Thị trường Tiền tệ châu Á trải qua quý tồi tệ nhất kể từ năm 1997

Quỳnh Dương| 03/07/2022 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đà tăng chóng mặt của đồng USD đã khiến thị trường tiền tệ châu Á trải qua quý tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và tạo ra tình thế khó xử cho các ngân hàng trung ương trong khu vực này.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã “vật lộn” với tình trạng lạm phát tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, buộc họ phải đối mặt với những lựa chọn: phải tăng lãi suất để bảo vệ thị trường tiền tệ song có nguy cơ làm tổn hại đến tăng trưởng, sử dụng kho dự trữ đã mất nhiều năm để tích luỹ hay đơn giản là từ bỏ và để thị trường phản ứng một cách tự nhiên.

Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index - chỉ số so sánh giá trị đồng tiền của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, 2 khu vực Hồng Kông, Đài Loan và một số nước lớn trong khu vực Đông Nam Á với đồng USD - giảm 4,8% trong quý II/2022, mức giảm cao nhất ghi nhận được kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á gần 25 năm trước. Ngay cả vào quý III/2008, khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, mức giảm chỉ số này cũng chỉ ở mức 4,1%.

Cùng với đó, Bloomberg cho rằng, các ngân hàng trung ương khu vực châu Á có phần “chậm chạp” so với các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi khu vực khác trong việc tăng lãi suất khi phải “bận rộn” tìm cách thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Đồng thời lập trường chính sách “kiên nhẫn hơn” cũng đang đè nặng lên đồng nội tệ của các nước trong khu vực này khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất.

Bà Eugenia Victorino, người đứng đầu bộ phận chiến lược châu Á tại Skandinaviska Enskilda Banken AB, Singapore, nhận định, các ngân hàng trung ương khu vực châu Á đang rơi vào tình thế khó có thể thắt chặt chính sách hơn nữa trong bối cảnh sự phục hồi sau đại dịch vẫn chưa hoàn tất còn “bóng ma” suy thoái kinh tế thì đang ở phía trước nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Đồng bạc xanh mạnh lên khiến bức tranh thêm phức tạp. Áp lực thắt chặt tiền tệ đè nặng lên các nhà quản lý khi đồng nội tệ yếu đi làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát nhập khẩu”, bà Eugenia Victorino nhấn mạnh.

Giá trị tiền tệ châu Á quý II/2022 giảm sâu nhất kể từ năm 1997.

Đồng won của Hàn Quốc ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục trong 11 năm, trong khi đồng peso của Philippines vừa trải qua quý tồi tệ nhất trong vòng 14 năm. Trong khi đó tại Ấn Độ, ngân hàng trung ương nước này đang chiến đấu trên nhiều mặt trận để làm chậm lại đà lao dốc của đồng rupee xuống mức đáy mới.

Mặc dù khó nhưng trong báo cáo mới đây của Morgan Stanley, các nhà phân tích đến từ ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ cho rằng, việc đồng nội tệ mất giá vẫn có thể khiến các ngân hàng trung ương khu vực châu Á thắt chặt chính sách thêm. Động thái tăng lãi suất sẽ được tiếp tục khi lạm phát được dự báo vẫn còn tăng.

Các ngân hàng trung ương châu Á đã chi hàng tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối để kìm hãm đà sụt giảm của đồng nội tệ. Kho dự trữ ngoại hối của Thái Lan và Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 khi các quan chức cam kết nỗ lực ngăn chặn biến động của đồng nội tệ mà vẫn giữ nguyên lãi suất.

Trong khi đó, các nhà chức trách của Hàn Quốc đã bán ròng 8,3 tỷ USD dự trữ để giảm bớt sự suy yếu của đồng won trong quý đầu tiên năm nay, theo dữ liệu được nước này công bố hôm 30/6.

Đồng nội tệ nhiều nước tại châu Á mất giá mạnh trước chính sách thắt chặt của FED.

Châu Á đang ở một vị thế mạnh mẽ hơn nhiều so với thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 và thời kỳ “Taper Tantrum” năm 2013. Các ngân hàng trung ương trong khu vực đã tích lũy được hàng nghìn tỷ USD dự trữ trong nhiều năm qua. Các nhà chức trách của Ấn Độ đã xây dựng được một kho dự trữ ngoại hối gần 600 tỷ USD, trong khi kho dự trữ của Hàn Quốc đã vượt quá 400 tỷ USD.

Nhưng điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra đối với đồng tiền của các quốc gia châu Á khi FED đã phát đi tín hiệu sẽ có một đợt tăng lãi suất thêm 0,75% nữa trong tháng 7.

Goldman Sachs cảnh báo, các đồng tiền có lợi tức cao như đồng rupee của Ấn Độ hay đồng rupiah của Indonesia có thể lao đao thêm trong bối cảnh tình hình tài chính bên ngoài xấu đi và khi FED thắt chặt tiền tệ thúc đẩy tâm lý tránh rủi ro.

“Để an toàn, ngay cả khi đồng nội tệ mất giá, các ngân hàng trung ương trên toàn khu vực khó lòng chạy đua tăng lãi suất như các đợt tăng lãi suất của FED. Dự trữ ngoại hối vẫn còn nhiều và có khả năng sẽ tiếp tục được sử dụng để đối phó với sự biến động quá mức trên thị trường tiền tệ”, Miguel Chanco, nhà kinh tế tại Pantheon Macroeconomics cho biết.

Theo Theo Bloomberg
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường Tiền tệ châu Á trải qua quý tồi tệ nhất kể từ năm 1997
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO