Cần tiếp tục có cơ chế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Phạm Hiếu| 11/05/2019 16:15
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử; người dùng không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch của các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN trình bày những điểm mới của Dự thảo thông tư

Đây là những nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/5/2019.

Dự thảo thông tư sẽ giảm thiểu rủi ro giao dịch điện tử

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN cho biết, dự thảo thông tư có nhiều quy định cụ thể để quản lý hoạt động TGTT và ví điện tử, trong đó đáng chú ý bao gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức), yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Đồng thời, Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc đưa ra các hạn chế này nhằm giảm thiểu rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Thông tư cũng đưa ra cơ chế mới về bù trừ điện tử, theo đánh giá của NHNN sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử (TTĐT) giữa các ngân hàng trong tương lai. Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết thêm về việc NHNN đã trình đề án về tiền điện tử (mobile money) lên Chính phủ và đang lấy ý kiến các bộ, ngành về cơ chế thử nghiệm Fintech (sandbox). Ông Dũng cũng ghi nhận đóng góp của các doanh nghiệp Fintech về phát triển TTĐT cho dịch vụ công và khẳng định chính sách của NHNN luôn đặt mục tiêu khuyến khích TTĐT phát triển.

Cần bỏ hạn mức giao dịch qua ví điện tử

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã có kiến nghị, NHNN cần có cơ chế cởi mở để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) tỏ ra băn khoăn về sự tương thích của dự thảo với chủ trương của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, giảm bớt rào cản để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Về quan điểm của Ban soạn thảo cho rằng ví điện tử chỉ được dùng cho giao dịch nhỏ, ông Tuấn cho rằng hiện chưa có quy định về vấn đề này, và việc đặt điều kiện kinh doanh mới thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do Chính phủ đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, NHNN cần cân nhắc thời điểm ban hành thông tư cho hợp lý. Ông Phùng Anh Tuấn cũng đề nghị Dự thảo bổ sung quy định về thủ tục, trình tự thực hiện giám sát trực tuyến hệ thống thông tin của doanh nghiệp như yêu cầu của NHNN vì đây là việc chưa có tiền lệ, và vấn đề trách nhiệm của các bên liên quan nếu phát sinh sự cố bảo mật.

Về quy định hạn mức giao dịch ví điện tử, đa số các ý kiến tỏ ra băn khoăn về cơ sở pháp lý và thực tế để NHNN quy định hạn mức tại dự thảo. Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDVcho rằng, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ thanh toán qua ví điện tử tại Việt Nam trong vòng 7 năm qua đã tăng lên 17,6%. Mặc dù dịch vụ TTĐT tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhưng vẫn còn gặp phải rất nhiều rào cản như: thói quen dùng tiền mặt của người dân, độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp, phân bố không đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự tin tưởng cao từ người tiêu dùng (vấn đề về an toàn, giải quyết sự cố,..), khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ,…

Đóng góp đối với dự thảo Thông tư số 39, TS. Cấn Văn Lực đề xuất: Đối với yêu cầu về hồ sơ mở ví điện tử phải có căn cước công dân hoặc CMN, hộ chiếu còn thời hạn,… nên xem xét trường hợp đã có tài khoản ngân hàng sẽ được miễn trừ và cần tính đến khả năng xác thực số (sinh trắc học). Đồng thời, cũng cần làm rõ khái niệm liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng. Hoạt động giám sát trực tuyến hàng ngày đối với ví điện tử của đơn vị cung cấp là rất lớn tuy nhiên cần tránh quy định thực hiện cả báo cáo giấy và trực tuyến.

Đánh giá về tác động của quy định mới đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, TTĐT đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế. Lấy ví dụ về lĩnh vực du lịch, các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất tại dự thảo. Ông Hưng cũng tỏ ra băn khoăn vì quy định hạn chế mỗi người dùng chỉ được sử dụng 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng, vì trên thực tế người dùng có thể cần nhiều tài khoản kết nối ví điện tử khác nhau để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng, giao dịch khác nhau.

Ông  Trần Quang Huy, Chủ nhiệm CLB Fintech cho rằng, NHNN nên bỏ hạn mức giao dịch để người dùng có quyền tự định đoạt tài sản của mình. Theo ông Trần Quang Huy nhận định: Dự thảo thay thế Thông tư  39  giống như 1 giấy phép con, quy định hạn mức giao dịch thì cũng gián tiếp quy định cả doanh thu của 29 doanh nghiệp trung gian thanh toán. Nếu như ngân hàng mở ví điện tử thì ví của Fintech không có cửa cạnh tranh với ngân hàng. Chức năng của ví điện tử là thanh toán thì khi người dùng có nhu cầu thanh toán phải tạo điều kiện cho họ thanh toán tối đa.

Đại diện doanh nghiệp trung gian thanh toán như MoMo, ZaloPay, FPT Pay, Moca, Payoo và VinID cũng có nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung dự thảo.

Đặt vấn đề xây dựng pháp luật nên có cách nhìn dài hạn, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) với sản phẩm Ví điện tử MOMO cho rằng, trước đây giao dịch MoMo còn ít, nhưng đến năm 2018, số lượng giao dịch tăng mạnh, mỗi tài khoản tăng lên 3 lần. Ban soạn thảo đặt hạn mức 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân thì khách hàng của MoMo sẽ bị hạn chế trong thanh toán. Dự thảo thông tư sẽ phục vụ thị trường 3 – 5 năm, vậy nên tăng hạn mức lên 200 triệu đồng/tháng để chuẩn bị cho thị trường phát triển nhanh chóng trong tương lai.

Bên cạnh đó, MoMo hiện đang triển khai nhiều dịch vụ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu chi cho hàng trăm đại lý, nhân viên những khoản tiền nhỏ hàng tháng và đây là các chi thu từ tài khoản ngân hàng nạp vào ví điện tử. Ông Diệp mong ban soạn thảo xem xét không áp dụng đối với doanh nghiệp, vì đây là nhu cầu chính đáng phục vụ cho thị trường và khuyến khích phát triển TTKDTM, bởi một công ty lớn thanh toán bằng ví điện tử cho đại lý và nhân viên là có thêm khách hàng sử dụng TTKDTM.

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu các nội dung góp ý, đặc biệt trong vấn đề hạn mức giao dịch, và khẳng định mong muốn của NHNN trong việc xây dựng chính sách để khuyến khích các giao dịch TTKDTM.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tiếp tục có cơ chế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO