Thành công và thách thức của hệ thống ngân hàng

Ngọc Lan - Phan Mai - Phạm Hiếu| 30/01/2019 10:44
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trân trọng giới thiệu cùng độc giả những nội dung trao đổi cùng các chuyên gia kinh tế

Nhân dịp năm mới 2019, trao đổi với Tạp chị Thị trường Tài chính Tiền tệ, các chuyên gia kinh tế đều đánh giá cao và ghi nhận những kết quả ngành Ngân hàng đã làm được trong năm 2018, đặc biệt là thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - một nhân tố trụ cột của ổn định vĩ mô. Đồng thời, chỉ ra một số thách thức cũng như vấn đề cần lưu tâm trong năm mới để ngành Ngân hàng có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB)

Chính sách tiền tệ của NHNN đã phát huy hiệu quả tích cực

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công rất lớn góp phần thực hiện 2 mục tiêu lớn của nền kinh tế là kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, chính sách tiền tệ linh hoạt do NHNN xây dựng và điều hành trong năm 2018, cùng sự phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã phát huy hiệu quả tích cực.

Điều này thể hiện rõ nét: Về kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,54% so với năm ngoái, đạt mục tiêu dưới 4% do Quốc hội đề ra; Về tăng trưởng kinh tế, GDP 3 quý đầu năm tăng 6,98% -  mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Và GDP cả năm 2018 đạt vượt mục tiêu đề ra đạt 7,08%. Những chính sách tiền tệ khác của NHNN về cung tiền, ngoại hối và việc quản lý ngân hàng cũng thực hiện  thành công.

NHNN đã hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, giúp các ngân hàng tăng trưởng về tín dụng. Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đặt ra 17% nhưng từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng thấp hơn những năm trước. Với việc NHNN giới hạn tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm nay khó có thể đạt được như năm ngoái. Bởi có những ngân hàng chỉ tiêu tín dụng thấp, chỉ từ 10-11%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu chung là 17%. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận với những ngân hàng này sẽ khá khó khăn vì lợi nhuận bao giờ cũng đi kèm với việc tăng trưởng tín dụng mà phần lớn thu nhập của các ngân hàng, lãi của các ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng.

Về lãi suất, NHNN mới đạt được một phần mục tiêu nhưng không hoàn toàn được như mong muốn là hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống. Trong khi đó, lãi suất huy động đã nhích tăng. Việc tăng lãi suất này, bên cạnh nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng dần tăng dịp cuối năm, còn do các ngân hàng phải huy động vốn để tăng tính thanh khoản, “nuôi” nợ xấu.

Năm 2018, chính sách điều hành của NHNN đã duy trì được sự ổn định của đồng Việt Nam (VND). VND mất giá so với đôla (USD) trong khoảng 3%. Tuy nhiên, điều hành tỷ giá trong năm 2019 là chuyện không dễ. Bởi có nhiều yếu tố tác động đến tỷ giá.

Theo tôi, trong điều hành tỷ giá, NHNN có thể chủ động sử dụng công cụ dự trữ quốc gia để can thiệp vào thị trường ngoại hối hay tỷ giá trung tâm ấn định mỗi ngày. Đồng thời, NHNN vừa là cơ quan điều hành, vừa là một thành phần của thị trường để có thể mua bán tác động đến tỷ giá.

Nhưng bên cạnh những yếu tố chủ động có thể làm được đó, còn những yếu tố ngoại lai không nằm trong sự kiểm soát của NHNN như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng ảnh hưởng tới giá trị USD dẫn tới tác động áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá sâu so với USD và mất giá so với VND cũng sẽ khiến cho nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng tác động tới nền kinh tế Việt Nam bên cạnh các yếu tố nội tại của bản thân nền kinh tế.

Cá nhân tôi cho rằng việc điều hành chính sách trong năm 2019 của NHNN sẽ gặp nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Tăng vốn chủ sở hữu cho các NHTM là thách thức với hệ thống ngân hàng

Trong năm 2018, tỷ giá USD/VND đã bị áp lực lớn bởi FED điều chỉnh tăng lãi suất, đồng CNY mất giá. Nhưng nhờ chính sách điều hành tỷ giá của NHNN nên VND chỉ lên giá khoảng 2,5% so với 8 đồng tiền trong rổ tiền tệ (USD, EUR, CNY, THB, TWD, SGD, JPY, KRW). Cách điều hành tỷ giá linh hoạt, không gắn chặt với đồng USD hoặc lên giá với đồng CNY nhưng cũng không lên giá quá nhiều so với bình quân với rổ 8 đồng tiền tệ là cách điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, ổn định trong nước, không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhập khẩu cũng như xuất khẩu nước ta.

Trong những tháng cuối năm, lãi suất trên thị trường đã có dấu hiệu tăng, do các ngân hàng huy động tiền gửi các kỳ hạn dài. Mặc dù đây chỉ mang tính chất thời vụ cuối năm nhưng cũng là dấu hiệu để lãi suất sẽ có thể điều chỉnh tăng trong năm 2019. Tín hiệu này gắn với quá trình tăng lãi suất của FED.

Sau khi FED tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018, năm 2019, FED sẽ có thể chỉ tăng 2 lần. Như vậy, theo lộ trình đến cuối năm 2019, lãi suất chính sách của FED sẽ ở mức khoảng 3%.

Theo tôi, áp lực đối với Việt Nam sẽ là tăng lãi suất chính sách. Trong năm 2019, lãi suất có thể tăng lên, phụ thuộc vào các chính sách lãi suất của FED và Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất để đảm bảo giá trị đồng tiền nội tệ không mất giá.

Một điểm đáng chú ý là việc ban hành Thông tư 13 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đây là văn bản đạt chuẩn mực quốc tế về quản trị nội bộ, góp phần giúp các NHTM hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.

Thách thức đối với hệ thống ngân hàng hiện nay là tăng vốn sở hữu cho các NHTM. Xử lý nợ xấu tốt hay chưa tốt mà vốn ít thì ngân hàng sẽ vẫn yếu. Vấn đề là phải tăng được vốn các ngân hàng đến năm 2020 để áp dụng Basel II. Có cơ chế khuyến khích cho các ngân hàng đạt chuẩn Basel II như VCB, VIB, OCB đã làm được. Có chính sách khuyến khích các NHTM tích cực tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp các ngân hàng khỏe hơn.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright

Thách thức của năm 2019 đối với chính sách tiền tệ là không hề nhỏ

Có thể nói năm 2018, NHNN cũng như Chính phủ đã khá thành công trong việc theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định thị trường tiền tệ. Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt ở mức dưới 4%, độ lệch chuẩn của lãi suất thấp hơn nhiều so với những năm trước đây, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2,5% phù hợp với chênh lệch lạm phát giữa VND với USD (điều kiện PPP), tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức phù hợp, qua đó giúp ổn định mặt bằng lãi suất, duy trì điều kiện ngang bằng lãi suất và tỷ giá hối đoái (IRP).

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, dòng vốn quốc tế ngày càng năng động, trước các biến động của dòng chảy thương mại và thị trường tài chính toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng với các lần tăng lãi suất của FED, thị trường tiền tệ trong nước vẫn cơ bản duy trì tính ổn định khá tốt, mặc dù có những thời điểm xảy ra những dao động nhất định nhưng nhìn chung là không có nhiều xáo trộn lớn trên thị trường ngoại tệ như đã từng xảy ra phổ biến trước năm 2016.

Tỷ giá VND so với USD được điều chỉnh giảm khoảng 2,5% kể từ đầu năm trong điều kiện đồng tiền của nhiều quốc gia như real của Brazil, rupee của Ấn Độ hay kể cả nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá khá mạnh. Nếu nhìn ở góc độ mục tiêu ổn định tỷ giá thì có thể nói Chính phủ và NHNN đã khá thành công.

Trong khi mức độ giảm giá của VND chỉ tương đối nhưng cán cân thanh toán vẫn đạt thặng dư kép, đặc biệt cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đến 6,8 tỷ USD trong 11 tháng; tích lũy ngoại tệ tiếp tục tăng đạt trên 63 tỷ USD, tương đương gần 13 tuần nhập khẩu, giúp củng cố năng lực bình ổn tỷ giá và cán cân thanh toán của NHNN.

Tuy vậy, thách thức của năm 2019 đối với chính sách tiền tệ là không hề nhỏ. Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn rất khó lường, dấu ấn của nó sẽ đậm nét hơn trong năm 2019. Theo ước tính của IMF (10/2018), GDP của thế giới sẽ giảm 0,4% do cuộc chiến thương mại này. Nền kinh tế Mỹ dù chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến nhưng động lực tăng trưởng từ phía bên trong vẫn rất lớn, tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục giảm sâu dưới 3,7% và lạm phát có thể đẩy lên mức trên 2,5%. Nếu điều này xảy ra, FED có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2019. Điều này có khả năng gây sức ép lên sự dịch chuyển dòng vốn vào, áp lực tỷ giá và lãi suất buộc NHNN phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Một số ngân hàng sẽ có thể có nhiều thời điểm rơi vào khó khăn thanh khoản, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, yếu kém đang tái cơ cấu; sức ép tâm lý và sự kỳ vọng của thị trường sẽ có nhiều thời điểm gây bất lợi lên hoạt động của hệ thống ngân hàng và thách thức năng lực điều hành chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng không quá nhanh sẽ giúp kiểm soát tốt chất lượng tín dụng và nợ xấu, tuy nhiên rủi ro phân bổ sai lệch dòng vốn vào các thị trường tài sản vẫn rất lớn. Ngoài ra, các điểm nghẽn cố hữu của hệ thống ngân hàng, năng lực quản trị rủi ro và nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục phải được giải quyết gấp rút trong năm 2019.

Tin tốt là, thặng dư của cán cân thương mại hàng hóa những năm gần đây chủ yếu nhờ các cải thiện về mặt cơ cấu hơn là tỷ giá, do vậy việc tiếp nối các cải cách này sẽ giúp duy trì sự thặng dư trong năm 2019. Không gian tài khóa được cải thiện cũng góp phần giảm áp lực cho chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, việc nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực sẽ là một hấp lực để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước nước ngoài một cách vững chắc, qua đó tiếp tục có thêm tích lũy ngoại tệ và cải thiện năng lực bình ổn cán cân thanh toán.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh doanh (BDI)

Cần có quyết tâm chính trị trong tái cơ cấu ngân hàng

Có thể thấy, tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, những khó khăn cũng không ít. Thứ nhất, các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) yếu kém chưa thực sự phục hồi như mong muốn. Thứ hai, các chuẩn mực về quản trị ngân hàng trên thế giới tiến rất nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Việt Nam ngày càng bị bỏ xa, khiến mục tiêu cải cách lần thứ hai nặng nề hơn. Thứ ba, công nghệ ngân hàng đang phát triển như vũ bão, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, tái cơ cấu ngân hàng 2 năm vừa qua hơi chậm, song cũng đã thu được nhiều thành tựu. (i) Nợ xấu đã giảm nhanh. Trước đây, báo cáo của các tổ chức nước ngoài đều cho rằng, nợ xấu của Việt Nam ở mức 14-15%, nhưng hiện nay, theo đánh giá của họ, nợ xấu của Việt Nam đã giảm rõ rệt. Đây là tiến bộ nổi bật nhất của tái cơ cấu giai đoạn II. (ii) Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được giữ vững. Điều này cho thấy, các ngân hàng đã có kinh nghiệm quản lý thanh khoản, đồng thời cách thức điều hành thanh khoản của NHNN cũng vững vàng, thành công hơn. (iii) An toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng nhìn chung được cải thiện, ngoại trừ các NHTMCP có vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn tăng vốn. (iv) Quản trị của nhiều ngân hàng đã cải tổ đáng kể, nhiều ngân hàng đã bắt đầu áp dụng chuẩn mực quản trị quốc tế Basel II…(v) Khả năng sinh lời của các ngân hàng trong 2 năm vừa rồi rất đáng khen ngợi. Có ngân hàng từng đứng bên bờ sụp đổ, nay đang dẫn đầu về khả năng sinh lời. Khả năng sinh lời cải thiện đã tạo thế và lực mới cho ngành ngân hàng, góp phần tăng sức chống chọi của hệ thống trước các cú sốc tài chính từ bên ngoài, cũng như cải thiện căn bản khả năng xử lý nợ xấu. Nếu không vì gánh nặng nợ xấu cũ để lại, đa phần ngân hàng thời gian gần đây đều có lãi. 

Một trong những “nút thắt” trong tái cơ cấu ngân hàng ở Việt Nam là sự vào cuộc và quyết tâm chính trị ở một số cấp, ngành chưa thật quyết liệt. Vẫn còn đâu đó những né tránh, e ngại trách nhiệm cá nhân khiến cho việc phê duyệt, triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu còn ách tắc, chậm trễ.    

Theo tôi, tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau: Thứ nhất, cần giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô làm “bà đỡ” cho tái cơ cấu ngân hàng, nhất là giữ vững thanh khoản hệ thống. Thứ hai, phải tiếp tục khai thác những lợi thế có được từ quy định pháp lý mới là Nghị quyết 42 và Luật bổ sung sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đặc biệt là 3 điểm quan trọng gồm quyền thu giữ tài sản của chủ nợ, thủ tục tố tụng rút gọn và thoái dần lãi dự thu. Thứ ba, cần có ngay biện pháp tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước. Thứ tư, coi phát triển công nghệ là nhiệm vụ cốt tử của hệ thống ngân hàng. Năm 2016, khi tôi đến một chi nhánh ngân hàng bán lẻ lớn nhất Tây Ban Nha, họ có 96 nhân viên, nhưng hiện tại, chi nhánh này chỉ còn 3 nhân viên, do họ áp dụng công nghệ. Thứ năm, đào tạo nhân lực ngân hàng hiện nay đang rất kém và cần một cuộc cách mạng thực sự, đào tạo theo hướng số hóa. Thứ sáu, cần chấm dứt ngay kiểu quản trị gia đình tại các ngân hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành công và thách thức của hệ thống ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO