(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhân chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ, chiều 8/9 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli. Trong chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội cũng tiếp đại diện một số Tập đoàn, Công ty kinh tế của Bỉ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli.Ảnh: Doãn Tấn |
Tại buổi hội đàm Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã chọn Nghị viện châu Âu là điểm đến trong chuyến công tác đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Nghị viện David Sassoli đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực; Nhấn mạnh, Nghị viện châu Âu và Việt nam chia sẻ lợi ích trong nhiều lĩnh vực và mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác mọi mặt như thương mại và đầu tư, phòng chống dịch bệnh COVID-19, cùng ứng phó với biến đối khí hậu trong đó có thách thức đối với tài nguyên nước, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn đang diễn ra trên sông Mê kông ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Chủ tịch EP đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thân tình. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, EU là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao; ký và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng (PCA, Hiệp định EVFTA, FPA, FLEGT), duy trì các cơ chế hợp tác và đối thoại định kỳ, góp phần đưa quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam- EU lên một tầm cao mới trong đó có hợp tác giữa quốc hội Việt nam và Nghị viên châu Âu.
Tại hội đàm, hai bên đã trao đổi hàng loạt các vấn đề nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai Nghị viện, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU phát triển mạnh mẽ vì lơi ích của cả hai bên.
Để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại một cách toàn diện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn EP có tiếng nói để Nghị viện các nước chưa phê chuẩn Hiệp định EVIPA sẽ sớm phê chuẩn hiệp định quan trọng này, nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để thực thi Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả nhất.
Về hợp tác phòng, chống COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cảm ơn Nghị viện châu Âu, đại diện các cơ quan hữu quan của EU, và các nhóm Nghị sỹ tại Nghị viện châu Âu đã đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ cho Việt Nam phòng, chống dịch. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn Nghị viện châu Âu tích cực hỗ trợ nguồn cung vắc-xin của châu Âu, qua cơ chế COVAX, chia sẻ vắc-xin “dôi dư” hỗ trợ cung cấp vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị COVID-19, hợp tác sản xuất vắc-xin, Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để có thể trở thành Trung tâm sản xuất vắc-xin ở khu vực.
Toàn cảnh buổi hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) |
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng kiến nghị Nghị viện châu Âu ủng hộ gỡ “Thẻ vàng IUU” đối với khai thác thủy sản của Việt Nam, giúp bảo đảm sinh kế của ngư dân Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục và đã đạt những kết quả rất tích cực".
Về hợp tác song phương giữa qua kênh Nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng những kết quả tích cực đạt được thời gian vừa qua cần được phát huy, hai bên cần tăng cường tiếp xúc các cấp. Và trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch Nghị viện châu Âu sang thăm Việt Nam để trao đổi về những vấn đề quan tâm, nghiên cứu thành lập các khung khổ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP thực chất, hiệu quả, tương xứng với quan hệ có ý nghĩa chiến lược như hiện nay.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu ghi nhận các đề xuất của phía Việt Nam và khẳng định Hiệp định EVFTA là mô hình hợp tác mẫu mực; cho biết, Nghị viện châu Âu đã ký thông qua Hiệp định EVIPA và đang thúc đẩy Nghị viện các quốc gia còn lại phê chuẩn. Nghị viện châu Âu chia sẻ những khó khăn của Việt Nam hiện nay và sẽ nỗ lực vận động vắc-xin cùng các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 của Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đang có những bước phát triển tích cực cả kênh song phương và đa phương. Trong bối cảnh đại dịch, hai bên vẫn duy trì tiếp xúc thông qua hình thức trực tuyến với các cuộc họp trao đổi về triển khai Hiệp định EVFTA và các vấn đề quốc tế. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn các cấp, trao đổi, thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động nghị viện và hoạt động lập pháp. Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ và đóng góp tích cực cho các diễn đàn đa phương và khu vực.
Cũng tại cuộc hội đàm, hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và hợp tác trên thế giới và nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp và duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không…
Ngay sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch INTA, DASE và Nhóm nghị sĩ hữu nghị Nghị viện châu Âu. Hai bên trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó có thương mại và triển khai Hiệp định EVFTA.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp đại diện một số Tập đoàn, Công ty kinh tế của Bỉ |
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp đại diện một số Tập đoàn, Công ty kinh tế của Bỉ, nhân chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ. Tại cuộc tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp; đánh giá cao những kết quả của Việt Nam về phát triển kinh tế, xã hội và nỗ lực phòng chống dịch COVID-19. Đánh giá cao sự chủ động của Chủ tịch Quốc hội khi trực tiếp yêu cầu các Bộ trưởng và lãnh đạo địa phương trả lời, giáp đáp và có những trao đổi đề xuất với Chính phủ nhằm sớm xem xét giải quyết vướng mắc cho các Nhà đầu tư. Lãnh đạo các Tập đoàn, công ty cũng ghi nhận những đổi mới của Quốc hội trong việc đồng hành cũng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách pháp lý cho các nhà đầu tư đến làm ăn tại Việt Nam, đồng thời chúc chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội tại châu Âu thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hoà Áo. Ảnh: Doãn Tấn |
Trước đó, tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tổ chức tại Áo (từ ngày 7 - 9/9), ngoài các bài phát biểu trực tiếp tại các phiên toàn thể và chuyên đề khác, Chủ tịch Quốc hội có tham luận gửi tới Ban tổ chức Hội nghị tại chuyên đề thảo luận chủ đề: "Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID – 19’’. Trong bài tham luận của mình, Chủ tịch Quốc hội cho biết, kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với mọi mặt của đời sống, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Mặc dù gặp phải những khó khăn trở ngại ban đầu do sự lúng túng trước sự xuất hiện của một đại dịch ở quy mô chưa từng có trong lịch sử, các tổ chức đa phương đã phát huy vai trò, kết nối hành động nhằm bảo vệ tính mạng và quyền lợi của người dân.
Trong khó khăn thách thức, càng sáng lên tình đoàn kết, hữu nghị ấm áp được sẻ chia trong hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa phương đi đầu là Tổ chức Y tế thế giới với Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT) và Chương trình hợp tác toàn cầu về vắc-xin COVAX cùng nhau vượt qua đại dịch.
Trong cuộc chiến chống lại kẻ thù nguy hiểm và vô hình này, với tinh thần tương thân tương ái, Việt Nam đã hợp tác, chia sẻ nguồn lực với các nước đồng thời nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu của nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế, san sẻ nguồn vắc-xin phòng chống COVID-19. Sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và quý báu đó đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân Việt Nam để chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh.
Ngày nay, các thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động mang tầm chiến lược toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội mong rằng các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, không phân biệt quan điểm chính trị, cần phối hợp hành động, đóng góp nguồn lực của mình, ủng hộ và làm sống động chủ nghĩa đa phương để chiến thắng đại dịch COVID-19. Để chủ nghĩa đa phương phát huy hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ 3 giải pháp:
Một là, kêu gọi các Nghị viện, các quốc gia tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và tăng cường hợp tác đa phương với vai trò trung tâm dẫn dắt của Liên hợp quốc, dựa trên các nguyên tắc và giá trị của Liên hợp quốc, cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực, qua đó bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu phục hồi toàn diện và bền bỉ sau đại dịch COVID-19.
Hai là, đổi mới nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận công bằng, bình đẳng các nguồn cung vắc-xin nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý; chia sẻ công nghệ, hợp tác sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị; phát huy tốt hơn nữa các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu phát triển bền vững.
Ba là, mỗi quốc gia, nghị viện cần chủ động sáng kiến, hành động quyết liệt trong thẩm quyền của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các Chính phủ các nước kịp thời triển khai các chương trình quốc gia ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu.