Ngày 19/11, tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam diễn ra phiên họp lần thứ hai của Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện.
Tham dự phiên họp có: ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổ Phó Tổ thường trực; ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Tổ Phó Tổ thường trực; ông Nguyễn Mạnh Cường, Văn phòng Chính phủ; đại diện 16 cơ quan, bộ, ngành; các đơn vị liên quan trong Ngân hàng Nhà nước.
Phát biểu khai mạc phiên họp, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổ Phó Tổ thường trực cho biết, giai đoạn vừa qua, các cơ quan, bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Thông báo kết luận cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo (diễn ra vào tháng 8/2022). Cuộc họp của Tổ Thường trực hôm nay nhằm mục đích điểm lại các kết quả đã triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại các cơ quan, bộ, ngành... theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao ngay sau phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.
Cũng theo ông Tô Huy Vũ, buổi họp cũng nhằm tiếp thu các ý kiến góp ý về Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2023; nêu bật những khó khăn/vướng mắc… Từ đó, Tổ Thường trực sẽ tập hợp làm nguyên liệu đầu vào cho cuộc họp sơ kết Ban Chỉ đạo diễn ra trong tháng 12/2024.
Giúp việc cho Ban Chỉ đạo quốc gia có Tổ Thường trực do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký quyết định thành lập, thành phần bao gồm:
1. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn – Tổ Trưởng phụ trách chỉ đạo chung về tài chính toàn diện (Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn thay thế cho Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, đã nghỉ hưu theo chế độ).
2. Giúp việc cho Tổ trưởng có 2 Tổ Phó là đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế và Viện Chiến lược Ngân hàng
3. Các thành viên gồm đại diện (cấp vụ hoặc tương đương) từ: các bộ, ngành cơ quan tham gia vào Ban Chỉ đạo nêu trên; các đơn vị liên quan trong Ngân hàng Nhà nước (15 đơn vị chuyên môn); Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Nhóm Công tác Tài chính Vi mô Việt Nam.
Ngoài ra, hỗ trợ cho Tổ Thường trực có Ban Thư ký gồm cán bộ chuyên môn của vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước, gồm: Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Vụ Thanh toán, Vụ Dự báo Thống kê và Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực về tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2021-2024 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2025 được trình bày tại phiên họp cho biết, thực hiện Quy chế hoạt động của Tổ Thường trực, Tổ đã chủ động tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; tham mưu cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Ngân hàng Nhà nước) có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; tham mưu tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo/tọa đàm với các chủ đề liên quan đến tài chính toàn diện phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo; triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục về ngân hàng – tài chính cho người dân, giúp người dân nâng cao hiểu biết về tài chính toàn diện.
Hoạt động hợp tác quốc tế cũng tích cực được triển khai. Với vai trò đầu mối tham gia làm thành viên Nhóm công tác ASEAN về tài chính toàn diện, Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước) đã phối hợp với các thành viên tích cực triển khai các sáng kiến/hoạt động thúc đẩy tài chính toàn diện tại khu vực, như: xây dựng các tài liệu hướng dẫn thực hiện để tăng cường hiểu biết tài chính số, hỗ trợ sáng kiến kết nối thanh toán khu vực ASEAN; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế (WB, VISA…); đẩy mạnh hợp tác song phương: Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với cơ quan quản lý tiền tệ/ngân hàng một số quốc gia triển khai kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR như Thái Lan (2022), Capuchia (2023).
Trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2023, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Tổ Phó Tổ thường trực cho biết, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan đã sớm xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược. Đến cuối năm 2023, có 11/12 cơ quan và 63/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược.
Báo cáo cho biết, hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại và phát triển hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các sản phẩm, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, chất lượng dịch vụ thanh toán không ngừng được cải thiện. Số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân trong năm 2023 đạt 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với năm 2022; thanh toán qua thẻ, Internet, điện thoại di động cũng tăng tương ứng 11,6%, 54,77%, 59,86% về số lượng và 17,72%, 6,50%, 12,73% về giá trị giao dịch; thanh toán bằng QR Code đã được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ với sơ lượng đạt 262,87 triệu giao dịch và 191,93 nghìn tỷ đồng.
Với các kết quả đạt được, ông Phạm Minh Tú cho biết, đa số các chỉ tiêu của Chiến lược đều được cải thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025, như: tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ và phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; tỷ lệ người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, có 3 chỉ tiêu chưa có cơ sở để đánh giá khả năng đạt được mục tiêu, bao gồm: số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại/100.000 người trưởng thành (đến hết năm 2023 đạt 15,69 chi nhánh, phòng giao dịch; trong khi Kế hoạch đề ra là 20); tỷ lệ xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (ngoại trừ Ngân hàng Hợp tác xã) trên tổng số xã trên toàn quốc; tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm so với GDP.
Riêng chỉ tiêu “ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng”: hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng các mẫu biểu để thu thập số liệu và tính toán chỉ tiêu này”, ông Phạm Minh Tú thông tin.
Tại cuộc họp, các thành viên đến từ các cơ quan, bộ, ngành đã phát biểu góp ý hoàn thiện Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2023, cũng như nêu bật những khó khăn/vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược.
Về định hướng kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực trong năm 2025, đại diện Tổ Thường trực cho biết, tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai công tác Sơ kết việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2020-2025; tổ chức đoàn khảo sát thực địa tại các địa phương, cơ quan liên quan nhằm nắm bắt tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược; tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược và nghiên cứu xây dựng Chỉ số tài chính toàn diện đa chiều cấp tỉnh.
Ngày 20/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược), với mục tiêu tổng quát là: “mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.
Tiếp đến, ngày 11/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1394/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về Tài chính toàn diện (Ban Chỉ đạo). Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Thủ tướng Chính phủ (Trưởng Ban); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Phó Trưởng Ban); đại diện lãnh đạo của 16 cơ quan, bộ, ngành (Văn phòng Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội; Đài truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước).