Doanh nghiệp

Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu kỷ lục 16.088 tỷ đồng, mục tiêu chinh phục mốc 1 tỷ USD

Việt Hương 04/04/2024 19:30

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, theo đó, tổng doanh thu đạt kỷ lục hơn 16.088 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng.

Lợi nhuận Lộc Trời tăng thêm 66 tỷ đồng sau kiểm toán Báo cáo tài chính riêng

Ngày 3/4, Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình về biến động số liệu trên Báo cáo tài chính sau kiểm toán so với Báo cáo tài chính tự lập năm 2023.

Theo đó, sau kiểm toán Báo cáo tài chính riêng năm 2023, Lộc Trời đã điều chỉnh tăng chi phí bán hàng thêm 11,27 tỷ đồng, đồng thời giảm chi phí quản lý doanh nghiệp 76,96 tỷ đồng. Các chi phí khác cũng điều chỉnh giảm 12 tỷ đồng. Điều này khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 tăng thêm 65,54 tỷ đồng lên 247,08 tỷ đồng. Việc điều chỉnh phần lớn liên quan đến việc đánh giá lại và ghi nhận giảm dự phòng phải thu khó đòi của một số khách hàng đã được thu hồi công nợ sau niên độ (73 tỷ), điều chỉnh giảm thù lao HĐQT và BKS (3,6 tỷ) và điều chỉnh nghiệp vụ hạch toán trong niên độ.

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2023 cũng điều chỉnh tăng 80,12 tỷ đồng lên tới 276,09 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản mục chi phí thuế TNDN cũng được điều chỉnh tăng thêm 13,5 tỷ đồng lên mức 109,14 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời được điều chỉnh tăng thêm 66 tỷ đồng lên 157,39 tỷ đồng.

1.png
Giải trình biến động trên BCTC riêng năm 2023

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời cũng điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu chính. Cụ thể, công ty điều chỉnh giảm 19,43 tỷ đồng ở các khoản giảm trừ doanh thu và giá vốn hàng bán 15,76 tỷ đồng, chủ yếu do loại trừ phần chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bán hàng trong nội bộ tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC hợp nhất tự lập.

Năm 2023, Lộc Trời điều chỉnh giảm 315,28 tỷ đồng ở Mục lợi nhuận từ các công ty liên kết do việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC hợp nhất tự lập và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn. Việc điều chỉnh giảm về giá trị hợp lý của Lộc Nhân tại ngày mua đến từ việc đánh giá lại khả năng thu hồi của các khoản phải thu và hàng tồn kho. Sau một thời gian làm việc với các khách hàng, đối tượng phải thu của Lộc Nhân và hoàn tất quá trình kiểm kê hàng tồn kho, Lộc trời quyết đinh giảm giá trị hợp lý của các khoản phải thu và hàng tồn kho phù hợp với các hướng dẫn của Chuẩn mực.

Đơn vị kiểm toán yêu cầu Lộc Trời điều chỉnh giảm 76,96 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, xuống còn 641 tỷ đồng trên BCTC hợp nhất năm 2023, tương ứng với sự điều chỉnh chỉ tiêu này ở BCTC riêng.

2.png
Giải trình biến động trên BCTC hợp nhất năm 2023

Với các điều chỉnh này dẫn tới lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Lộc Trời bất ngờ giảm 233,82 tỷ đồng, xuống còn 149,94 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng xuống còn 16,49 tỷ đồng, trong khi BCTC tự lập ghi nhận lợi nhuận 265 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2023 là năm kinh doanh khởi sắc của Tập đoàn Lộc Trời với doanh thu đạt mốc kỷ lục 16.088 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 150 tỷ đồng. Từ năm 2022, tập đoàn đã tăng sở hữu tại một doanh nghiệp và tái cấu trúc để nhanh chóng mở rộng thị phần, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp hiện thực cam kết mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong các năm tới. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp này khiến phát sinh các chi phí đáng kể, trong khi thu nhập lãi chưa được phản ánh đầy đủ vào kết quả hợp nhất, dẫn tới có sự sụt giảm về lợi nhuận trên Báo cáo tài chính hợp nhất.

Năm 2023 tổng doanh thu của Lộc Trời tăng 38%, cán mốc kỷ lục 16.088 tỷ đồng

Ban lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời vừa có báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2023 và đưa ra định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn năm 2024-2025.

Năm 2023, tình trạng bất ổn về chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới dẫn đến sự bất ổn về kinh tế, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu gây ra lo ngại về an ninh lương thực trong và ngoài nước, tỷ giá hối đoái và lãi suất biến động liên tục… khiến các doanh nghiệp chịu thêm nhiều áp lực. Từ cuộc xung đột Nga – Ucraine, cùng với lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ Ấn Độ áp dụng lập tức từ ngày 20/7/2023, giá lúa tươi tại Việt Nam tăng phi mã, cao điểm lên tới trên 10.000 đồng/kg lúa, tăng gần 50% so với giá từ tháng 6/2023, khiến hầu hết các doanh nghiệp lúa gạo đều lao đao do ký hợp đồng xuất khẩu trước. Thêm vào đó, ảnh hưởng nặng nề bởi El Nino khiến thời tiết khô hạn, ít dịch bệnh, các công ty vật tư nông nghiệp không thể phát huy thế mạnh của mình.

Trong bối cảnh khó khăn, Tập đoàn Lộc Trời vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu năm 2023 đạt mức kỷ lục 16.088 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm 2022. Sự tăng trưởng ấn tượng này là nhờ sự đóng góp chủ yếu của lĩnh vực lương thực với hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu. Kết quả này góp phần giúp Lộc Trời hiện thực nhanh hơn lộ trình cam kết doanh thu cán mốc 1 tỷ USD, tương đương 25.000 tỷ đồng vào năm 2024-2025.

3.png
Cơ cấu doanh thu của Lộc Trời năm 2022-2023

Năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời vẫn cố gắng duy trì được mức lợi nhuận gộp 15,4%, giảm so với mức 18,4% của năm 2022, chủ yếu do biên lợi nhuận của ngành lương thực. Dù vậy, đây là kết quả tương đối khả quan so với các doanh nghiệp cùng ngành. Biên lợi nhuận của ngành lương thực luôn ở mức thấp chỉ từ 2-3% dù tỷ lệ đóng góp vào doanh thu cao nhất (chiếm tới 70%).

Ngành vật tư nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ cột của Tập đoàn Lộc Trời. Nhất là từ năm 2022, tập đoàn đã dần chuyển đổi từ nhà phân phối sang nhà sản xuất, phát huy sức mạnh nội tại, khởi thuỷ của tập đoàn. Doanh thu có giảm nhẹ nhưng Lộc Trời đang củng cố, nâng cao chất lượng, số lượng bộ sản phẩm mang thương hiệu riêng, đẩy mạnh tiêu thụ và chiếm thị phần lớn. Biên lợi nhuận gộp của ngành vật tư nông nghiệp duy trì tốt cao hơn các năm trước ở mức 52%.

Nhiều năm gần đây, Lộc Trời duy trì được hiệu quả hoạt động ổn định với EBITDA luôn trên mức 1.000 tỷ đồng và tăng trưởng cao so với các năm trước. Doanh thu năm 2023 tăng cao so với năm trước nhưng EBITDA chỉ tăng nhẹ do trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm với xu hướng tăng mạnh ngành lương thực để làm nền tảng cho các ngành khác trong chuỗi dịch vụ nông sản.

Đặc biệt, khi giá lúa gạo xuất khẩu tăng cao trong năm 2023, Lộc Trời vẫn giữ vững cam kết mua lúa với giá thị trường cho bà con nông dân trong vùng liên kết sản xuất, giữ đúng hẹn giao hàng cho đối tác xuất khẩu. Đây là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận và EBITDA không tăng cùng tốc độ với doanh thu như dự kiến.

Hơn nữa, tập đoàn duy trì nguồn nợ ngắn hạn lớn để tài trợ cho các hoạt động thu mua lúa gạo của nông dân ở các vùng liên kết. Do đó, Lộc Trời chịu ảnh hưởng đáng kể khi chi phí tài chính tăng cao, nhất là chi phí lãi vay tăng mạnh tới 582 tỷ đồng năm qua, khiến lợi nhuận trước thuế giảm hơn 400 tỷ đồng so với năm 2022.

Triển vọng hoạt động kinh doanh tích cực khi Lộc Trời nhận được rất nhiều đặt hàng gạo các loại với số lượng lớn, xuất trong năm. Mới đây, ngày 3/4/24, Tập đoàn Lương Thực Quảng Châu đã ký Hiệp định khung hợp tác với Lộc Trời, theo đó Lộc Trời trở thành đối tác cung ứng gạo với quy mô từ 100.000 tấn và tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Đồng thời mở rộng và không ngừng nâng cao mức độ hợp tác trên các lĩnh vực mà cả hai cùng có ưu thế như mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ nông sản...

Bên cạnh đó, Lộc Trời còn là đối tác được ưa thích của các định chế tài chính quốc tế như FMO, DEG.. cùng các tổ chức về phát triển bền vững tại châu Âu như SAP, SNV… để đồng hành cùng tập đoàn trong hành trình phát triển bền vững vì nông dân, vì nông nghiệp. Đây là động lực và cũng là áp lực để Lộc Trời không ngừng cố gắng.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục tăng 31% so với cuối năm 2022 lên tới 11.468 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng 81%, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn tăng lên 6.517 tỷ đồng, song hàng tồn kho giảm nhẹ xuống 1.969 tỷ đồng, hầu hết đều là thành phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh.

Lộc Trời cho biết, các khoản phải thu đáng kể là hơn 1.400 tỷ đồng từ bên liên quan là Công ty Lộc Nhân- đây là một mảnh ghép quan trọng trong quá trình phát triển của Lộc Trời. Sự xuất hiện của Lộc Nhân giúp Lộc Trời có thể rút ngắn ít nhất 5 năm trong lộ trình trở thành công ty lúa gạo hàng đầu trong khu vực. Năm 2023, Lộc Trời đã tăng cường nguồn lực để tái thiết Lộc Nhân, quản trị hệ thống và chuyên nghiệp hơn, từ đó sự kết hợp này sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững của Tập đoàn Lộc Trời trong nhiều năm tới.

Về nguồn vốn, tập đoàn đang duy trì cơ cấu vốn chủ yếu bằng nguồn nợ ngắn hạn để tài trợ cho các hoạt động thu mua lúa gạo, tỷ trọng nợ dài hạn rất nhỏ. Dư nợ vay ngắn hạn đến cuối năm 2023 là 6.288 tỷ đồng, tăng 66% so với cuối năm 2022.

Về định hướng hoạt động năm 2024-2025, với nền tảng hoạt động kinh doanh cốt lõi và tăng trưởng cao ở ngành lương thực, vật tư nông nghiệp và EBITDA, Lộc Trời sẽ nỗ lực và quyết tâm chinh phục mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD. Tập đoàn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu cao qua các năm, là minh chứng cho cam kết hiện thực hoá các mục tiêu kinh doanh với cổ đông và đối tác khách hàng.

Tập đoàn sẽ chú trọng cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh với việc rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, giúp thanh toán tiền mua lúa gạo của nông dân và thanh toán công nợ. Năm 2024, tập đoàn sẽ tăng cường doanh số ngành vật tư nông nghiệp, tăng doanh số ngành Giống.

Đồng thời, Tập đoàn sẽ cân đối cán cân tài chính vốn để đảm bảo hài hoà cơ cấu vốn, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Về hoạt động đầu tư và phát triển, Lộc Trời đang lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng nhà mấy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An. Dự án này đã có giấy phép đầu tư, mặt bằng sạch. Khi nhà máy đi vào hoạt động, tập đoàn phấn đấu nâng mục tiêu tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày vào năm 2028.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu kỷ lục 16.088 tỷ đồng, mục tiêu chinh phục mốc 1 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO