(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động tài chính tiêu dùng trong những năm gần đây là một minh chứng rõ nét có nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ở Việt Nam. Không chỉ giúp người dân có thu nhập trung bình thấp tiếp cận vốn cải thiện cuộc sống một cách dễ dàng, mà kênh tài chính tiêu dùng còn góp phần rất hiệu quả trong việc đẩy lùi tín dụng đen.
Tài chính tiêu dùng giúp người dân, đặc biệt là người yếu thế vượt qua khó khăn, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen - Nguồn: Internet |
Tài chính tiêu dùng: “Chân ái” cho người thu nhập trung bình, thấp nâng cao giá trị cuộc sống
Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động tài chính tiêu dùng trong những năm gần đây là một minh chứng rõ nét có nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ở Việt Nam. Kênh tài chính tiêu dùng không chỉ giúp người dân có thu nhập trung bình thấp tiếp cận vốn cải thiện cuộc sống một cách dễ dàng, mà còn góp phần rất hiệu quả trong việc đẩy lùi tín dụng đen. Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, tỷ lệ người dân người có thu nhập thấp lớn, kênh tài chính tiêu dùng cần tiếp tục được quan tâm phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững - đây là sứ mệnh của các công ty tài chính tiêu dùng, trong đó có Mcredit.
Hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây và nhận được nhiều sự quan tâm từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và xã hội. Tài chính tiêu dùng đem lại cơ hội giải quyết các nhu cầu tiêu dùng cho các cá nhân có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có tài sản bảo đảm cho các khoản vay như điều kiện các ngân hàng thương mại yêu cầu; do vậy, không chỉ giúp người dân có thu nhập trung bình/thấp tiếp cận khoản vay dễ dàng, nhanh chóng, các công ty tài chính tiêu dùng còn góp phần hạn chế vấn nạn tín dụng đen, tránh được các hệ luỵ xấu, gây bất ổn trong đời sống xã hội.
Tiềm năng và nhu cầu thị trường rất lớn
Mặc dù đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng rất nhanh tạo cơ hội lớn để mảng tài chính tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại phát triển. Tuy nhiên, với khoảng 100 triệu dân và tỷ lệ người dân có thu nhập trung bình/thấp vẫn chiếm đa số; vì thế dư địa cho các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Trên thực tế, cùng là tài chính tiêu dùng nhưng đối tượng khách hàng của các ngân hàng và các công ty tài chính luôn có sự khác biệt. Trong khi những người có thu nhập cao hoặc khá có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tiêu dùng từ ngân hàng dễ dàng hơn, thì những người yếu thế có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp lại khó có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng và thường tìm đến các công ty tài chính hoặc vay thứ cấp, hoặc rủi ro từ tín dụng đen.
Theo quy định pháp luật, để tiếp cận được nguồn vốn vay tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại, người đi vay phải đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ từ phía ngân hàng như: có tài sản thế chấp, giá trị khoản vay cao, thời gian thẩm định hồ sơ và quy trình phê duyệt, giải ngân kéo dài,… Trong khi đó, để đáp ứng được những tiêu chuẩn đó dường như là điều không thể đối với người có thu nhập trung bình/thấp. Đây là những khách hàng không có tài sản thế chấp, năng lực trả nợ với các khoản vay có giá trị lớn là thấp và đặc biệt có nhu cầu giải ngân nhanh chóng để giải quyết các nhu cầu thiết yếu, cấp thiết trong cuộc sống.
Trước thực trạng kể trên, các công ty tài chính được người dân có thu nhập trung bình/thấp lựa chọn do thủ tục vay đơn giản, duyệt hồ sơ nhanh và được pháp luật bảo vệ so với vay thứ cấp hoặc vay tín dụng đen – vấn nạn bị xã hội lên án.
Nắm bắt được nhu cầu từ thực tế đời sống người dân, thời gian qua, những ưu điểm nổi bật và lợi thế riêng có về tính chất hoạt động, các công ty tài chính tiêu dùng đã không ngừng phát triển, không chỉ góp phần quan trọng giúp người dân có thu nhập thấp cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần bảo vệ họ trước các cạm bẫy rủi ro phát sinh từ tín dụng đen. Nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã và đang liên tục hoàn thiện chất lượng cung cấp dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường ứng dụng số hóa,… để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người dân.
Mcredit – thích ứng nhanh, đa dạng sản phẩm hỗ trợ người yếu thế vượt qua hoàn cảnh khó khăn
Trước nhu cầu ngày càng lớn của đại bộ phận khách hàng là những người có thu nhập trung bình và trung bình thấp, các công ty tài chính tiêu dùng không ngừng nghiên cứu và đưa ra các gói sản phẩm đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu, trong đó nổi bật có Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) – một thành viên của tập đoàn tài chính MB Group.
Sau 5 năm hoạt động các dịch vụ tài chính của Mcredit đã xuất hiện ở 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc. Tính đến hết năm 2021, Mcredit có 135.445 điểm thu hộ - chi hộ và 1.782 điểm tư vấn dịch vụ, công ty cũng ghi nhận số lượng khách hàng đang sử dụng các dịch vụ tài chính do công ty cung cấp chạm mức 1,5 triệu khách hàng.
Trong giai đoạn kế tiếp, Mcredit sẽ tập trung vào phát triển các dịch vụ, giải pháp thuận tiện nhất với triết lý “khách hàng là trung tâm”. Mcredit sẽ nỗ lực để thấu hiểu những gì mà khách hàng đang cần, đáp ứng những gì mà họ mong muốn và đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Điều đó sẽ được Mcredit hiện thực hoá thông qua chiến lược với ba trọng tâm: tài chính số; trải nghiệm khách hàng tốt nhất; dịch vụ tài chính toàn diện.
Sự thuận tiện mà Mcedit hướng tới đến từ tốc độ giải quyết những yêu cầu từ khách hàng nhanh hơn; quy trình và thủ tục, gọn nhẹ, đơn giản hơn; tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng hơn mà không chịu bất kỳ rào cản hay khó khăn nào.
Mcredit hiện đang phục vụ 8 phân khúc khách hàng trải dài từ thành thị đến nông thôn, không phải ai cũng có thể tiếp cận với công nghệ hay thích ứng được với quá trình chuyển đổi số. Mcredit có “đa kênh” để phục vụ khách hàng, từ kênh vật lý, đến kênh hỗ trợ từ xa qua điện thoại, Internet. Khách hàng có thể chủ động sử dụng, hoặc Mcredit luôn sẵn sàng hỗ trợ. Phương châm của Mcredit là “Khi bạn cần”, Mcredit sẽ phục vụ ngay.
Trong thời gian qua, Mcredit xác định đối tượng yếu thế cần phải tập trung hỗ trợ là “công nhân”. Đây là lực lượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19, thu nhập và việc làm của người lao động bị tác động mạnh mẽ. Thêm vào đó nhóm công nhân được đánh giá có trình độ học vấn hạn chế, thiếu kiến thức về tài chính và có tâm lý tìm đến tín dụng đen để giải quyết các khó khăn về tài chính. Với nhóm khách hàng này, bên cạnh gói vay trả góp mua sắm trang thiết bị, Mcredit hướng tới gói vay an sinh, gói vay hỗ trợ ảnh hưởng COVID-19…
Mcredit đang tích cực phối hợp với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để được tham gia các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn và chung tay cùng Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng đen ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.
Những thách thức cần được gỡ vướng
Mặc dù đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, tuy nhiên, để thị trường tài chính tiêu dùng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng phát huy được thế mạnh, thực tế đã chỉ ra nhiều vấn đề cần được gỡ vướng, từ cả góc độ quy định pháp lý, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và nhận thức, sự ủng hộ của người dân. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định pháp luật chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các tổ chức tín dụng ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN giúp các công ty tài chính tiêu dùng có một khung pháp lý riêng, tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam. Tuy nhiên, do là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động theo các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, nên các công ty tài chính tiêu dùng vẫn đang phải áp dụng các điều kiện, chế tài chặt chẽ như các ngân hàng. Trong khi đó, phạm vi hoạt động nghiệp vụ của các công ty tài chính tiêu dùng bị giới hạn hơn nhiều so với ngân hàng, đồng thời không được thực hiện các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng…
Thứ hai, thị trường thiếu các công cụ để hỗ trợ các công ty tài chính triển khai thu hồi nợ đối với các khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Tại các thị trường tài chính phát triển lớn trên thế giới và đặc biệt là châu Á, điển hình như Trung Quốc, Nhật Bản… đã phát triển vượt bậc trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, chấm điểm tín dụng công dân, kiểm soát dữ liệu thường trú/tạm trú… vừa giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính giấy tờ, vừa phát triển tốt hệ thống dữ liệu điện tử quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua Chính phủ đã quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên để hoàn thiện sẽ cần thêm nhiều thời gian. Trên thực tế, nhiều công ty tài chính tiêu dùng đang gặp khó khăn khi khách hàng trốn tránh, bỏ trốn khỏi địa phương mà không khai báo… nên các công ty tài chính rất khó tìm kiếm khách hàng để thu hồi nợ.
Thứ ba, pháp luật chưa thể hiện rõ vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty tài chính tiêu dùng.
Một trong những yếu tố quan trọng trong hành lang pháp lý về tài chính tiêu dùng chính là cơ chế giải quyết tranh chấp; tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này còn tồn tại rất nhiều hạn chế, cụ thể:
+ Thủ tục hành chính rườm rà và quy trình tố tụng phức tạp; thời gian giải quyết các vụ án trên thực tế rất chậm, nhiều trường hợp thời gian khởi kiện kéo dài hàng năm vẫn chưa được xét xử.
+ Thiếu chế tài xử phạt hoặc mức xử phạt còn nhẹ đối với các trường hợp khách hàng vi phạm, nên chưa mang tính răn đe cho nhiều đối tượng nợ xấu cố tình chây ỳ, trốn nợ.
+ Chưa nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan chính quyền địa phương trong việc tiếp cận hoặc thu hồi nợ của khách hàng là người dân cư trú trên địa bàn.
Thứ tư, khách hàng chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ trả nợ hoặc cố tình chây ỳ, gian lận
Đối tượng phục vụ của các công ty tài chính tiêu dùng là người dân có thu nhập trung bình/thấp, do vậy khó tránh khỏi việc khách hàng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ trong tiếp cận các quy định pháp luật, các quy định về điều khoản vay và trả nợ. Để thay đổi điều này không thể ngay lập tức nhưng các công ty tài chính tiêu dùng mong muốn sự hỗ trợ của các cấp chính chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tấn truyền thông,… để người dân tăng cường hiểu biết và tiếp cận hiệu quả với kênh tài chính tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một bộ phận khách hàng còn thiếu trách nhiệm hoặc cố tình gian lận, chây ỳ khiến công tác thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Do đó, đối với các đối tượng cố tình trốn tránh và có hành vi lừa đảo/ trốn nợ, cần được áp dụng các biện pháp mạnh từ phía pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên cho vay cũng như tạo điều kiện để thị trường phát triển rộng mở thực sự với những khách hàng tốt có nhu cầu vay vốn.
(*) Đại diện Công ty tài chính TNHH MB Shinsei