Phát hành trái phiếu Chính phủ giảm, tỷ giá liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng trên thị trường mở, chứng khoán kiên trì nhích nhẹ qua tất cả các phiên, IMF cập nhật dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 và năm 2024… là những thông tin kinh tế, tài chính, tiền tệ nổi bật tuần qua.
Tháng 9/2023, lượng phát hành trái phiếu chính phủ giảm so với tháng trước đó, tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, giá trị này tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 9/2023, HNX đã tổ chức 18 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng trúng thầu đạt 19.370 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu thành công đạt 75,22%, giảm 11,07% so tháng 8 (tháng 8/2023, HNX tổ chức 20 đợt đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng trúng thầu đạt 21.782 tỷ đồng).
KBNN phát hành thành công khoảng 75.000 tỷ đồng TPCP trong quý III/2023, tương đương khối lượng trúng thầu của quý 2, tỷ lệ trúng thầu đạt 88%. Tính đến hết tháng 9/2023, KBNN đã huy động thành công 255.000 tỷ đồng, đạt 62,47% kế hoạch phát hành của năm 2023 và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (9 tháng 2022 KBNN huy động được khoảng 114.000 tỷ đồng TPCP). Với khối lượng đáo hạn quý 3 là 24.000 tỷ đồng, KBNN đã phát hành ròng 51.000 tỷ trong quý vừa qua. Lũy kế 9 tháng, lượng phát hành ròng là 205.000 tỷ.
Về lãi suất huy động, kỳ hạn 5 năm có lãi suất huy động giảm nhẹ qua các phiên trong tháng 9/2023 với mức giảm 7 điểm cơ bản so với phiên cuối cùng của tháng 8. Lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm tiếp tục giữ ổn định trong 2 tháng gần đây, với lãi suất các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm trúng thầu tại các phiên cuối cùng trong tháng 9 của lần lượt là 1,63%; 2,36%; 2,59% và 3,05%.
Theo HNX, tính đến ngày 30/9/2023, giá trị niêm yết TPCP tại HNX đạt 1.898.855 tỷ đồng, tăng 12,63% so với cuối năm 2022.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch TPCP theo phương thức thông thường (outright) đạt hơn 109.658 tỷ đồng, giao dịch mua bán lại (repos) đạt gần 31.630 tỷ đồng trong tháng 9. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng đạt hơn 7.436 tỷ đồng, tăng 27,55% so với tháng trước. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3.464 tỷ đồng giảm 10,26% so với tháng trước.
Lợi suất TPCP chốt phiên ngày 29/9 giảm ở hầu hết các kỳ hạn so với cuối quý II/2023 và càng cho thấy mức giảm lớn khi so với đầu năm. Cụ thể, so với đầu năm, lợi suất các kỳ hạn giảm từ 1,90 – 2,78 điểm % (đpt). Trong đó, kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 2,68%, giảm 2,05 đpt so với đầu năm. Tuy nhiên, tuần cuối quý 3, lợi suất đi lên ở một số kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 10 năm tăng 0,08 đpt so với tuần trước đó.
Theo thông báo từ đầu năm của KBNN, kế hoạch huy động TPCP năm 2023 của KBNN là 400.000 tỷ đồng. Như vậy, từ tháng 10 đến cuối năm còn khoảng 145.000 tỷ đồng cần được huy động nếu muốn hoàn thành kế hoạch. Khi hoạt động giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ở quý 4, KBNN sẽ chịu áp lực tăng phát hành TPCP, đồng nghĩa với việc tăng lãi suất phát hành trên thị trường sơ cấp trong 3 tháng cuối năm để thu hút các nhà đầu tư.
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ ngày 9 - 13/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng – giảm nhẹ đan xen qua các phiên. Chốt ngày 13/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.077 VND/USD, chỉ tăng 3 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.230 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên ngày 13/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.450 VND/USD, tiếp tục tăng 80 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên ngày 13/10, tỷ giá tự do tăng 70 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.570 VND/USD và 24.620 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng: Tuần từ ngày 9 – 13/10, mặc dù đã tăng trở lại vào cuối tuần, lãi suất VND liên ngân hàng vẫn giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 13/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm là 0,40% (-0,82 đpt); 1 tuần là 0,60% (-0,84 đpt); 2 tuần là 0,82% (-0,84 đpt); 1 tháng là 1,28% (-0,66 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng dao động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần (ngày 13/10), lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: Qua đêm là 5,10% (+0,02 đpt); 1 tuần là 5,21% (+0,03 đpt); 2 tuần là 5,28% (+0,02 đpt) và 1 tháng là 5,36% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ ngày 9 – 13/10, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 64.999,60 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, lãi suất phiên ngày thứ Sáu ở mức 0,95% (-0,33 đpt so với cuối tuần trước đó). Như vậy, NHNN hút ròng 64.999,60 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 205.700 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 9/10, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 2.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL), khối lượng trúng thầu là 1.500 tỷ đồng, tương đương 60%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm trúng thầu toàn bộ 1.500 tỷ đồng chào thầu với lãi suất 2,5% (không đổi so với tuần trước). Kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn này.
Ngày 11/10, KBNN chào thầu 4.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 4.000 tỷ đồng, tương đương 89%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu; kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng chào thầu và kỳ hạn 15 năm huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng chào thầu. Kỳ hạn 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại: 5 năm là 1,64% (-0,01 đpt), 10 năm là 2,38% (+0,02 đpt), 15 năm là 2,61% (+0,02 đpt).
Trong tuần này, ngày 16/10, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 2.500 tỷ đồng TPCPBL, trong đó, kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Ngày 18/10, KBNN chào thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.745 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 4.727 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua biến động tăng giảm nhẹ đan xen qua các phiên ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên ngày 13/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh: 1 năm là 1,75% (không đổi); 2 năm là 1,76% (+0,01 đpt); 3 năm là 1,77% (+0,02 đpt); 5 năm là 1,78% (+0,03 đpt); 7 năm là 2,52% (-0,02 đpt); 10 năm là 2,85% (-0,02 đpt); 15 năm là 3,04% (+0,01 đpt); 30 năm là 3,22% (+0,03 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ ngày 9 – 13/10, thị trường chứng khoán kiên trì nhích nhẹ qua tất cả các phiên. Chốt phiên ngày 13/10, VN-Index đứng ở mức 1.154,73 điểm, tăng 26,19 điểm (+2,32%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 8,60 điểm (+3,73%) lên 239,05 điểm; UPCom-Index cộng 0,70 điểm (+0,80%) đạt mức 87,90 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình gần 15.800 tỷ đồng/phiên, thấp hơn mức khoảng 16.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
IMF cập nhật dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 và năm 2024. Trong báo cáo công bố ngày 10/10, IMF dự báo GDP toàn cầu tăng 3,0% trong năm 2023 (không thay đổi so với dự báo tháng 7) và sẽ tăng 2,9% trong năm 2024 (-0,1 đpt). Như vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong cả năm nay và năm tới so với mức tăng 3,5% đã đạt được trong năm 2022.
Đối với các quốc gia phát triển, Mỹ được dự báo tăng 2,1% trong năm nay (+0,3 đpt) và 1,5% ở năm sau (+0,5 đpt); Eurozone lần lượt tăng 0,7% (-0,2 đpt) và 1,2% (-0,3 đpt); Nhật Bản tăng 2,0% (+0,6 đpt) và 1,0% (không đổi); Anh tăng 0,5% (+0,1 đpt) và 0,6% (-0,4 đpt).
Về các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc được dự báo tăng 2,0% trong năm nay (-0,2 đpt) và tăng 4,2% ở năm tới (-0,3 đpt). Nhóm ASEAN5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) lần lượt tăng 4,2% (-0,4 đpt) và 4,5% (không đổi).
Về lạm phát, IMF dự báo chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu tăng 6,9% trong năm nay (+0,1 đpt), sau đó hạ nhiệt còn 5,8% ở năm 2024 (+0,6 đpt).
Theo nhà kinh tế trưởng Pierre Olivier Gourinchas của IMF, kinh tế toàn cầu vẫn đang nỗ lực phục hồi từ sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Nhìn chung, có thể thế giới sẽ đạt được hạ cánh mềm nhưng vẫn còn đó rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Những ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Israel và Palestine vừa diễn ra cũng chưa được tính đến trong dự báo này, do thời điểm chốt dữ liệu là vào ngày 26/9.
Tuần qua, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 9, đồng thời nước Mỹ cũng ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong biên bản cuộc họp tháng 9 công bố tuần qua, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC - thuộc FED) nhận định, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng khá nhanh trong quý III/2023. Thị trường lao động tiếp tục ở trạng thái thắt chặt với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Tăng trưởng việc làm dù giảm tốc nhưng luôn mạnh mẽ. Lạm phát tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao. Cơ quan này khẳng định mục tiêu toàn dụng nhân công và đưa lạm phát về mức 2,0% trong dài hạn.
Theo đó, FOMC quyết định duy trì lãi suất ở mức 5,25% - 5,50%, không thay đổi so với cuộc họp trước. FOMC sẽ tiếp tục đánh giá mức độ tích lũy của chính sách tiền tệ thắt chặt lên nền kinh tế và lạm phát để đưa ra các quyết định tiếp theo.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, đầu tiên, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,3% trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,6% và 0,3% của tháng 8, gần khớp với dự báo cùng tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm 2022, CPI toàn phần Mỹ tăng 3,7% trong tháng vừa qua, bằng với mức tăng của tháng 8 và CPI lõi tăng 4,1% hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,3% ở tháng 8.
Chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,5% và 0,3% trong tháng 9 sau khi tăng 0,7% và 0,2% ở tháng trước đó, cùng cao hơn so với mức tăng 0,3% và 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, PPI toàn phần và PPI lõi lần lượt tăng 2,2% và 2,8%.
Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 7/10 ở mức 209 nghìn đơn, không thay đổi so với tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên 211 nghìn đơn. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát ở mức 63,0 điểm trong tháng 10, giảm xuống từ 68,1 điểm của tháng 9 và đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 67,2 điểm.
Nguồn: MSB Research