(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, nhất là sự đồng hành của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và hệ thống tòa án nhân dân các cấp, cơ quan thi hành án… đã giúp công tác xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng thu được những kết quả tích cực, đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Dẫu vậy, từ thực tế giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại TAND các cấp thời gian qua, thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy vẫn nảy sinh những vướng mắc, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu và có giải pháp chung tay tháo gỡ.

Cần thống nhất cách hiểu và áp dụng

Trong bài viết “Tiếp tục khai thông vướng mắc, thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD” đăng tải trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ điện tử, đã đề cập tới 5 vấn đề nổi bật cần được xem xét tháo gỡ liên quan đến: (i) Việc tài sản đã thế chấp cho TCTD phát sinh tranh chấp quyền sở hữu và quyền sử dụng đất giữa chủ sở hữu cũ và bên bảo đảm (chủ sở hữu hiện tại); (ii) Về xử lý tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho bên thứ ba; (iii Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ; (iv) Về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án; (v) Về việc tuyên vô hiệu (một phần hoặc toàn bộ) hợp đồng bảo đảm bằng tiền gửi ngân hàng do chỉ có Người gửi tiền ký kết mà không có chấp thuận của cả hai vợ chồng.

Ngoài những vấn đề đã nêu, cũng còn một số vấn đề đang chưa có sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng như:

Việc xác định, triệu tập Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến tài sản đang là TSBĐ tại TCTD, có một thực tế là tòa án không xác định TCTD là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên không triệu tập TCTD hoặc không triệu tập đầy đủ các đương sự khác tham gia tố tụng, dẫn đến Quyết định/Bản án đối với các TSBĐ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của TCTD cũng như các đương sự khác, từ đó dẫn đến khiếu kiện.

Điều này được phía tòa án lý giải, do Khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự không xác định tiêu chí cụ thể như thế nào “là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ…”.

Vì vậy, cần xác định tiêu chí cụ thể đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Về việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm của Hộ gia đình

Theo quy định của pháp luật, việc thế chấp tài sản của hộ gia đình phải được sự chấp thuận (thông qua việc ký trên Hợp đồng thế chấp hoặc ủy quyền) của các thành viên trong hộ gia đình (căn cứ theo độ tuổi). Trường hợp thiếu sự chấp thuận của một trong các thành viên trong hộ gia đình thì Hợp đồng thế chấp có thể bị xem xét về hiệu lực (tuyên vô hiệu).

Vấn đề đặt ra là, đối với trường hợp thiếu ý kiến chấp thuận/đồng ý/ký trên Hợp đồng thế chấp của 1 trong các thành viên của Hộ gia đình, Hợp đồng thế chấp đó sẽ bị vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần (tương ứng với phần quyền của thành viên bị thiếu đó). Trường hợp thiếu ý kiến chấp thuận/đồng ý/ký trên Hợp đồng thế chấp của 1 trong các thành viên của Hộ gia đình nhưng có căn cứ xác định thành viên đó đã biết và không có ý kiến khiếu nại và hoặc đã được hưởng lợi từ giao dịch bảo đảm đó thì có được coi là đã chấp thuận hay không?

Như vậy, trường hợp giao dịch bảo đảm không có tham gia của 1 trong các thành viên trong hộ gia đình, đối với các tài sản có thể phân chia (hiện vật hoặc giá trị), thì Tòa án nên tuyên Hợp đồng bảo đảm vô hiệu một phần theo đúng quy định tại Điều 135 BLDS 2005; Điều 130 BLDS 2015: “Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Trường hợp có căn cứ xác định thành viên đó đã biết và không có ý kiến khiếu nại và hoặc đã được hưởng lợi từ giao dịch bảo đảm đó thì được coi là đã chấp thuận và tuyên không vô hiệu.

Về việc người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch với chính mình

Trong hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng thường cho phép cá nhân dùng tài sản riêng của mình bảo đảm cho nghĩa vụ của pháp nhân do mình là đại diện, khi giao kết giao dịch bảo đảm, giao dịch vay vốn, cá nhân có tài sản đã tham gia (ký kết trên các hợp đồng) với 2 tư cách, vừa là bên bảo đảm vừa là bên vay vốn hợp đồng bảo đảm, hợp đồng tín dụng.

Một số Tòa án cho rằng, Hợp đồng này đã vi phạm pháp luật theo Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Quan điểm trên theo các TCTD là không chính xác về pháp lý. Vì trong từng hợp đồng cá nhân ký với hai tư cách, nhưng ở mỗi hợp đồng giá trị của mỗi tư cách là khác nhau. Đối với hợp đồng bảo đảm, đây là giao dịch giữa bên thế chấp (chủ tài sản) với bên nhận bảo đảm (TCTD), hợp đồng này không điều chỉnh, xác lập và thực hiện giao dịch vay vốn. Việc cá nhân ký hợp đồng này với tư cách là bên vay vốn chỉ là “thủ tục thừa” không phải là trường hợp cá nhân đó giao dịch với chính mình. Tương tự đối với hợp đồng tín dụng là giao dịch giữa TCTD với bên vay vốn, hợp đồng này không điều chỉnh, xác lập và thực hiện đối với giao dịch bảo đảm. Do vậy, việc cá nhân ký trên hợp đồng này với tư cách là bên bảo đảm cũng chỉ là “thủ tục thừa” không phải là trường hợp cá nhân đó giao dịch với chính mình.

Do đó, Tòa án không nên áp dụng quy định nói trên để tuyên vô hiệu đối với các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã ký 3 bên như các trường hợp đã nêu. 

Trường hợp nhiều tài sản bảo đảm cho một khoản vay và ngược lại

Về vấn đề này, Điều 296 BLDS 2015 đã quy định: “Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ… Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản”. Khoản 1 Điều 293 BLDS 2015 cũng quy định: “Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, không có quy định nào bắt buộc phải xác định mỗi tài sản có nghĩa vụ là bao nhiêu trong nghĩa vụ chung của bên được bảo đảm.Tuy nhiên, có thể xuất phát từ bên bảo đảm nên nhiều trường hợp Tòa án yêu cầu TCTD phải xác định tỷ lệ bảo đảm của từng tài sản trên khoản nợ chung, trong khi Hợp đồng bảo đảm không có thỏa thuận về việc này mà thỏa thuận đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ.

Theo các TCTD yêu cầu trên là không có căn cứ, trái với thỏa thuận (hợp pháp) của các bên trong hợp đồng bảo đảm. Do đó, Tòa không nên đưa ra yêu cầu trên đối với TCTD và cũng không chấp nhận yêu cầu này của các đương sự khác trong vụ án trong trường hợp Hợp đồng bảo đảm đã thỏa thuận tài sản bảo đảm cho toàn bộ các nghĩa vụ.

Về việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với TSBĐ

Một số Tòa án hiện nay yêu cầu phải thực hiện thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ đối với mọi loại TSBĐ. Trường hợp không thực hiện được thủ tục này, Tòa án đề nghị TCTD phải rút yêu cầu giải quyết đối với các tài sản này thì mới tiếp tục xem xét giải quyết vụ án.

Quan điểm như vậy được cho là chưa phù hợp với thực tiễn. Việc “xem xét, thẩm định tại chỗ” chỉ thực sự cần thiết, phù hợp với một số loại TSBĐ như bất động sản, các loại động sản có tính ổn định cao như dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị đồng bộ…, không phù hợp với một số loại TSBĐ có hình thái đặc thù, hoặc biến đổi như hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc thường xuyên di chuyển mà TCTD không kiểm soát được như ô tô, xe chuyên dùng…

Đồng thời, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và nghĩa vụ chịu chi phí này mặc dù đã được quy định tại các Điều 155, 156, 157 và 158 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nhưng trường hợp Tòa án quyết định việc xem xét thẩm định tại chỗ, thì TCTD phải nộp tiền tạm ứng chi phí (Khoản 2 Điều 156) mà không quy định trong trường hợp này đương sự nào phải chịu chi phí, nên phát sinh trường hợp TCTD (với tư cách là nguyên đơn) là người nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, mặc dù yêu cầu khởi kiện được Tòa án chấp thuận nhưng Bản án lại không tuyên hoàn trả tiền tạm ứng nộp, dẫn đến TCTD “bị” xác định là người chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, nhưng không có căn cứ để hạch toán.

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng

Là một trong những ngành tiên phong áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động của mình, các TCTD đã và đang triển khai nhiều giao dịch bằng phương tiện điện tử như các giao dịch chuyển tiền qua internet, các giao dịch gửi nhận hồ sơ qua email có gắn chữ ký số, xác nhận giao dịch bằng phương tiện điện tử, điện thoại. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp vụ án hiện nay, tòa án chưa cho phép sử dụng các dữ liệu điện tử mặc dù Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định về nguồn chứng cứ, trong đó có “dữ liệu điện tử” và “thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” (Điều 95).

Về thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng

Một số Tòa án khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng chỉ chấp nhận tính lãi suất quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm Hợp đồng đối với vi phạm khác ngoài hành vi không trả nợ đúng hạn vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm là “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”.

Các TCTD cho rằng việc không chấp nhận tất cả các thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng là chưa phù hợp. Lý do: Tại Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định “ 1. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 13 Thông tư này”;  Khoản 4 Điều 13 TT 39/2016/TT-NHNN quy định: Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại Điểm a Khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Như vậy, trừ vi phạm về nghĩa vụ trả nợ, thì nội dung thỏa thuận về phạt vi phạm khác trong hợp đồng tín dụng vẫn có hiệu lực và cần phải được tôn trọng.

Quy định về chủ thể của quan hệ bảo đảm bằng tài sản

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật công nhận chủ thể trong quan hệ dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân, trong khi Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật nhà ở, các quy định pháp luật về thuế,... vẫn quy định những chủ thể là Hộ gia đình, Hộ kinh doanh, Tổ hợp tác, Doanh nghiệp tư nhân, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia giao dịch, được pháp luật chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để tham gia giao dịch.

Xung đột trên gây ra hệ lụy phức tạp trong thực tiễn như hiệu lực của những giao dịch do Hộ gia đình, Tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân đã thực hiện trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực (01/01/2017) mà các bên vẫn tiếp tục thực hiện (thực hiện theo Hợp đồng cũ hay phải ký lại hợp đồng mới theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015) và các giao dịch do các chủ thể này thực hiện sau ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực (01/01/2017).

Về đình chỉ thi hành án tài sản của bên thứ ba trong quá trình giải quyết phá sản

Theo các TCTD, trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều trường hợp lợi dụng các quy định pháp luật để trì hoãn nghĩa vụ phải thi hành án bằng tài sản của bên thứ ba, làm cho thời gian xử lý thu hồi khoản nợ xấu của TCTD bị kéo dài, thông qua việc nộp đơn yêu cầu phá sản. Trong khi đó, Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP chưa hướng dẫn về việc xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba tại Cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình giải quyết phá sản.

Vì vậy, TANDTC cần căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị quyết 42 “…Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại Nghị quyết này” để bổ sung Nghị quyết 03/2018, theo đó, quy định không tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án về xử lý tài sản bảo đảm là tài sản của bên thứ ba, đối với trường hợp Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc ra Quyết định mở thủ tục phá sản.

Đề nghị cải tiến về thủ tục hành chính tố tụng

Đối với hồ sơ khởi kiện

Quy định hiện nay yêu cầu cùng Đơn khởi kiện TCTD phải cung cấp các tài liệu pháp lý của Ngân hàng như (i) Giấy phép thành lập và hoạt động; (ii) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; (iii) Điều lệ tổ chức và hoạt động; (iv) Quyết định uỷ quyền tham gia tố tụng và các văn bản khác theo yêu cầu của Toà án (như Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT/Tổng Giám đốc – là người đại diện theo pháp luật).

Dung lượng các tài liệu này khá lớn (có thể hàng trăm trang - đặc biệt là Điều lệ Ngân hàng). Điều này làm phát sinh chi phí về in ấn tài liệu và nhân lực phục vụ. Để tránh lãng phí, các TCTD đề xuất cung cấp hồ sơ pháp lý một lần cho Tòa án (Toà án sẽ lưu và sử dụng cho các lần sau), khi ngân hàng có sự thay đổi về hồ sơ pháp lý thì phải có trách nhiệm cập nhật kịp thời cho Toà án hoặc tạo 1 thư mục trên cổng thông tin điện tử của TANDTC để các TCTD gửi và cập nhật thông tin hồ sơ pháp lý (bản scan), khi phát sinh việc khởi kiện, các Toà án sẽ sử dụng các hồ sơ pháp lý được đăng tải trên cổng thông tin này.

Đối với việc gửi văn bản tố tụng

Khi các TCTD khởi kiện khách hàng để xử lý nợ, thông thường sẽ uỷ quyền cho Chi nhánh (đơn vị trực tiếp quan hệ với khách hàng) đại diện tham gia tố tụng trong toàn bộ quá trình khởi kiện. Đơn khởi kiện nêu rõ việc uỷ quyền cũng như đầu mối của TCTD (đại diện của Chi nhánh; địa chỉ Chi nhánh; số điện thoại liên hệ) để Toà án gửi các Thông báo, Giấy triệu tập, văn bản tố tụng. Tuy nhiên, thực tế các Toà án đều gửi văn bản thông báo, quyết định tố tụng về trụ sở chính của TCTD, làm mất thời gian truy cứu xem vụ việc phát sinh tại Chi nhánh nào để chuyển tiếp văn bản. Trong khi đó, các văn bản thông báo tố tụng của Toà án không nêu rõ thông tin liên lạc của Thẩm phán phụ trách giải quyết hoặc thư ký như địa chỉ email, số điện thoại cơ quan… để các TCTD có thể liên hệ tìm hiểu thông tin. Vì vậy, đề nghị toà án các cấp gửi văn bản thông báo, quyết định tố tụng cho các TCTD theo đúng địa chỉ, thông tin ghi trong đơn khởi kiện.

Đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật

Hoàn thiện quy định về xử lý TSBĐ trong các vụ việc vi phạm hành chính

Thực tế xảy ra, nhiều vụ việc TSBĐ là phương tiện vận tải bị cơ quan công an tịch thu, tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính hoặc do vi phạm luật giao thông đường bộ. Nhiều trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm (là TSBĐ) bị xử lý theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính như xử lý bán đấu giá, số tiền thu được không chuyển cho TCTD để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm đã ký.

Trong khi đó, Nghị quyết 42 mới chỉ quy định về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự cho các TCTD mà chưa quy định về việc hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm của các vụ việc hành chính.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần kiến nghị Quốc hội bổ sung Nghị quyết 42 quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm trong các vụ việc hành chính là TSBĐ của các TCTD như quy định về xử lý vật chứng của các vụ án hình sự.

Xây dựng án lệ liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng

Số lượng án lệ trong giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động ngân hàng hiện rất ít (3 án lệ). Trong khi số lượng các vụ việc tranh chấp loại này mà Tòa án đang thụ lý là rất lớn, mặt khác các quy định của pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Để nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp về tín dụng và các tranh chấp dân sự khác trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, Hiệp hội Ngân hàng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xây dựng án lệ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Nghị quyết 42 - văn bản pháp lý vô cùng quan trọng - đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu - tốc độ xử lý được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, vướng mắc vẫn còn và thực tế cho thấy vẫn có thể cùng nhau “chung tay” cùng tháo gỡ xử lý nợ xấu - "cục máu đông" của nền kinh tế, dẫu vẫn biết đây không thể là việc có thể làm trong một sớm một chiều.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay thúc đẩy hiệu quả xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO