Báo cáo của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho biết, dự báo tăng trưởng năm nay của ASEAN cộng với 3 nền kinh tế – Trung Quốc và Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc – đã suy yếu từ 4,4% xuống 4,2%, “chủ yếu do những điều chỉnh đối với Trung Quốc và Việt Nam”.
AMRO đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc từ 5,3% xuống 5% và của Việt Nam từ 6,3% giảm nhẹ còn 6,2% trong báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 (AREO)” công bố ngày 3/10.
Và trong khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% năm 2024, thì tổng thể các nền kinh tế ASEAN+3 được dự đoán chỉ tăng trưởng 4,1%, báo cáo cho biết.
“Những diễn biến gần đây đã làm thay đổi bối cảnh rủi ro cho khu vực ASEAN+3”, kinh tế trưởng của AMRO Hoe Ee Khor cho biết. "Những điều chỉnh thị trường đột ngột nhưng ngắn hạn mà chúng ta chứng kiến vào đầu tháng 8 là lời nhắc nhở về rủi ro của những đợt tăng đột biến hơn nữa trong biến động của thị trường tài chính. Sự leo thang tiềm tàng của các chính sách bảo hộ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một rủi ro quan trọng khác đối với khu vực này".
Báo cáo cho biết: “Tăng trưởng của khu vực sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi liên tục của thương mại bên ngoài, nhu cầu trong nước ổn định và sự thúc đẩy du lịch nhờ chính sách thị thực được nới lỏng ở một số nền kinh tế”.
Tuy nhiên, trong khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa đầu năm giúp quốc gia này đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hằng năm là “khoảng 5%”, báo cáo cũng lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong quý II đã góp phần khiến dự báo thấp hơn.
Báo cáo cho biết thêm: “Các yếu tố chính bao gồm dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến, tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc trong quý II, sự hỗn loạn của thị trường tài chính toàn cầu trong tháng 8 và động lực thay đổi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới”.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố dự báo mới nhất cho khu vực vào tuần trước, giảm kỳ vọng tăng trưởng cho Đông Nam Á từ 4,6% xuống 4,5% trong năm 2024.
Tuy nhiên, kỳ vọng đối với tăng trưởng của Trung Quốc vẫn không thay đổi ở mức 4,8% so với triển vọng của tháng 4.
Tuần trước, S&P Global cũng hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,6%. Tổ chức này cũng hạ dự báo cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 và 2025 xuống 4,4%.
Tuần trước, Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó với nhu cầu trong nước yếu và khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.
Các chính sách này bao gồm cắt giảm lãi suất chính sách chuẩn và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, giảm lãi suất thế chấp chưa thanh toán cho người mua nhà và bơm thanh khoản vào thị trường chứng khoán.
Trung Quốc dự kiến sẽ công bố dữ liệu kinh tế trong tháng 9 và quý III vào cuối tháng này.
Theo số liệu báo cáo, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc tốt hơn mong đợi, đạt 5,3% trong quý đầu năm, mặc dù mức tăng trưởng của quý II giảm xuống 4,7%. Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP 5,2%, phù hợp với dự báo.