Tỷ giá liên ngân hàng tăng giảm đan xen, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước hút ròng qua nghiệp vụ Thị trường mở, thị trường chứng khoán có diễn biến tiêu cực, giải ngân đầu tư công đạt trên 50%, các dự báo cho thấy khả năng FED sẽ giữ lãi suất đi ngang…. là những thông tin kinh tế, tài chính, tiền tệ nổi bật tuần qua.
Giải ngân đầu tư công 9 tháng năm 2023 đạt trên 50% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 tới 110.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công (ĐTC) vốn kế hoạch năm 2023 tính đến ngày 30/9/2023 đạt trên 363 nghìn tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 46,7% và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 9, số vốn kế hoạch ĐTC năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng, trung bình 9 tháng đầu năm, số vốn ĐTC giải ngân đạt trên 40 nghìn tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, nguồn vốn các năm trước chuyển sang năm 2023 là 54.725 tỷ đồng, dự toán đến hết tháng 9 giải ngân được hơn 24 nghìn tỉ đồng, đạt tỉ lệ 44,31%.
Cũng theo Bộ Tài chính, các dự án quan trọng quốc gia có tỷ lệ giải ngân cao hơn trung bình cả nước. Cụ thể, đến hết ngày 31/8/2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải đạt 48.297,55 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 55,3% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (87.317 tỷ đồng). Trong đó, vốn NSTW là 41.857,66 tỷ đồng, đạt 53,9% và vốn ngân sách địa phương là 6.997,98 tỷ đồng, đạt 72,9%. 9 dự án cao này gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án Vành đai 4 TP. Hà Nội; dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; dự án đường Hồ Chí Minh; dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.
Nhiều ý kiến đánh giá, giải ngân ĐTC chính là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng quý III/2023 và 9 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài và bên trong. Như ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐTC 9 tháng chưa năm nào giải ngân vượt qua 50% kế hoạch năm, đặc biệt, quy mô vốn năm nay lớn hơn các năm trước rất nhiều, việc đạt tỷ lệ cao như vậy là rất tích cực, số tiền tuyệt đối giải ngân cao hơn năm ngoái 110 nghìn tỷ đồng là con số rất lớn. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực; đồng thời, mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, sang quý IV/2023, còn một lượng vốn rất lớn chưa giải ngân, đang vừa là thách thức, vừa là động lực cho tăng trưởng nếu được đưa vào nền kinh tế. Nếu tính theo kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 707,04 nghìn tỷ đồng, sẽ còn khoảng 344 nghìn tỷ đồng cần giải ngân trong thời gian còn lại của năm kế hoạch.
Nhiều chuyên gia cho biết, kinh nghiệm thực tế những năm qua cho thấy, lượng vốn giải ngân thường dồn vào quý cuối cùng của năm. Các năm 2021 - 2022, dù 9 tháng đầu năm giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch, nhưng cả năm vẫn đạt khoảng 93%. Năm nay, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khả năng giải ngân đạt mục tiêu 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao có thể khả thi.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, đến cuối tháng 9, có 109 dự án tại 41 địa phương vẫn chưa giải ngân, chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, có 3 bộ, cơ quan trung ương tới nay vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào, ...
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết ngày 31/10/2023 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến hết ngày 31/10/2023 chưa thực hiện phân bổ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kiểm điểm trách nhiệm cụ thể trong việc phải cắt giảm kế hoạch, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện.
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ ngày 2 –6/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 6/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.074 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.227 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng trong những phiên đầu tuần nhưng giảm trở lại sau đó. Kết thúc phiên 06/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.370 VND/USD, vẫn tăng 75 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng khá mạnh phiên đầu tuần rồi chững lại. Chốt phiên ngày 6/10, tỷ giá tự do tăng 130 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.500 VND/USD và 24.550 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng: Tuần từ ngày 2 –6/10, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 6/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm là 1,22% (+0,98 đpt); 1 tuần là 1,44% (+0,96 đpt); 2 tuần là 1,66% (+1,0 đpt); 1 tháng là 1,94% (+0,81 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng dao động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần ngày 6/10, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: Qua đêm là 5,08% (+0,03 đpt); 1 tuần là 5,18% (+0,03 đpt); 2 tuần là 5,26% (+0,04 đpt) và 1 tháng là 5,36% (+0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ ngày 2 –6/10, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 46.899,80 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, lãi suất phiên thứ Sáu ở mức 1,28% (+0,28 đpt so với cuối tuần trước đó). Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 46.899,80 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức 140.700 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 2/10, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, khối lượng trúng thầu là 500 tỷ đồng, tương đương 25%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm trúng thầu toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu với lãi suất 2,5%. Kỳ hạn 10 năm chào thầu 500 tỷ đồng và 15 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn này.
Ngày 4/10, Kho bạc Nhà nước chào thầu 5.750 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 2.250 tỷ đồng, tương đương 39%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu; kỳ hạn 10 năm huy động được 750 tỷ đồng/2.250 tỷ đồng gọi thầu và 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm là 1,65% (+0,02 đpt), 10 năm là 2,36% (không đổi), 15 năm là 2,59% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 9/10, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 2.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trong đó: Kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Ngày 11/10, Kho bạc Nhà nước chào thầu 4.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trong đó: Kỳ hạn 5 năm và 20 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, 10 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4.727 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 12.040 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ trong tuần qua tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên ngày 6/10, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm là 1,75% (+0,08 đpt); 2 năm là 1,75% (+0,07 đpt); 3 năm là 1,75% (+0,04 đpt); 5 năm là 1,74% (-0,04 đpt); 7 năm là 2,55% (+0,20 đpt); 10 năm là 2,87% (+0,19 đpt); 15 năm là 3,03% (+0,16 đpt); 30 năm là 3,19% (+0,09 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ ngày 2 –6/10, thị trường chứng khoán tiếp tục tiêu cực khi cả 3 chỉ số đều giảm khá mạnh. Chốt phiên ngày 6/10, VN-Index đứng ở mức 1.128,54 điểm, giảm mạnh 25,61 điểm (-2,22%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 5,90 điểm (-2,50%) còn 230,45 điểm; UPCom-Index rớt 1,58 điểm (-1,78%) về mức 87,20 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình gần 16.300 tỷ đồng/phiên từ mức khoảng 21.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Mỹ đón nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng, trong đó nổi bật là thị trường lao động. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết, PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 49% trong tháng 9, tăng lên so với mức 47,6% của tháng 8 và đồng thời cũng cao hơn mức 47,8% theo dự báo. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 53,6% trong tháng vừa qua, giảm xuống từ mức 54,5% của tháng 8 và gần khớp với dự báo ở mức 53,5%.
Tiếp theo, Bộ Lao động Mỹ công bố nước này tạo ra 336 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 9, cao hơn so với mức 227 nghìn của tháng 8 và đồng thời tích cực hơn nhiều so với mức 171 nghìn theo kỳ vọng. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ đi ngang ở mức 3,8% trong tháng 9 vừa qua, không giảm xuống mức 3,7% như dự báo của các chuyên gia.
Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ trong tháng 9 cũng tăng 0,2%, bằng với mức tăng của tháng 8 và thấp hơn một chút so với mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân theo giờ đã tăng khoảng 4,2%.
Trong tháng 8, nước Mỹ đã tạo ra 9,61 triệu cơ hội việc làm mới, cao hơn 8,92 triệu của tháng 7 và đồng thời cao hơn mức 8,81 triệu theo dự báo. Đây là lần đầu tiên số cơ hội việc làm tăng trở lại sau khi giảm liên tục trong 3 tháng trước đó.
Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 2/10 ở mức 207 nghìn đơn, chỉ tăng nhẹ so với 205 nghìn của tuần trước đó và thấp hơn mức 211 nghìn theo dự báo. Số đơn bình quân trong 4 tuần gần nhất là 208,8 nghìn đơn, giảm 2,5 nghìn đơn so với bình quân 4 tuần trước đó.
Sau các thông tin trên, công cụ của CME dự báo, có 73% khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất đi ngang trong cuộc họp ngày 1/11 và 27% khả năng tăng thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 5,50% - 5,75%. Theo kịch bản chiếm ưu thế của CME, FED sẽ giữ lãi suất đi ngang và bắt đầu cắt giảm trở lại kể từ cuộc họp 12/6/2024.
Trong tuần này, thế giới chờ đón biên bản cuộc họp tháng 9 của FED và chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tại Mỹ, được công bố vào ngày 12/10.
Khu vực Eurozone cũng đón một số thông tin đáng chú ý. Trong bài phát biểu ngày 8/10, Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) Christine Largade cho rằng, lãi suất đã đạt đến mức mà nếu được duy trì trong thời gian đủ lâu sẽ góp phần lớn đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0%.
Liên quan đến kinh tế Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này ghi nhận ở mức 6,4% trong tháng 8, giảm xuống từ 6,5% của tháng 7 và khớp với dự báo. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất PPI tại khu vực Eurozone tăng 0,6% trong tháng 8 sau khi giảm 0,5% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2022, PPI tại Eurozone tăng khá mạnh 11,5%.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại khu vực Eurozone giảm 1,2% trong tháng 9, sau khi giảm 0,1% ở tháng trước đó và tiêu cực hơn mức giảm 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ Eurozone tăng 2,1%.
Nguồn: MSB Research