Thiệt hại hơn 10 tỷ USD/năm do ô nhiễm không khí: Phải có giải pháp tài chính đủ mạnh!

Thanh Thanh| 15/01/2020 16:09
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Không chỉ đe dọa sức khỏe con người, ô nhiễm không khí (ÔNKK) đang gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế khi hàng năm Việt Nam thiệt hại 4- 7% GDP… Nhiều giải pháp được các nhà khoa học đưa ra cho vấn đề đang rất đáng lo ngại này…

Vấn đề được đề cập tại Tọa đàm đối thoại chính sách: "Tổn thất kinh tế của ÔNKK và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm" do Trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức hôm qua, 14/1.

Báo động chất lượng không khí

TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng cục Trưởng - Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Hội không khí sạch Việt Nam - chia sẻ thông tin tại tọa đàm

TS. Hoàng Dương Tùng (Nguyên Phó Tổng cục Trưởng - Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Hội không khí sạch Việt Nam) mở đầu cho tham luận tại tọa đàm bằng câu hỏi về cảm nhận của mọi người về tình hình ÔNKK ngay tại thời điểm hiện tại và đều nhận được những cái gật đầu xác nhận. Trình chiếu bản đồ đo độ ÔNKK (AQI) rực màu cam, màu đỏ, thậm chí có cả mầu tím (mức độ cảnh báo  nguy hiểm), chuyên gia này cho biết “Ngày hôm nay mức độ ô nhiễm không khi có nặng hơn ngày hôm qua”.

Không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, các tỉnh như Việt Trì, Thái Nguyên…, “bản đồ” ô nhiễm cũng bắt đầu rực rỡ…”. Năm 2019, tần suất các ngày ô nhiễm nhiều hơn, mức độ nặng hơn năm 2018. Thậm chí có những ngày tím ngắt…”- ông Tùng lo ngại.

Đặc biệt, những ngày gần đây, mức độ ô nhiễm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang vượt chuẩn. Không khí ô nhiễm, cộng khói bụi khiến người dân không khỏi lo lắng và dẫn đến những bất ổn về kinh tế, xã hội.

Phân tích nguyên nhân gây ô nhiễm, theo vị chuyên gia này, có đến 60%  từ giao thông, đó là nguồn khí thải động cơ. Đáng ngại là khí thải từ xe máy không được kiểm soát. Ngoài ra còn từ các nguồn thải điểm (xi măng, thép, nhiệt điện, hóa chát, mỏ…); hoạt động xây dựng: đốt; ô nhiễm từ các làng nghề…

Thiệt hại về kinh tế hơn 10 tỷ USD/năm

Kết quả nghiên cứu về tổn thất, thiệt hại kinh tế từ ÔNKK do trường ĐKKDQD  theo đuổi trong gần 10 năm nay cho kết quả: năm 2018, thiệt hại về kinh tế của ÔNKK tại Việt Nam lên tới 10,82 – 13,63 tỷ USD, tương đương với 4,45%- 5,64% GDP.

Theo PGS-TS Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, ĐHKTQD,  lượng giá thiệt hại kinh tế do ÔNKK tại Việt Nam đo theo chi phí phúc lợi xã hội, mức độ sẵn sàng chi trả của người dân để giảm rủi ro chết do ÔNKK thông qua rất nhiều cuộc điều tra khác nhau.

Theo công bố năm 2018, Việt Nam có chỉ số EPI (chỉ số tổng hợp để đánh giá vị trí về chất lượng môi trường) xếp thứ 132/180. Trước đó năm 2012, chỉ số EPI của VN xếp 79/132; năm 2016 là 131/178 quốc gia.

Cũng theo PGS-TS Trường, trong chỉ số EPI gồm 10 chỉ số thành phần được xếp thành 2 nhóm, nhóm thứ nhất là sức khoẻ môi trường và nhóm thứ hai là chỉ số bền vững của hệ sinh thái. Đây là những chỉ số liên quan đến ÔNKK, chất lượng của môi trường không khí và mức độ ÔNKK. Nếu xếp hạng ở các chỉ số liên quan đến ÔNKK thuộc hai nhóm chỉ số này thì năm 2018 Việt Nam đang xếp ở 159 - 161 trên thế giới.

“Các chỉ số này cho thấy, nếu so sánh với chính chúng ta thì chất lượng môi trường không khí Việt Nam đang tụt hậu và nếu so sánh với thế giới thì Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí”, PGS-TS Trường nói.

Giải pháp phải đủ mạnh

Theo các chuyên gia, ÔNKK không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề quản lý, trong đó những góc nhìn kinh tế và bản chất kinh tế của ÔNKK cần được xem xét phân tích, nhìn nhận để lồng ghép vào các công cụ, chính sách quản lý hướng tới một môi trường trong lành an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị, hướng tới sự bền vững. 

PGS-TS Đinh Đức Trường nhận định, trong những năm qua, chính sách phát triển kinh tế đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng nhìn chung vẫn thiên về “tiếp cận kinh tế nâu”. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so với tiêu thụ năng lượng (giai đoạn 2006- 2014 tiêu thụ năng lượng tăng 12- 13% trong khi GDP tăng trung bình 6,5%; giai đoạn 2006- 2015 cường độ tiêu thụ năng lượng tăng đến 200%). Đặc biệt, vị chuyên gia này lo ngại có sự chuyển dịch ô nhiễm từ khu vực FDI khi các quốc gia phát triển đặt ra tiêu chuẩn và chi phí môi trường cao dẫn đến dòng vốn FDI dịch chuyển sang các nước có tiêu chuẩn và chi phí môi trường thấp, trong đó có Việt Nam.

Theo đề xuất của nhóm chuyên gia đến từ ĐHKTQD, trong tổng thể các giải pháp, thì cần lưu ý đến giải pháp về tài chính. Đó là nhà nước cần nghiên cứu đánh thuế carbon, phí ÔNKK, phát hành trái phiếu môi trường, thực hiện hợp tác công tư (PPP) - cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt cần bố trí nguồn kinh phí để chi cho giám sát và hệ thống xử phạt vi phạm; Đầu tư cho năng lượng sạch; Năng lượng tái tạo; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng; Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh…

“Nói thì dễ đưa vào chính sách thì rất khó, nhất là các giải pháp kinh tế thường động chạm đến con người…”- PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường phân vân. Theo vị chuyên gia này, thực ra chúng ta đã có công cụ kinh tế (như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, than; phí bảo vệ môi trường đối với khí thải…) nhưng trên thực tế còn nhiều bất cập; quy định về xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm cùng đã có nhưng thực tế việc xử phạt đối với các hành vi xả khí thải ra môi trường còn chưa kiểm soát được; Đặc biệt, việc sử dụng và phân bổ các nguồn thu từ ngân sách cho bảo vệ môi trường còn khá hạn chế…

Chuyên gia này cũng đề xuất một loạt các giải pháp ngắn hạn, dài hạn và không quên nhắc đến Nghị định 100 xử phạt vi phạm về nồng độ cồn và cho rằng trong lĩnh vực môi trường cần có một nghị định mạnh như vậy mới hy vọng có tác động ngay….

Dựa trên thống kể của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), ÔNKK không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề bất ổn về kinh tế-xã hội trên toàn cầu, đặc biệt là các thành phố lớn.

Ấn Độ điêu đứng khi ÔNKK cao hơn 50 lần mức độ cho phép; Thái Lan phải đóng cửa hơn 400 trường học… Tại Trung Quốc, ÔNKK từ khói bụi, trong đó có ôzôn và các hạt mịn đã tiêu tốn 267 tỷ NDT (38 tỷ USD) mỗi năm.

Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ÔNKK và chất lượng không khí. ÔNKK còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5 - 7% GDP). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt hại hơn 10 tỷ USD/năm do ô nhiễm không khí: Phải có giải pháp tài chính đủ mạnh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO