(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thật tình con Diễm đã phải lòng anh tín dụng tên Huy, phụ trách cho vay xã Xóm Rạch của nó. Con Diễm nhớ như in những lần lên vay tiền hay trả lãi, Huy giúp đỡ má con nó dữ lắm, nhưng mấy lần tham gia công tác Đoàn xã, nó mới có ấn tượng nhiều nhất về anh, anh xông xáo, là Bí thư đoàn thanh niên mà.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Mai Văn Quí, công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Đông Long An.

 

Những ngọn gió trên sông gom theo hơi hớm quen thuộc của bến đò rãi khắp Xóm Rạch, làm xoáy lên những cơn bụi màu nâu của những con đường lởm chởm. Chập năm sáu cua quẹo nhỏ, qua ba bốn cây cầu khỉ, có vài ngôi nhà thấp thoáng hiện ra, cây cối xum suê bởi hơi nước của bến đò, vài âm thanh mỏng manh của mấy cọng lá dừa nước cọ vào nhau lẹt xẹt, mùi hương thoang thoảng cả một khúc sông dài - khúc sông sạt lở ăn vào lòng xóm sâu hun hút.

Ngoại Tư nhổ cổ trầu cái “bẹt”, kêu con Diễm:

-Bây mần cái giống gì sao hổng theo yểm hộ má bây lên ngân hàng. Nó biết khỉ khô gì đâu?

Ngoại Tư là người lo xa vậy đó. Ở với má con Diễm từ hồi má nó còn trong bụng bà ngoại. Bà ngoại theo ông theo bà bỏ má nó lại cho ngoại Tư vì bà không chồng, sống đơn chiếc trong căn nhà heo hút này. Mấy năm nay, nhờ đồng vốn Ngân hàng Nông nghiệp mà nhà nuôi được mấy lứa heo, chuồng trại tươm tất đàng hoàng xóa đi cái nghèo theo mấy hộ trong xóm.

Con Diễm dạ một hơi dài cả thước Tây rồi te rẹt tính chạy theo má nó lên ngân hàng. Mới vừa phủi đít dợm người tính đi, nó vòng ra cháy hè mót sẵn mấy cọng củi khô chất vô chòi để chút về nấu cám heo mặc cho má chèo xuồng hết nữa khúc sông. Nó tính trang điểm xíu. Đâu phải là đứa lò mò mà thiệt tình, mỗi lần đi ngân hàng với má, nó trốn trong buồng trét son dồi phấn, mỗi lần vậy má ghét má chèo một nước không thèm đợi. Ngoại Tư hỏi “Riết rồi coi hỏng được, bộ lên trển bây bị thằng tín dụng nào hớp hồn hả?”, nó cười tủm tỉm, mặt đỏ rựng lên như thể đánh phấn hồng quá lố…

Ngoại Tư càm ràm miết làm con Diễm mắc cỡ:

-Thôi để con lên nghe phụ má mấy cái thủ tục vay tiền nha ngoại!

Nói là càm ràm chứ ngoại Tư mừng. Mới biết yêu là vậy, con Diễm mà đi lấy chồng, nhất là lấy mấy chú ngân hàng là ngoại lo hết, cho đôi bông hột bẹt làm của hồi môn, nếu nó chịu ở rể thì bắt rể luôn, ngoại tách bằng khoán cho mấy công đất. Trước giờ, bà già tom góp của cũng nhiều bộn, chờ đứa cháu cưng làm lễ vu quy. Ngoại ước có cháu rể làm ngân hàng tại vì nào giờ gia đình ngoại đã có ơn nghĩa với ngân hàng, gần chục năm chớ giỡn?

Thật tình con Diễm đã phải lòng anh tín dụng tên Huy, phụ trách cho vay xã Xóm Rạch của nó. Con Diễm nhớ như in những lần lên vay tiền hay trả lãi, Huy giúp đỡ má con nó dữ lắm, nhưng mấy lần tham gia công tác Đoàn xã, nó mới có ấn tượng nhiều nhất về anh, anh xông xáo, là Bí thư đoàn thanh niên mà. Dài theo những bước chân an sinh xã hội tặng quà cho những hộ gia đình khó khăn, đoàn thanh niên còn ám ảnh những thân phận ốm mòn thiệt thương. Bà con trầy vy tróc vảy mà cục nghèo vẫn không quăng đi được, mần ăn trụm lủm không đủ bỏ bụng, nhà cửa tạm bợ, trong nhà cũng y như ngoài sân, lại còn bệnh tật. Con nít thì tay chân móc cời, cứt mũi chèm nhem, ra đứng xếp hàng chờ đợi tới lượt nhận túi quà từ chú Huy Ngân hàng với cô Diễm xã đoàn, chú Huy còn móc túi cho thêm tiền riêng vì tội nghiệp bà con, những đồng lương mà chú dành dụm mỗi tháng.

Huy với Diễm có nhiều kỷ niệm khi phối hợp công tác Đoàn, nào là những chuyến hiến máu nhân đạo, thăm mẹ Việt Nam anh hùng, tặng nhà tình nghĩa tình thương, rồi những mái ấm Công đoàn mới thì cái cộp, gần đây nhất là chuyến trồng cây “Vì tương lai xanh”. Ai dè Huy cũng để ý con Diễm, không phải vì màu đỏ chót của son, màu trắng nõn của phấn mà nó thương cái nết, cái giỏi giắng của con nhỏ, nhất là người tình cảm sâu sắc, ngặt cái, cả hai còn phải dè chừng một cái rào “hùng vỹ” là má. Con Diễm thật thà hơn những cô gái Huy gặp, siêng năng nhất xóm, nó phụ má nuôi heo, chăm sóc ngoại Tư vì ngoại lớn tuổi đau rề rề, Diễm là một đoàn viên ưu tú, giỏi việc nước đảm việc nhà, cũng xứng với Huy lắm. Diễm làm ngoại Tư bật ngửa vì có lúc chưa tin tưởng nó nên bà cản má vay tiền cho nó chăn nuôi “ba cái chuyện mần ăn này, ngon lắm làm được ba bữa. Nó mà mần bền được như bây, tao đi đầu xuống đất”. Giờ ngoại an tâm đưa tiền cho nó coi như vốn tự có đắp thêm vô phần vốn vay để mở rộng chuồng trại.

Còn Huy làm cán bộ tín dụng đâu được 4-5 năm, tính tình khỏi phải chê. “Cái thằng coi hiền lành vậy mà công chuyện ngân hàng giỏi xám hồn, bà con vay vốn có thắc mắc gì là nó giải đáp tất tần tận, có ưu đãi lãi suất hay tri ân khách hàng là ưu tiên cho tụi tui hay trước”, “nói chuyện nhỏ nhẹ tử tế, giúp đỡ cô bác làm hồ sơ vay vốn gọn bân. Cái thằng nhiệt tình ghê nơi!” và cuối cùng thì gút “có đốt đuốc kiếm đỏ mắt cũng hỏng ra đứa nào được như nó”, bởi vậy hỏi sao con Diễm không “kết” cho được?

Huy từng cứu dượng Sáu nhà kế bên thoát khỏi bọn tào lao cho vay nặng lãi mà dân ngân hàng gọi là tín dụng đen. Hồi đó, dượng Sáu chắc mẻm cân vụ lúa này xong là sắm được mấy chỉ vàng để cưới vợ cho thằng con, coi mòi muốn vợ dữ dằn rồi. Phóng lúa xong dượng để luôn ngoài bờ mẫu, trùm tấm bạc che sương, đem mùng chiếu ra ngủ canh lúa. Chiều bữa đó dượng nhậu vài ba xị lấy ngót với mấy tay làm ruộng kế bên đặng ăn mừng lúa trúng, tối dượng bị cảm sương, mê man bất biết tưởng chết. Tới khi mặt trời cao tám thước, chá nắng vô mặt, dượng mới tỉnh dậy. Cái tấm bạc vẫn nằm một đống còn mấy chục bao lúa ốc nốc thì không cánh mà bay. Bọn trộm nó vác đâu tận một hai giờ khuya. Dượng mếu máo không dám vô nhà. Cô Sáu vợ dượng ra thay chồng canh lúa, đứng như trời trồng, định thần lại, rủa tan nát cái quân trộm cắp, xong quay lại chửi ông chồng ham ăn ham nhậu, bận này cho thằng con ở giá luôn, đã mấy ngày rồi mà cái miệng cô Sáu cứ om xòm, la cạn sức, cô láp giáp hoài một mình. Vừa cạo gió cho chồng, cô vừa đánh vô lưng chồng bành bạch, nghiến răng trèo trẹo: “Vậy chớ ông mần cái giống gì ngoài đó, ông Sáu ơi là ông Sáu…”, dượng Sáu tính lén cô Sáu đi vay tiền  từ mấy số điện thoại dán trên cột điện. Biết vậy, hễ ai đi ngang qua ngân hàng là Huy hú nhắn dượng Sáu, gặp dượng, Huy khuyên ngăn, tư vấn dượng cầm bằng khoán lên ngân hàng vay lãi suất thấp hơn nhiều, lần đó cả nhà dượng Sáu mừng húm, mang ơn Huy nhiều lắm, cô dượng có tiền sửa sang nhà cửa để ngồi sui.

Trốn má hẹn nhau, Huy với con Diễm tung tăng tò tí te giữa cánh đồng bát ngát mùi thơm rạ mới, ríu rít kể chuyện miền Trung rồi nói cười liu líu. Huy than làm sao quên được những đêm ngoài nhà tập thể ngắm trăng trôi giữa trời, mảnh trăng trôi lơ lãng như cuộc đời phiêu bạc vào Nam, núp lùm trên đầu ngọn cây rồi treo luôn trên đó tỏa mấy ánh vàng mà không khỏi chạnh lòng. Diễm hỏi: “anh Huy có chịu làm rể xứ khỉ ho cò gáy này không?”, không biết câu trả lời ra làm sao mà con Diễm mắc cỡ muốn chạy trốn, đôi cánh tay Huy choàng qua đôi vai mảnh khảnh của con Diễm làm nó nghe yêu thương tràn về, nó vân vê vạt áo. Phía sau lưng đôi trẻ, từng làn khói mỏng từ những đụn rơm cứ bay bay uốn lượn lên nền trời như những nàng tiên thướt tha tà áo trắng múa khúc nghê thường rồi cất cánh bay về cõi tiên. Trên cao, mây vẫn xanh trong, bầu trời quang đãng, điểm chi chít mấy cánh chim sà mình xuống đồng ruộng mổ mót những hạt lúa còn sót lại trên cánh đồng bất tận.

Ngoại Tư biết má con Diễm không ưng nó lấy chồng xa vì nghe đâu gia đình thằng Huy ở tận ngoài miền Trung bão lụt. Những lúc gạt ngang chuyện tình cảm của con Diễm là má làm bộ quên sạch sẽ cái tính tốt của thằng Huy. Những ngày ở lại nhà tập thể ngoài giờ hành chánh cũng buồn, Huy hay thả đi thăm nom bà con trong xã, tiện đóng cho cô bác cái chuồng gà, khiêng dùm cái ống bọng, đắp cái lỗ trỗ, gì cũng mần tuốt, bà con hay biếu Huy nào quày dừa, cặp đu đủ hườm mỏ quạ, chục lít gạo, con vịt xiêm hay rổ khoai mì, anh từ chối đây đẩy không được đành nhận cái nghĩa cái tình khách hàng sao quá đỗi ngọt bùi, ngọt bùi như chất bột trong gạo trong khoai…Lần nào giả đò quên như vậy là những tính tốt của Huy hiện ra trơ trơ trong đầu má, ác đạn thiệt!

Má cũng nhớ như in những cái nhiệt tình Huy gửi riêng cho gia đình, có khi Huy giúp chở má con Diễm đi công chứng, thế chấp tài sản vay vốn ngoài Văn phòng đăng ký đất đai huyện khi không có con Diễm đi theo bên cạnh chỉ chỗ cho má ký tên. Con Diễm thì hâm mộ anh Huy khỏi phải nói, nhất là về mấy cái ứng dụng công nghệ hiện đại hay ngân hàng điện tử điện tét gì đó, nó mê tít khi được anh chỉ cách xài, nào là emobile-banking, nào internet- banking. Mỗi lần phá bầy heo, nó không cần phải cầm tiền mặt đem về nguy hiểm lắm, hay khi trả tiền thức ăn gia súc này nọ, nó khỏi phải chạy tới ngân hàng. Chừng nào thấy nhớ người ta thì nó mới lấy cớ chạy ù lên ngân hàng tìm anh, đổ thừa kẹt mạng. Mà gặp nhau có biết nói gì đâu, một bên thì thao thao bất tuyệt cái nghiệp vụ tín dụng, thỉnh thoảng xởi lởi về cái nghĩa tình với bà con Xóm Rạch, người vầy, người khác… còn Diễm đâu có chuyện gì để kể ngoài việc “ngoại Tư hay nhắc anh” rồi khoe với anh mấy con heo em vay tiền bắt nay đã trọng trọng, em nôn, cắt dây chuối đo hoài, thấy con nào lông cũng láng mượt, dài đòn, bụng bự tròn vo, ăn tạp dữ lắm, chắc cũng sắp xuất chuồng được rồi.

Rồi má lại miên man lo nghĩ, nghĩ lung lắm, hạnh phúc của con đâu thể nào ép được? Trong bụng má cũng mến thằng nhỏ tên Huy lắm, nhớ tới mấy lúc tụi nó quấn quýt nhau bên cây ATM chỉ cho con Diễm cách xài, cách rút tiền, chuyển khoản hệt như đôi chim, má không nỡ cắt tình tụi nó cái cụp, má thừa biết chuyện tình cảm không thể cái cụp là cắt được đâu, nhưng dặn lòng không để tình cảm sinh sôi, má càng bền lòng chặt dạ như hồi đầu, hỏi đon hỏi ren gia thế Huy, đâu có ai biết mắt má lại đượm buồn xa xăm như vầy?

Đoàn viên Agribank Đông Long An phối hợp Đoàn thanh niên xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trồng cây thực hiện chương trình "Vì tương lai xanh- thêm cây, thêm sự sống" do Công đoàn cơ sở  và Đoàn thanh niên Agribank Đông Long An phát động. Ảnh tác gỉa cung cấp

Hôm bữa, con Diễm bệnh, Huy thập thò ngoài hàng rào chưa dám vô nhà vì có nghe con Diễm kể vụ má cản hai đứa tìm hiểu nhau. Huy tay xách nách mang đủ thứ mấy món ăn vặt mà con Diễm thích. Gặp Huy, má con Diễm kêu ra đầu bến nói nhỏ có một câu chết đứng: “Dì sắp gả con Diễm”. Trời đất sụp đổ, Huy đau thốn ruột gan, lững thửng bước về cơ quan mà miệng còn chưa kịp nói câu gì muốn nói, cầm bằng tan nát cõi lòng, buồn bã cả một khúc sông dài. Má nói mạnh miệng mà tự thấy ác quá, cố tỏ ra bình thường ráng nuốt ngược tiếng ác vào trong. Má thương Diễm, má sợ… Má không muốn con gái của mình gặp lại cuộc đời má, cái thời con gái đau khổ vì tình của má lần nữa. Ngày xưa, người đàn ông miền Trung của má đã bỏ má ra đi không một lời từ giã khi con Diễm đã tượng hình trong bụng…

 Ngoại Tư trong nhà ngó ra, khum khum tay nhìn phớt thấy dáng Huy, chống gậy lại thì mất tiêu, cái tướng của thằng nhỏ con nhà ai mà thân thuộc, thằng nhỏ dễ thương, ngoại nhớ hoài lúc nó xuống nhà thẩm định dự án, hay khi đi kiểm tra sử dụng vốn vay. Những lúc đi công tác xa về, nó đều mua ít trà bánh đem xuống biếu ngoại, lấy cớ gặp con Diễm, nó mà ít xuống là ngoại lại trông. Con Diễm chắc buồn lắm, nó không dám cãi má, “từ từ rồi con quên, má”!

Gió lồng lộng từ sông thổi vào tạo nên những gợn sóng mạnh. Hàng dừa nước đứng sát mé sông tưa ra xơ xác lùa qua lùa lại có đợt. Vài ba con thòi lòi còn mắt kẹt trong mấy bẹ bập dừa, vùng vẩy tung tóe nước, nhảy lửng ca lửng cửng ra ngoài xình. Tiếng con cú mèo vang vang ngoài bến đò hồi đầu hôm làm ngoại Tư không ngủ được. Ngoại lo lắng khấp khởi đủ thứ, ai cũng giấu ngoại chuyện má bị lật xuồng trên đường đi xóm về hồi khuya, ngay trân khúc sông sạc lỡ, chiếc xuồng tròng trành chao đảo vì gió lớn đã lật úp hất má gãy xương nằm bệnh viện, Huy xin nghỉ phép ở miết trên đó mấy đêm phụ Diễm nuôi má. Giờ cô Sáu cho hay về, má Diễm đã tỉnh. Ngoại Tư nóng ruột biểu dượng Sáu chở lên thăm má. Tấm lưng còng còng, vết chân chim bị xô nhúm lại trên đuôi mắt khóe môi. Khuôn mặt ngoại teo hóp lại, cái cổ nhăn nheo trắng từng nhúm đồi mồi chồm về phía má. Ngoại Tư kiên định: “Bây hỏng gả nó cho thằng Huy thì tao gả!”. Ngoại nào hay rằng: khi giúp gia đình hoàn tất các thủ tục bảo hiểm bảo an tín dụng của công ty Abic mà lúc vay tiền Huy đã tư vấn cho má Diễm cũng là lúc Huy chuyển công tác xa.

Ngày Huy đi, Diễm có trốn má đưa một đoạn. Ba lô trên vai, Huy đếm bước. Nắng quái chiều hôm không còn đỏ chói lói mà chuyển màu hồng nhạt. Ngoài sân nắng, bóng người con gái đổ dài ngược hướng người cán bộ tín dụng. Người thương đã khuất mất mà Diễm vẫn còn thả ánh mắt chòng chọc phía cuối con đường, hướng về nơi xa ngái. Ráng chiều treo lơ lửng ngoài lưng chừng phía tây, nhuộm đỏ ói cả một vạt trời. Huy đi rồi, bầy heo của Diễm cũng buồn, giàn bầu nó trồng cũng buồn, buồn teo héo, trái trăn đèo đẹt. Ngoại Tư gom ngón tay cái với ngón tay trỏ thành hình chữ v, kéo từ hai khóe miệng xuống cằm, hai ngón tay chập lại, vuốt sạch nước vôi trầu đỏ lừ còn dính mép, vẽ lên khóe miệng những gạch đỏ choẹt ngoằn ngoèo theo những vết chân chim, nhìn má con Diễm chưa mạnh hẳn nhưng cục tức dâng trào cổ họng: “đâu phải cứ là người ở xa thì hổng thủy chung. Quan trọng là tình cảm tụi nó thôi. Chớ người ta lấy chồng ngoại quốc đó rồi sao?” Đôi mắt mờ vì cườm nước của ngoại đã thấy những giọt nước muộn màng rơi ra từ mắt má.

Một ngày mới lại bắt đầu khi mặt trời vén những vệt mây rằn ri ngang lưng chừng đằng đông đón những ánh bình minh màu hồng đậm. Gió sông vẫn thổi về ngang nhà nghe lồng lộng, mang theo hơi nước trong lành mát rượi của miệt Xóm Rạch hắt hiu, hơi nước phả lên trong mát như hơi thở. Hàng vú sữa Đoàn thanh niên trồng chương trình “vì tương lai xanh” lá đã rậm giáp một vùng quê. Chim muông tề tựu về thơi thả líu ríu hót. Huy đi là để trở về, vẫn là Bí thư đoàn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vẫn giúp đỡ bà con làng xóm, nhưng nay là Trưởng phòng Tín dụng của ngân hàng nơi đây. Giờ thì má đã gật đầu, chỉ thương là không còn ngoại Tư chứng kiến ngày vu quy của đứa cháu gái mà thôi.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóm rạch hắt hiu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO