ rõ vẻ thất vọng.
Hôm nay ba Xoài phải trực đêm, mẹ Xoài lại về muộn nên Xoài lên nhà bà nội để ăn tối. Nhà bà nội ở tầng trên nhà Xoài, bà thương Xoài lắm. Những hôm ba mẹ về muộn, đều là bà cho Xoài ăn, tắm cho Xoài, bà còn chơi với Xoài nữa. Hôm nay cũng vậy, nhưng Xoài vẫn nhớ mẹ. Lúc bà tắm cho Xoài xong, Xoài nhìn đồng hồ, kim ngắn chỉ số 6, kim dài chỉ số 12, vậy mà mẹ chưa về. Khi Xoài ăn xong, kim dài cũng đã đuổi kịp kim ngắn đến số 6, mẹ vẫn chưa về. Dù Xoài đã quen vì một tuần thì phải đến 4, 5 ngày mẹ về muộn, không ăn cơm chung với Xoài nhưng Xoài vẫn thực sự rất nhớ mẹ.
Mẹ Xoài đi làm ở SCB. Xoài cũng không biết mẹ Xoài làm ở SCB từ bao giờ, chỉ biết từ hồi Xoài còn nhỏ xíu, ai hỏi mẹ đâu, Xoài đều đáp “Ét Chê Bê, Ét Chê Bê”. Giờ Xoài đã là chàng trai 5 tuổi, không còn là em bé nữa, Xoài cũng không còn khóc khi mỗi sáng mẹ đi SCB nữa. Hồi đó có lần Xoài vừa hờn khóc, vừa hỏi mẹ: “Ét Chê Bê là ai mà mẹ cứ đi hoài bỏ Xoài ở nhà”. Mẹ chỉ cười và nhẹ nhàng giải thích “Mẹ đến SCB làm việc để mua đồ ăn ngon cho Xoài này, mua quần áo đẹp cho Xoài này. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng, ba thì đi bắt kẻ xấu, bảo vệ mọi người, mẹ thì đến SCB làm để có tiền chăm sóc cho Xoài, còn nhiệm vụ của Xoài là phải thật ngoan để ba mẹ yên tâm, đúng không nào?”. Xoài ngẫm nghĩ một lúc rồi cũng đồng ý với mẹ và tự hứa sẽ không khóc khi phải xa mẹ mỗi sáng nữa.
Có một lần ba bận đi chuyên án, bà nội thì bận việc khu phố nên sau khi Xoài tan học ở trường mầm non, mẹ đã đón Xoài đến SCB của mẹ. Khi đó Xoài mới biết, thì ra SCB là một toà nhà rất đẹp, lớn hơn nhà của Xoài nhiều lắm. Ở đó có chú bảo vệ mập mặc áo màu xanh, nhìn rất bệ vệ nhưng chú rất thân thiện với mọi người. Ở đó còn có nhiều người bạn của mẹ Xoài, các cô cũng mặc váy màu xanh tím than, đẹp giống như mẹ của Xoài vậy. Xoài còn được bác Hương, mẹ nói là “sếp” của mẹ, cho kẹo và khen Xoài ngoan vì Xoài đã chào mọi người rất lễ phép. Lúc ấy trời đã tối, chú bảo vệ đã đóng kín cửa chính nhưng mẹ và các bạn của mẹ vẫn miệt mài làm việc. Xoài ngoan ngoãn nghe lời mẹ ngồi vào một bàn trống và bỏ bút màu ra để vẽ. Xoài thích thú vẽ mẹ Xoài đang gõ bàn phím máy tính thật nhanh, bên cạnh là một chồng giấy thật lớn. Xoài thầm nghĩ, nếu Xoài ngồi ở ghế của mẹ, chồng giấy đó chắc sẽ cao quá cả đầu của Xoài. Đang hăng say vẽ, Xoài giật mình vì tiếng của bác Hương: “Sao em lại cẩu thả như vậy được hả? Làm lại bộ hồ sơ này trong hôm nay cho chị ngay!”. Thì ra bác Hương đang mắng mẹ Xoài, Xoài giận lắm, tay nắm chặt chiếc kẹo bác ấy cho, tự nhủ sẽ không thèm ăn nó đâu. Mẹ vừa xin lỗi và quay trở về bàn làm việc thì bác ấy chợt gọi mẹ lại: “Thôi, chắc hôm nay lu bu việc nhà nên không tập trung lắm đúng không? Em để hồ sơ lại đi chị sửa cho, đưa bé Xoài về đi kẻo nó đói. Nhưng nhớ lần sau không được mắc lỗi như vậy nữa nha cô nương”. Vậy là mẹ được về với Xoài. Trên đường về, Xoài có nói sẽ không ăn kẹo bác Hương cho đâu, vì bác ấy đã mắng mẹ. Mẹ lại cười và nhẹ nhàng giải thích: “Ở trường mầm non, khi Xoài nghịch bẩn thì cô giáo mắng Xoài đúng không? Nhưng sau đó cô giáo lại dắt Xoài đi rửa tay và vẫn thương Xoài như mọi khi, đúng không nào?”. Xoài ngồi sau lưng mẹ khẽ gật đầu. “Hôm nay mẹ cũng vậy, mẹ làm sai nên bác Hương mắng, nhưng bác vẫn rất tốt với mẹ, Xoài không được giận bác nữa nhé”. Xoài như hiểu ra, thì ra mẹ đi SCB cũng như Xoài đi học ở trường mầm non, sẽ có lúc bị cô giáo mắng. Xoài không giận bác Hương nữa, nhưng Xoài vẫn thương mẹ lắm. Cậu bé ôm chặt mẹ hơn, hít hà hương thơm yêu thích từ người mẹ.
Đang mải nhớ lại hình ảnh về toà nhà SCB, Xoài bỗng đứng bật dậy vì nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc.
- A! Mẹ Xoài về! - cậu bé reo lên mừng rỡ - Bà nội ơi mẹ Xoài về rồi, bà dắt Xoài xuống nhà đi ạ!
- Mẹ về trễ quá, Xoài ở nhà nhớ mẹ lắm, mẹ đi SCB có nhớ Xoài không? - cậu bé nắm chặt tay bà, chân bước vội xuống bậc cầu thang, vừa đi vừa ríu rít trách yêu mẹ.
Mẹ xoài nhoẻn miệng cười dịu dàng, nhìn mẹ có vẻ thấm mệt.
- Dạ con chào mẹ! Bà không để con lên đón Xoài cho ạ.
- Không sao, Xoài nó ở nhà với bà ngoan lắm, làm về muộn chắc mệt hả con, trên nhà còn đồ ăn đó con.
- Dạ thôi con cám ơn mẹ, để con tranh thủ nấu ăn rồi mai mang cơm đi làm luôn. Mẹ lên nhà nghỉ sớm nha mẹ.
Chào bà nội xong, mẹ bế Xoài lên và nói nhớ Xoài lắm. Cậu bé thích thú tựa vào vai và ôm chặt cổ mẹ, hít hà cho thật đã hương thơm quen thuộc. Xoài ước gì ngày nào mẹ cũng về sớm và nấu ăn cho Xoài, dạy Xoài học và chơi với Xoài.
***
Hôm nay là sinh nhật Xoài, cậu bé đã mong chờ ngày này cả tuần nay. Mẹ đã hứa hôm nay về sớm và nấu cho Xoài món cậu thích nhất, và cũng chỉ có mẹ Xoài làm là ngon nhất: sườn xào chua ngọt. Khi tiếng chuông báo hiệu giờ học kết thúc, Xoài nhảy chân sáo thật nhanh ra đến cổng trường để ba chở về, mường tượng hình ảnh mẹ đang ở nhà chờ Xoài.
Về đến nhà, Xoài thấy cửa vẫn khoá và chẳng thấy mẹ đâu, ánh mắt Xoài thoáng chút thất vọng. Nhưng không sao, chắc mẹ sắp về rồi, cậu bé tự nhủ.
- Xoài lên nhà ông bà chơi, nhờ bà nội tắm cho Xoài, để ba nấu ăn nha.
- Dạ, nhưng mà mẹ đâu ba?
- Lát mẹ về liền, rồi làm sườn xào chua ngọt cho Xoài nhé.
Cậu bé ngoan ngoãn đồng ý rồi theo ba lên nhà ông bà nội. Xoài tắm xong liền chạy ra nhìn đồng hồ, kim ngắn chỉ số 5, kim dài chỉ số 6. Vẫn chưa thấy mẹ về, cậu loanh quanh giúp bà gấp đồ. Thời gian hôm nay sao trôi chậm quá, dù không nói gì nhưng nỗi buồn đã dần hiện rõ trên gương mặt cậu.
- Xoài ơi! - Xoài đứng bật dậy khi nghe tiếng ba gọi, để rồi lại thất vọng - mẹ bận làm nên sẽ về muộn chút xíu, giờ ba con mình mời ông bà xuống nhà ăn tiệc mừng sinh nhật Xoài trước nha. Lát mẹ về mình sẽ cắt bánh sau, được không con?
Xoài lặng lẽ gật đầu đáp lại ba, môi mím chặt. Cậu tự nhủ cậu sẽ không khóc đâu, mẹ nói qua ngày hôm nay là cậu sẽ 6 tuổi, cậu thực sự nên giống như một người lớn. Mà người lớn thì, như cậu thấy ba mẹ cậu, chẳng bao giờ khóc cả.
Bữa ăn trôi qua lặng lẽ, dù ba còn mua thêm cả pizza và gà rán, những món Xoài cũng rất thích mà bình thường mẹ ít khi cho cậu ăn. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường bỗng như ồn ào hơn mọi ngày, như muốn lải nhải bên tai Xoài: “Lêu lêu ăn sinh nhật không có sườn xào chua ngọt”. Vì sao? Vì mẹ cậu đã thất hứa! Nghĩ đến đây, mặt cậu đỏ bừng lên, buông thìa xuống vì cảm thấy không có tâm trạng ăn thêm gì nữa.
Tích tắc, tích tắc... đến khi kim ngắn chỉ số 8, kim dài chỉ số 6, ba chợt lên tiếng hỏi Xoài:
- Hay cả nhà mình cứ cắt bánh trước, lát mẹ về tham dự sau nha Xoài.
Xoài biết đã đến giờ ông bà nội đi ngủ, nên lại lặng lẽ gật đầu, tay ôm chặt chú gấu Teddy. Cả nhà hát chúc mừng sinh nhật Xoài thật lớn, năm nay ông bà tặng cho Xoài những 3 món quà, trong đó có cả chiếc ba lô in hình Spiderman thật to mà Xoài rất thích, vì Xoài sắp vào lớp 1. Vậy mà tại sao, cậu lại vẫn thấy buồn thế này?
Bỗng có tiếng xe máy quen thuộc, cả nhà ồ lên, mẹ Xoài về rồi này. Ngay khi nhìn thấy mẹ, Xoài quăng chú gấu Teddy xuống đất trong sự ngỡ ngàng của mọi người, chạy thật nhanh vào phòng. Tiếng oà khóc nức nở của cậu vang lên cùng lúc đó, dường như bao nhiêu tủi hờn, ấm ức cậu đã cố gắng giấu đi tối nay, đến giờ phút này chẳng thể kìm lại được nữa. Xoài hét lên giận giữ:
- Xoài giận mẹ! Xoài ghét SCB! Mẹ không thương Xoài! Mẹ dạy Xoài hứa phải giữ lời mà mẹ lại thất hứa, Xoài không tin mẹ nữa đâu!
Nói xong cậu tức tưởi úp mặt xuống gối khóc một trận thật đã. Một lát sau, Xoài bình tĩnh hơn và nín khóc, lồm cồm bò dậy thì đã thấy mẹ kê ghế ngồi cạnh giường từ lúc nào. Mẹ nhoẻn miệng cười, ánh mắt hiền từ của mẹ như xoa dịu cơn tức giận của Xoài nhưng cậu bé vẫn kiên quyết không nói một lời nào.
- Mẹ xin lỗi Xoài nhé, chúc mừng sinh nhật con trai yêu của mẹ - vừa nói mẹ vừa đưa cho Xoài món quà nhỏ có cài nơ xinh xắn.
Dù trong lòng đã không còn giận mẹ nhiều, nhưng Xoài khẽ xoay người, ánh mắt hướng vào tường và không đáp lại mẹ.
- Chắc hôm nay Xoài của mẹ buồn lắm phải không? Ai nói mẹ không thương Xoài chứ? Mẹ thương Xoài nhất trên đời mà. Nhưng mà Xoài biết không, hôm nay thực sự mẹ phải ở lại để làm việc. Ở trường chắc Xoài đã từng được thầy cô cho chơi trò kéo co với các bạn rồi, đúng không?
Xoài khẽ gật đầu, nhưng vẫn xoay lưng về phía mẹ.
- Vậy thì theo Xoài, khi cả đội đang chơi kéo co, chỉ cần một bạn nghỉ chơi giữa chừng, thì mọi người sẽ thế nào nhỉ?
Xoài khẽ xoay người lại, đáp:
- Thì cả đội sẽ té cùng một lúc ạ.
- Đúng vậy, hoàn cảnh của mẹ hôm nay cũng như vậy đó Xoài. Vì cơ quan có công việc đột xuất rất quan trọng, nên dù rất muốn về với Xoài nhưng mẹ không thể bỏ “các bạn” của mẹ ở lại được. Nếu mẹ bỏ về, mọi người sẽ phải ở lại trễ hơn, và thật nhiều bạn nhỏ phải chờ mẹ bạn ấy thật lâu giống như Xoài nữa.
Xoài ngước lên nhìn mẹ, bỗng nhiên cảm thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ dịu dàng ôm Xoài vào lòng, vỗ về:
- Vậy là con trai không giận mẹ nữa nha. Ngày mai là thứ 7, cả nhà mình đi chơi nhé. Chúc mừng sinh nhật con trai!
Xoài ôm lấy cổ mẹ, nũng nịu:
- Dạ, Xoài không giận mẹ, không ghét SCB nữa. Nhưng mà tối nay mẹ phải đọc truyện cho Xoài nghe nha. Tuần trước mẹ đang đọc cho Xoài nghe truyện “Sự tích những bông cúc trắng”, Xoài chờ mãi mà mẹ chưa đọc tiếp cho Xoài nghe, Xoài muốn biết cô bé đó có tìm được bông hoa màu trắng đó không quá.
Mẹ Xoài tươi cười đồng ý, cậu bé dần chìm vào giấc ngủ trong giọng đọc êm ái của mẹ lúc nào không hay...
Mẹ Xoài gấp lại cuốn truyện, nhìn thiên thần nhỏ của mình ngủ thiếp đi, mi lóng lánh giọt nước mắt còn vương lại, nước mắt cô âm thầm chảy thành hàng dài. Cô thấy có lỗi với con quá, chắc hẳn hôm nay cậu bé đã mong chờ, để rồi tủi thân rất nhiều. Cái nghề của cô - nhân viên ngân hàng, là đam mê từ những ngày còn cắp sách đến trường. Đã có những lần cô không khỏi chạnh lòng, khi những tối về muộn thấy chồng lúi húi nấu ăn, dọn dẹp, hay những tối con trai chờ cô đi làm về, ánh mắt sáng rỡ mỗi khi nghe tiếng xe quen thuộc của mẹ... Đã có đôi lần, cô tự hỏi liệu mình có quá ích kỷ với gia đình nhỏ, khi chọn cái nghề này hay không? Nhưng chính nhờ sự động viên, thấu hiểu của chồng, sự trưởng thành mỗi ngày của Xoài, cô đã được tiếp thêm thật nhiều sức mạnh. Đúng như lời chồng cô nói, gia đình, sức khoẻ, nhan sắc, học vấn và công việc đều là những điều quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ. Công việc của cô, phù hợp với học vấn, được cơ quan hỗ trợ nhiều chính sách chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình, làm việc trong môi trường văn phòng không phải ngược xuôi ngoài đường, cũng khiến cô trẻ đẹp hơn so với nhiều người cùng trang lứa. Hơn tất cả, cô được sống đúng với đam mê của mình, đam mê ấy lại giúp cô có thu nhập khá tốt để cùng anh xây dựng gia đình. Ngẫm nghĩ một lát, cô kéo chiếc chăn mỏng đắp ngang người Xoài, khẽ hôn lên trán chàng trai nhỏ của cô. Tiếng nấc nhẹ vì khóc mơ của cậu, làm trái tim cô nhói lên trong khoảnh khắc.
Đã qua 12 giờ đêm ngày Xoài tròn 6 tuổi, ba Xoài mới sắp xếp xong công việc và bước vào phòng ngủ, sau khi vừa ghé qua phòng con trai xem cậu có ngủ ngon không. Anh nhoẻn miệng cười vì dáng ngủ của của vợ, giống hệt của con trai mình. Đến tiếng nấc nhẹ vì khóc mơ cũng rất giống. Anh kéo chăn đắp cho vợ và ngắm cô dưới ánh sáng nhạt hắt ra từ chiếc đèn ngủ, mường tượng lại hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, lí lắc của 7 năm trước, theo anh từ Bắc vào Nam để làm vợ anh. Cô gái trẻ con, hay khóc nhè ngày nào giờ đã trở thành một người vợ, người mẹ mạnh mẽ biết bao. Ngày cô đồng ý lấy anh, anh đã tự nhủ sẽ bảo vệ cô gái yếu đuối này cả đời bằng tất cả khả năng của mình. Vậy mà sau những năm bên nhau, nhất là kể từ khi có Xoài, anh ngày càng ngạc nhiên trước sự can đảm, mạnh mẽ của cô gái nhỏ mà anh yêu thương nhất. Càng tuyệt vời hơn khi con trai anh, cậu bé ngày một trưởng thành và mạnh mẽ, và giống mẹ trong tính cách vừa kiên cường, vừa tình cảm.
Sinh nhật năm nay của con trai, vợ anh vẫn giữ thói quen viết cho con một lá thư - việc mà cô đã làm từ ngày con chào đời, và dự định sẽ tặng lại cho cậu khi cậu tròn 18 tuổi. Lá thư vẫn còn loang lổ mấy vệt nước mắt, chắc cô gái nhỏ của anh đã khóc rất nhiều khi viết nó. Mọi năm, anh thường không tham gia vào món quà sinh nhật này, vì anh muốn để tình cảm của mẹ con cô được lưu giữ trọn vẹn. Nhưng hôm nay, anh muốn nhắn lại vài cho con trai anh - Xoài của năm 18 tuổi, anh chậm rãi đặt bút viết:
“Mai đây con mạnh mẽ hơn nhiều
Mai đây con chở che cho biết bao điều,
Cho ước mơ của mẹ, cho nỗi đau của mẹ
Theo ba chăm sóc con nghe” *
...
*Chú thích: trích lời bài hát “Ba kể con nghe” - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |