Hoạt động ngân hàng

Vốn tín dụng ở tỉnh Cà Mau: Đảm bảo tăng cả lượng và chất

ThS. Trần Trọng Triết 06/09/2024 10:50

Nhằm kịp thời đáp ứng vốn tín dụng giúp doanh nghiệp và người dân sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp và người dân, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ca-mau-luon-chu-dong-trien-khai-nhieu-goi-tin-dung-uu-dai-phu-hop-voi-nhu-cau-va-dieu-kien-cua-khach-hang..jpg
Vốn tín dụng ở tỉnh Cà Mau: Đảm bảo tăng cả lượng và chất

Thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn Cà Mau đã triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế ở địa phương... Từ đó, đóng góp có hiệu quả vào việc hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Liêu Trí Tài, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau chia sẻ, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NÐ-CP của Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng kể, luỹ kế doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên toàn tỉnh đạt khoảng 2.672 tỷ đồng cho 8 khách hàng, với số tiền lãi đã hỗ trợ hơn 13,68 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai. UBND tỉnh Cà Mau đã công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, trong đó có Dự án Nhà ở xã hội phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau, với diện tích 3,44ha, quy mô 237 căn, tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động tiếp cận và cho vay các dự án này.

Về thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn cũng đã được triển khai hiệu quả. Ðến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 608 khách hàng, với doanh số khoảng 1.444 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực thuỷ sản có 263 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với doanh số đạt khoảng 784 tỷ đồng.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản với doanh số giải ngân luỹ kế đạt khoảng 3.597 tỷ đồng, chiếm 12% tổng quy mô của gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng của cả nước, hỗ trợ 31 khách hàng vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau đã phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ðến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay mới đạt gần 1.142 tỷ đồng và dư nợ cho vay đạt trên 355 tỷ đồng cho 58 khách hàng.

Đáng chú ý, trong kết quả chung của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, KienlongBank Cà Mau là một trong những ngân hàng có nhiều đóng góp vào thành tích chung. Theo Báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng 8 tháng năm 2024 từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, từ đầu năm 2024 đến nay KienlongBank Cà Mau đã triển khai nhiều gói vay và chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; gói vay “Lãi suất 0 đồng - Thông nguồn vốn” hỗ trợ khách hàng cá nhân đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn và phục vụ nhu cầu vay vốn tiêu dùng, đời sống. Chương trình “Ðặc quyền ưu đãi” với quy mô 3.000 tỷ đồng và Chương trình “Ưu đãi cực sốc - Tăng tốc kinh doanh” cũng đã được triển khai, giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện sản xuất và phát triển kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp được linh hoạt lựa chọn nhiều gói vay, với thời gian ưu đãi cố định từ 3-18 tháng cùng với mức lãi suất hấp dẫn từ 0%. Chương trình này hiện vẫn đang triển khai để hỗ trợ khách hàng tại tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh việc triển khai các gói vay dành cho từng phân khúc khách hàng, KienlongBank Cà Mau còn triển khai hỗ trợ khách hàng ở một số lĩnh vực liên quan như giảm hoặc miễn phí chuyển tiền, phí quản lý tài khoản cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp theo từng thời kỳ.

Có thể nói, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng tại tỉnh Cà Mau không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Để tiếp tục thúc đẩy vốn tín dụng tại địa phương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau cho biết, từ nay đến cuối năm 2024 tiếp tục tăng cường chỉ đạo chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo dõi việc thực hiện công bố lãi suất cho vay, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác từ hội sở chính... Qua đó, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Đặc biệt, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Song song đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng.

Ông Liêu Trí Tài cho biết, thời gian tới đơn vị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các giải pháp hiệu quả, đảm bảo nguồn vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả lượng và chất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn tín dụng ở tỉnh Cà Mau: Đảm bảo tăng cả lượng và chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO