Sau khi công bố kế hoạch đóng 200 cửa hàng bán lẻ trong quý IV/2023, Thế Giới Di Động bất ngờ mở rộng sang dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản và hợp tác thu hộ bảo hiểm xã hội/bảo hiểm y tế.
Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) công bố vừa hợp tác với Viettel, cung cấp dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng tại hơn 2.200 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc.
Theo đại diện MWG, với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ở bất kể trong hay ngoài giờ hành chính, các ngày cuối tuần hay dịp lễ Tết với 40 ngân hàng được chấp nhận.
Bên cạnh dịch vụ chuyển tiền nhanh, cũng trong đợt này, MWG còn hợp tác cùng Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) để mở rộng các điểm thu phí bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Người đóng phí bảo hiểm có thể đăng ký tham gia mới hay gia hạn tại các điểm bán của chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 22/11. Theo lộ trình, dự kiến dịch vụ sẽ được mở rộng ra khắp 63 tỉnh thành toàn quốc trong quý I/2024.
Lấn sân sang lĩnh vực mới khi hoạt động kinh doanh cốt lõi bị thu hẹp
Việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực dịch vụ tài chính của MWG diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Tổng doanh thu tháng 10 dù tăng trưởng dương trở lại so với cùng kỳ nhưng lũy kế 10 tháng doanh thu thuần chỉ đạt 98.046 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tổng doanh thu lũy kế 10 tháng chỉ đạt 70.200 tỷ đồng, giảm đến 21% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ kinh doanh online của hai chuỗi này cũng chỉ đạt 13.300 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của MWG cho thấy, trong kỳ công ty chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 39 tỷ đồng, bằng 4,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế của công ty dừng lại ở con số 78 tỷ, giảm gần 98% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi doanh thu thuần chỉ giảm 16%, đạt 86.858 tỷ.
Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Đồng thời, trong thời gian qua công ty đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu nên lợi nhuận bị thu hẹp.
Với kết quả kinh doanh 9 tháng kém khả quan, MWG cho biết, trong quý IV/2023 sẽ đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc nhằm tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và chủ động thích ứng trước bối cảnh sức mua các sản phẩm ICT và CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) vẫn còn yếu.
Theo kế hoạch, công ty sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng trong quý cuối năm. Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận.
Trong buổi tiếp xúc với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MWG cho biết, những cửa hàng nào trước đây có doanh thu 3 tỷ đồng/tháng và có lãi nhưng nay chỉ còn 1,5 – 2 tỷ đồng/tháng thì chạm ngưỡng EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) tối thiểu. Như vậy, cửa hàng nào không đem tiền về thì MWG sẽ "xử lý" những cửa hàng đó.
"Cửa hàng nào hoạt động kém hiệu quả thì chúng tôi sẽ cắt giảm", ông Tài nói và khẳng định chỉ những cửa hàng đem lại hiệu quả mới được tập trung đầu tư và được sử dụng nguồn lực.
Theo báo cáo của MWG, tính đến cuối tháng 10, công ty đang vận hành 1.158 cửa hàng Thế Giới Di Động (giảm 7 cửa hàng so với cuối tháng 9), 2.281 cửa hàng Điện máy Xanh (giảm 5 cửa hàng).
Động lực tăng trưởng từ Bách Hóa Xanh cũng gặp thách thức
Trong bối cảnh mảng ICT của MWG dường như phải đối mặt với nhu cầu bão hòa, trong báo cáo mới đây, SSI Research nhận định động lực tăng trưởng của MWG sẽ phụ thuộc vào mảng bách hóa.
Doanh thu/tháng/cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt 1,7 tỷ đồng trong tháng 10, nhanh hơn kỳ vọng của SSI Research.Tuy nhiên, dù làm tốt về mặt doanh thu nhưng về mặt lợi nhuận Bách Hóa Xanh vẫn đang là "gánh nặng" lớn đối với MWG với số lỗ lũy kế lên đến gần 8.300 tỷ đồng từ năm 2016 đến hết quý III/2023 (8.100 tỷ còn có thể chuyển lỗ sang năm sau để bù trừ lợi nhuận trong vòng 5 năm kể từ ngày phát sinh khoản lỗ).
Trong quý IV/2023, SSI Research cho rằng có khả năng MWG vẫn ghi nhận khoản chi phí bất thường liên quan đến hoạt động tái cơ cấu hoạt động tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh trong năm 2022, do đó mảng bách hóa có thể không thể đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 về mặt lợi nhuận kế toán và phải sang nửa đầu năm 2024, Bách Hóa Xanh mới đạt điểm hòa vốn. Tính bình quân, mảng bách hóa vẫn sẽ lỗ 1,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 và đạt 441 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2024.
SSI Research nhận định việc Bách Hóa Xanh chưa đạt được điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 về mặt lợi nhuận ròng kế toán cũng có thể khiến các nhà đầu tư đã chờ đợi nhiều năm thất vọng.
Tương tự, với chuỗi nhà thuốc An Khang, chuỗi cửa hàng mẹ và bé Avakids hay chuỗi Erablue ở Indonesia dù doanh thu có cải thiện nhưng cũng đều đang chật vật tìm kiếm lợi nhuận. Trong đó, chuỗi nhà thuốc An Khang dù âm thầm tăng quy mô cửa hàng nhưng vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 553 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2023.
Với tình hình kinh doanh như hiện tại, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng quý IV/2023 của MWG ước đạt 334 tỷ đồng, có cải thiện so với mức 39 tỷ đồng trong quý III/2023 song vẫn giảm 46% so với cùng kỳ.
"Mặc dù công ty có thể công bố sự phục hồi so với quý trước, nhưng điều này phản ánh hiệu ứng thời vụ hơn là sự phục hồi nhu cầu thực tế", chuyên gia của SSI Research nhận định.