Nhìn ra thế giới

Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) ngay sau khi công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất sau COVID-19

Quỳnh Dương 25/09/2024 - 15:52

Ngày 25/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn trong một động thái phù hợp với các biện pháp nới lỏng chính sách mạnh tay nhất sau đại dịch COVID-19 được công bố trước đó một ngày nhằm củng cố nền kinh tế đang đình trệ.

Theo đó, PBoC thông báo cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn một năm (MLF) từ 2,3% xuống còn 2,0% với quy mô 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42,66 tỷ USD) cho một số tổ chức tài chính.

Bên cạnh đó, PBoC cho biết, lãi suất chào thầu ngày 25/9 dao động từ 1,90% đến 2,30% và tổng số dư của các khoản vay MLF hiện là 6.878 tỷ nhân dân tệ.

Việc lần đầu tiên PBoC tiết lộ lãi suất chào thầu cho thấy sự khác biệt về nhu cầu tài trợ trung và dài hạn giữa các tổ chức tài chính khác nhau, phù hợp với cam kết của ngân hàng trung ương về việc cải thiện tính minh bạch của chính sách tiền tệ. Kết quả đấu thầu MLF đã được công bố trước và tách biệt với các hoạt động thị trường mở, đồng thời cũng cho thấy sự khác biệt so với lãi suất repo đảo ngược 7 ngày, hiện đóng vai trò là lãi suất chính sách chính.

Động thái của PBoC cho phép "MLF trở lại vị trí của mình như một công cụ thanh khoản trung và dài hạn", tờ Financial News viết.

Ngoài ra, cũng theo thông tin từ PBoC, một số khoản vay MLF với tổng trị giá 591 tỷ nhân dân tệ đã đáo hạn trong tháng này.

Hôm qua, ngày 24/9, Bắc Kinh đã công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 để kéo nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ rơi vào vũng lầy suy thoái và quay trở lại mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ nước này đặt ra.

Gói kích thích này bao gồm lộ trình giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm 20 – 30 điểm cơ bảm đối với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR), cùng với một loạt lãi suất khác.

Cần lưu ý rằng, vào tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, lần đầu tiên sau 4 năm, qua đó kéo giảm áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ. Điều này giúp Trung Quốc có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Phan Công Thắng, việc cắt giảm dự trữ bắt buộc sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính.

Ngoài ra, PBoC cũng công bố gói hỗ trợ thị trường bất động sản, bao gồm giảm chi phí vay lên tới 5.300 tỷ USD cho các khoản thế chấp và nới lỏng các quy định về việc mua ngôi nhà thứ hai.

Frances Cheung, chiến lược gia về ngoại hối và lãi suất tại Ngân hàng OCBC, nhận định, trong tương lai, vẫn còn dư địa để PBoC tiếp tục thay thế thanh khoản MLF bằng thanh khoản do cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mang lại, xét đến lượng MLF đáo hạn lớn trong những tháng tới. Việc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn "làm cho cơ chế này phù hợp hơn với lãi suất huy động vốn" trên thị trường liên ngân hàng.

Ngoài ra, cùng ngày hôm nay, PBOC đã bơm thêm 196,5 tỷ nhân dân tệ thông qua các khoản tái đầu tư ngược trong 14 ngày và giữ lãi suất không đổi ở mức 1,85%.

Trong bản cập báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2024 vừa công bố , ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Trung Quốc ở mức 4,8%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5% mà chính phủ nước này đặt ra.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 cũng được duy trì ở mức 4,5%.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách nước này công bố gói kích thích muộn hơn so với kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên, đây vẫn được coi là tín hiệu tốt giúp vực dậy niềm tin của người dân, qua đó giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và sớm lấy lại đà tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) ngay sau khi công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất sau COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO