Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin trong công tác xử lý nợ xấu

Bùi Trang - Quỳnh Lê| 13/05/2022 18:09
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 13/5, Câu lạc bộ Xử lý nợ (CLB AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin trong công tác xử lý nợ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh tham dự và chỉ đạo Hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (HHNH); ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC kiêm Chủ nhiệm CLB AMC; ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước; ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC và đại diện các thành viên Câu lạc bộ…

CLB AMC - cầu nối hiệu quả trong chia sẻ, trao đổi thông tin

Báo cáo tại Hội nghị, bà Đặng Thị Thu Phương, Phó Chủ nhiệm CLB AMC, cho biết thời gian qua, CLB đạt được một số kết quả hoạt động đáng kể. CLB AMC đã chú trọng thực hiện trao đổi và đối thoại chính sách thông qua các tọa đàm, hội thảo do Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và các đơn vị khác tổ chức, chia sẻ thông tin chính sách pháp luật liên quan đến nghiệp vụ xử lý nợ, hỗ trợ công tác xử lý nợ đạt hiệu quả. CLB đã tham gia và tổ chức hơn 10 hội thảo, tọa đàm về hoạt động xử lý nợ.

Bà Đặng Thị Thu Phương, Phó Chủ nhiệm CLB AMC, báo cáo tại Hội nghị

Việc trao đổi thông tin nghiệp vụ xử lý nợ, phát triển thị trường mua bán nợ được thực hiện thường xuyên trên cơ sở thực tiễn đã đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan hoạt động xử lý nợ. Đáng chú ý, thông qua phương tiện truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng, các đơn vị truyền thông báo chí, truyền thông nội bộ của các hội viên, thông tin từ CLB đã giúp tăng cường sự hiểu biết và hợp tác trong công tác xử lý nợ. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia thị trường, khuyến khích các sáng kiến phát triển thị trường mua bán nợ của toàn thể hội viên. CLB cũng kịp thời tổng hợp các khó khăn vướng mắc của hội viên gửi Hiệp hội Ngân hàng, tổ chức các hội nghị, tọa đàm tập trung và trực tuyến nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên.

Chuyển biến tích cực trên thị trường mua bán nợ

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC nhìn nhận hoạt động của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC kiêm Chủ nhiệm CLB AMC, phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, thị trường mua bán nợ vẫn còn những khó khăn. Thị trường mua bán nợ xấu chưa phát triển, thiếu tính cạnh tranh, số lượng chủ thể tham gia còn ít, hạ tầng chưa đồng bộ, hành lang pháp lý cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Năng lực tài chính, kinh nghiệm mua bán, xử lý nợ của các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế. Thông tin về hàng hóa nợ xấu trên thị trường chưa được công khai, thiếu minh bạch. Phương thức mua bán chưa đa dạng, chủ yếu thông qua thỏa thuận giữa các bên. Thị trường còn thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp, thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, minh bạch và đầy đủ thông tin, thiếu một tổ chức có vai trò dẫn dắt, tạo lập thị trường mua bán nợ xấu.

“Để thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, mở rộng phương thức mua, bán nợ xấu, tăng cường vai trò là trung tâm thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ xấu của VAMC”, ông Đoàn Văn Thắng nói.

Được biết, đến cuối năm 2021, VAMC đã thực hiện mua được 28.191 khoản nợ của 17.437 khách hàng của các TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng đạt 407.447 tỷ đồng, giá mua nợ là 374.837 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những năm vừa qua, VAMC đã và đang tích cực thực hiện vai trò là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, bao gồm các giải pháp: thành lập Sàn giao dịch nợ và đẩy mạnh hoạt động của CLB AMC. Tháng 10/2021, VAMC đã khai trương và đưa Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động nhằm minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của các TCTD.

100 tổ chức, cá nhân đăng ký thành viên sàn giao dịch nợ

Theo ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC, hàng hoá giao dịch trên Sàn giao dịch nợ là các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ xấu với các thành viên là các TCTD, các Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của các TCTD và các cá nhân và tổ chức khác có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và tự nguyện tham gia Sàn giao dịch nợ. Sàn giao dịch nợ thực hiện tiếp nhận và kiểm tra thông tin về khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu, giới thiệu, cung cấp thông tin về khoản nợ xấu, TSBĐ cho bên có nhu cầu giao dịch, tìm kiếm và tiếp cận các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới về khoản nợ xấu, TSBĐ, tạo lập kho dữ liệu về nợ xấu, TSBĐ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận thông tin, kết nối các giao dịch về nợ xấu.

Toàn cảnh hội nghị

Tính đến hết ngày 30/4/2022, đã có 100 tổ chức và cá nhân đăng ký thành viên và đã được Sàn giao dịch nợ cung cấp user truy cập website của Sàn. Hiện nay, Sàn giao dịch nợ đã ký 10 hợp đồng nguyên tắc với các TCTD và đơn vị thành viên, đồng thời làm việc với các khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn, môi giới của Sàn giao dịch nợ.

Nghiên cứu luật hoá nhiều nội dung liên quan trong hoạt động xử lý nợ

Cập nhật cơ chế chính sách trong hoạt động xử lý nợ xấu tại Việt Nam, ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023; hiện NHNN đang triển khai các công việc để luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và TSBĐ theo hướng: Kế thừa toàn bộ các chính sách của Nghị quyết số 42 đã được áp dụng hiệu quả; Sửa đổi, bổ sung những quy định còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc của Nghị quyết số 42; Đề xuất những chính sách mới trên cơ sở tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC thời gian vừa qua.

Theo ông Phạm Thanh Ngọc, có nhiều nội dung hiện đang vướng mắc cần được xem xét, nghiên cứu để luật hóa từ quy định về phạm vi nợ xấu, đối tượng điều chỉnh, xây dựng các nguyên tắc, yêu cầu về định giá khoản nợ xấu, bán nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu, quy định về quyền thu giữ TSBĐ, xây dựng cơ chế xử lý đối với khách hàng không hợp tác, không bàn giao TSBĐ, vấn đề về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến thu giữ TSBĐ và tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án, đặc biệt trong trường hợp phát hiện tình tiết mới, mua bán nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, còn vấn đề về nhận chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản, thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý TSBĐ để đảm bảo quyền của bên nhận TSBĐ bao giờ cũng được ưu tiên hơn so với các quyền khác, TCTD được quyền bán khoản nợ xấu có TSBĐ đang bị kê biên cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua, bán nợ...  

Kịp thời đề xuất có trách nhiệm trong xây dựng luật

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá cao những nỗ lực của Ban chủ nhiệm CLB AMC cũng như các thành viên CLB. Phó Thống đốc mong các thành viên CLB tiếp tục tham gia với sự nhiệt tình, trách nhiệm, vì ngành Ngân hàng nói chung và quyền lợi của các đơn vị nói riêng để thời gian tới CLB tiếp tục có những hoạt động cụ thể, thiết thực, chủ động hơn nữa.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị HHNH cần thường xuyên quan tâm và hỗ trợ toàn diện đối với tất cả các hoạt động. Hiệp hội cần tạo nên hệ sinh thái, phải có sự liên thông, gắn kết hoạt động giữa các CLB trực thuộc, tạo điều kiện để các CLB hỗ trợ nhau.

“Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu tác động đến tất cả các thành viên của Hiệp hội, tôi mong rằng trong thời gian tới, HHNH coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đóng góp cho ngành, đóng góp cho NHNN và cũng chính là quyền lợi của các hội viên. HHNH cần rà soát, nêu các vấn đề  cần phải sửa đổi trong Luật các TCTD (có thể thông qua các buổi toạ đàm, hội thảo). Tích cực tham gia trong quá trình xây dựng luật. Đồng thời phối hợp, đẩy mạnh công tác truyền thông. Về phía CLB AMC, hơn ai hết, CLB nắm rõ những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề cần luật hoá. Do đó, CLB cần tập hợp ý kiến các thành viên, đề xuất sớm với Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh việc luật hoá Nghị quyết 42, CLB AMC cần rà soát lại Luật các TCTD và chỉ ra tất cả những điểm cần sửa đổi, đặc biệt những vấn đề liên quan đến AMC và các ngân hàng”, Phó Thống đốc nói.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định với vai trò trách nhiệm, HHNH sẽ tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, tham gia đóng góp xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là đối với việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu. Việc tham gia đóng góp ý kiến trong sửa đổi Luật TCTD được Hiệp hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm và có những kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành về những vướng mắc, khó khăn trong xử lý nợ xấu cần được điều chỉnh, sửa đổi trong các luật liên quan.

Tổng Thư ký HHNH Nguyễn Quốc Hùng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh tại Hội nghị

Hiệp hội sẽ thực hiện có lộ trình, trước hết sẽ tập hợp rà soát làm rõ những vướng mắc khó khăn, tồn tại ở đâu, bộ, ngành nào, cần thực hiện ra sao. Tiếp đó, sẽ mời hội viên đến họp làm rõ các vấn đề và sau đó, tổ chức hội thảo trong nước và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông. Hiệp hội sẽ tổ chức từng bước và sẽ phối hợp chặt chẽ với NHNN.

“Hiệp hội sẽ làm tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của hội viện, phản biện cơ chế chính sách và phối hợp với NHNN trong quá trình xây dựng chính sách, làm tốt công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về ngành, nợ xấu không phải do ngân hàng gây ra”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, thời gian tới, CLB AMC cần nâng cao vai trò tập hợp đoàn kết, thống nhất, chia sẻ giữa các hội viên tạo nên vị thế bảo vệ quyền lợi hội viên. CLB AMC đã đạt được nhiều kết quả, thời gian tới cần tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, đẩy mạnh sinh hoạt CLB để tạo sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ vướng mắc, gắn kết các đơn vị thành viên, hỗ trợ nhau nhiều hơn trong hoạt động. 

Lãnh đạo HHNH và CLB AMC chúc mừng thành viên mới kết nạp 

Tại Hội nghị, CLB AMC đã tổ chức Lễ kết nạp thành viên mới, Công ty OK DTC. Đây là một công ty thành viên của OK Financial Group (Hàn Quốc) với hoạt động kinh doanh chính tư vấn xử lý nợ và tài sản, tư vấn chuyển đổi hình thức sở hữu, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp và tư vấn mua nợ, tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã chúc mừng thành viên thứ 22 của CLB AMC và mong Công ty OK DTC sẽ tham gia tích cực, đóng góp vào các hoạt động của CLB AMC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin trong công tác xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO