BIDV - Nơi ký ức gọi tên...

Bùi Sim Sim| 14/04/2021 17:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ... mỗi lần nhắc tới BIDV, quả thực, tôi không biết bắt đầu từ đâu, chọn từ cái gì, thể hiện thế nào cho tương xứng với tầm vóc, chiều kích của một ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, khi mà thức dậy ùa về trong tôi quá nhiều kỷ niệm...

Bút ký dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Bùi Sim Sim công tác tại Thời báo Ngân hàng.

 

Có những con người vừa gặp lần đầu đã ngỡ trăm năm. Có những miền đất vừa đặt chân đến đã thành duyên nợ. ‎Có những kỷ niệm vừa mới thoảng qua đã thành ám ảnh. Miền Trung đối với tôi là sự cộng hưởng đằm sâu, thăm thẳm như thế. Chẳng thế mà, khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức chuyến hành hương cho đoàn nhà văn về lại miền Trung nhân dịp Lễ kỷ niệm tròn 60 năm ngày sinh của mình, tôi đã thật háo hức khi được tham gia. Dọc dài hành trình từ Đà Nẵng, qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, tới Bình Định, trong tôi xôn xao cả một miền ký ức, chỉ chờ dịp, chờ cớ là òa vỡ... 

Để rồi, mỗi lần nhắc tới BIDV, quả thực, tôi không biết bắt đầu từ đâu, chọn từ cái gì, thể hiện thế nào cho tương xứng với tầm vóc, chiều kích của một ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, khi mà thức dậy ùa về trong tôi quá nhiều kỷ niệm. Lúc tham dự các sự kiện tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại các địa phương, lúc hội thảo khoa học liên kết phát triển du lịch; gặp mặt các nhà đầu tư…. Có khi lại là tham dự một lễ khai trương chi nhánh văn phòng đại diện nơi xứ sở Đài Loan. Hay đơn giản là thực hiện chương trình an sinh xã hội đến các tỉnh vùng sâu vùng xa lam lũ nghèo khó.... Dù ở sự kiện nào thì BIDV luôn tỏ rõ là một ngân hàng luôn khởi xướng, chinh phục, truyền bá và dẫn dắt… không chỉ trên lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng mà còn hướng tới cả những giá trị mang đậm tính nhân văn sâu sắc…

Và một trong những kỷ niệm sâu sắc đối với tôi về BIDV là những chuyến đi thực tế về với những ngư dân miền Trung để thực hiện chương trình cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ mà BIDV là một ngân hàng tiên phong...        

*****

... Ngày 3/6/2014, tôi vẫn nhớ như in, đó là một ngày đặc biệt ấn tượng. Cả hội trường UBND xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định vốn đã nóng bức, ngột ngạt bởi cái nắng như thiêu của miền Trung tháng 6, càng nhân lên gấp bội khi sắc đỏ ngập tràn hội trường. Màu đỏ của hàng trăm chiếc áo nhuốm màu cờ đỏ sao vàng in hình đất nước, với khẩu hiệu xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam mà BIDV mang đến hội trường tặng trực tiếp cho từng ngư dân. Mà không chỉ ngư dân, từ Ban tổ chức đến tất cả khách mời tham dự hôm đó đều “đồng phục” trong một sắc đỏ....

Một trong những phát biểu ấn tượng nhất hôm ấy, tôi vẫn nhớ, là của ngư dân Phan Ngọc Dũng. Vóc dáng vạm vỡ, nước da đen cháy của người chuyên đi câu cá ngừ đại dương từ các ngư trường thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vừa trở về. Tay “chém gió”, giọng hùng hồn, quyết liệt, anh nói: “Nếu được ngân hàng đưa ra mức hỗ trợ lãi suất ưu đãi, kỳ hạn hợp lý thì tôi sẽ là người ủng hộ đầu tiên. Bởi có một con tàu vỏ sắt công suất lớn, hiện đại, có thể vươn khơi, bám biển dài ngày là mong ước từ bao đời nay của tất cả bà con ngư dân chúng tôi”.

Ngư dân Phan Ngọc Dũng phát biểu trong một Tọa đàm do BIDV cùng UBND tỉnh Bình Định thí điểm tổ chức về “Triển khai chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ” theo Nghị định 67/ 2014 của Chính phủ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Sau phát biểu của anh Dũng không khí buổi Tọa đàm trở nên càng phấn khích. Đã quá giờ Ngọ mà hội trường vẫn còn rất nhiều cánh tay giơ lên. Sau cuộc gặp gỡ ở Bình Định, trở ra Quảng Ngãi, cảnh tượng sôi nổi, nhiệt huyết của bà con ngư dân cũng diễn ra không kém.

Có thể nói, Nghị định 67 lúc bấy giờ ra đời là một chủ trương lớn của Chính phủ. Nhưng từ chủ trương đến cuộc sống lại là một câu chuyện khác. Bài học về câu chuyện thất bại hồi năm 1997 vẫn còn nguyên giá trị. Khắc phục “vết xe đổ” đó, lần này BIDV đã “tỉnh táo, thông minh” hơn. Thay vì “áp chính sách vào cuộc sống” một cách chủ quan như trước nay, BIDV đã đi ngược lại: “đưa cuộc sống vào chính sách”. Vì vậy, khi được tận mắt chứng kiến những ngư dân mộc mạc, chân chất, được mời về, được trân trọng và tôn vinh bên cạnh các thành phần là lãnh đạo chuyên ngành của tỉnh, những nhà khoa học, những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng… khiến không ít người cảm kích!

Mạnh mẽ, quyết liệt là vậy. Được dư luận đánh đồng tình giá cao là vậy. Nhưng rủi ro vẫn là nghi ngại lớn treo trên đầu các cán bộ tín dụng ngân hàng. Làm sao để có thể kiểm soát được dòng tiền khi mà tài sản thế chấp của ngư dân lại được đảm bảo bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay – tức chính con tàu, vốn ngày đêm lênh đênh ngoài khơi xa. Đầy thăm thẳm. Đầy bất trắc. Nếu không có tinh thần tự giác trách nhiệm của mỗi bà con ngư dân, không có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý liên quan trong việc quản lý tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn tiền từ đánh bắt hải sản để thu hồi nợ, thì một mình ngân hàng làm sao có thể dễ bề xoay trở? Câu hỏi ấy cứ lay thức trong tôi như một nỗi ám ảnh…

Nói về hiệu quả của Nghị định 67 sau nhiều năm triển khai, hẳn sẽ là một câu chuyện dài. Bởi từ chủ trương chính sách đến thực tiễn đời sống là còn bao nhiêu nút thắt, bất cập nẩy sinh, cần tiếp tục được tháo gỡ.... Để giờ đây, nhìn ở hiệu quả kinh tế dù chưa có một sự tổng kết đánh giá toàn diện, song nếu cho rằng: Thành công là một hành trình chứ không phải là đích đến, thì, Nghị định 67 mà BIDV nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung đã triển khai thực hiện suốt mấy năm qua, có thể xem là một trong những điểm nhấn nổi bật đáng ghi  dấu vào hành trình vì người dân, vì ngành, vì Chính phủ mà BIDV đã nỗ lực phụng sự trong hành trình dựng xây và phát triển của mình.

******

Tác giả (đứng cùng các em nhỏ) trong một chuyến đi thực hiện chương trình An sinh xã hội ở huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La cùng BIDV. Ảnh: Tác giả cung cấp

Tự hào là ngân hàng “gạo cội” nhất Việt Nam, BIDV có lịch sử hoạt động 64 năm với những thành tựu và thương hiệu không kém nhiều so với các ngân hàng lớn trong khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn mở cửa của nền kinh tế, khi mà nhiều ngân hàng thương mại còn đang loay hoay mò mẫm tìm đường hướng phát triển, thì BIDV đã “giong buồm biển lớn”, chinh phục các thị trường khu vực và quốc tế, thành lập chi nhánh, mở văn phòng đại diện, khuếch trương, quảng bá thương hiệu. Khi mà một số các ngân hàng nhỏ, yếu kém còn xoay trở với bài toán mua bán, sáp nhập, thì BIDV với tư cách là “cây cao bóng cả” đã mở lòng, dang rộng vòng tay chia sẻ lợi nhuận, đồng cam cộng khổ vì một mục tiêu cao cả, góp phần đảm bảo an toàn cho dòng chảy huyết mạch của nền kinh tế. Khi một chủ trương, chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành chưa ráo mực, không tính toán thiệt hơn, BIDV bao giờ cũng như những người lính sẵn sàng xung trận với tinh thần quyết liệt, tận tâm đến cùng!

64 năm - một hành trình  dài rộng, một hành trình dồn nén mà ở đấy, trải qua bao chặng “thay tên, đổi họ”, thậm chí có lúc đứng trước sự sống còn, tồn tại hay không tồn tại của chính mình, thì, BIDV, trước sau và trên hết, luôn thể hiện vị thế một cánh chim đầu đàn băng mình qua bão giông với tinh thần nhiệt huyết quả cảm. Vượt trên mỗi hành trình, BIDV lại chiếm lĩnh thêm một tầm cao mới. Tầm cao ấy, không chỉ đo bằng chiều kích cao rộng, hay con số lợi nhuận đơn thuần mang tính định lượng, mà nhiều khi, nó là hiện thân của lòng tự tôn, tinh thần dân tộc, tính nhân văn, tinh thần “chia sẻ cơ hội – hợp tác thành công” trên mọi nẻo đường, mọi khúc quanh, với những trắc trở éo le đối với từng con người, từng số phận, từng doanh nghiệp và thậm chí là cả sự trường tồn, thịnh vượng của đất nước nói chung...

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BIDV - Nơi ký ức gọi tên...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO