(thitruongtaichinhtiente.vn) - Qua 25 năm phát triển, vai trò của HHNH Việt Nam ngày càng được khẳng định: vừa là cầu nối, liên kết, hợp tác hỗ trợ các hội viên trong hoạt động để cùng phát triển; vừa là trợ thủ đắc lực cho việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico |
Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam) được thành lập năm 2012 trong bối cảnh yêu cầu cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu đang diễn ra mạnh mẽ. Khi đó, nhiều văn bản về pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng như xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, giao dịch bảo đảm... đang được sửa đổi, bổ sung. Chính vì vậy, việc đóng góp ý kiến của Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng là rất quan trọng.
Thông qua Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, HHNH Việt Nam đã tập hợp được các luật sư, tổ chức hội viên tham gia nghiên cứu, tổng hợp những bất cập, vướng mắc và xung đột pháp lý giữa các văn bản để phản ánh, kiến nghị các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp... xem xét giải quyết.
Có thể nói, HHNH Việt Nam làm tốt chức năng cầu nối giữa hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.
Bên cạnh đó, HHNH Việt Nam cũng tạo dựng được môi trường cho các tổ chức hội viên chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau thông qua các tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo từng lĩnh vực nghiệp vụ. Việc thành lập Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng là một ví dụ điển hình.
Qua 25 năm phát triển, vai trò của HHNH Việt Nam ngày càng được khẳng định: vừa là cầu nối, liên kết, hợp tác hỗ trợ các hội viên trong hoạt động để cùng phát triển; vừa là trợ thủ đắc lực cho việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN.
Để đồng hành và hỗ trợ cho các tổ chức hội viên, hoạt động của HHNH Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác liên kết, hợp tác, hỗ trợ các hội viên trong hoạt động kinh doanh.
Trong công tác phản biện chính sách, cần kịp thời tổng hợp những vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, tháo gỡ.