Các Hiệp hội ngành, nghề

Cởi nút thắt về chính sách để mở nút thắt về tư duy trong phát triển du lịch

Thế Công 17/05/2023 15:09

Tại Phiên họp lần thứ 23 diễn ra trong tuần vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cởi nút thắt về chính sách để mở nút thắt tư duy đầu tư phát triển du lịch

Một trong những vấn đề dành được sự quan tâm khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào hai dự Luật này đó chính là việc kéo dài thời gian lưu trú cho người nhập cảnh. Bởi trong một thời gian dài, đây được xem như là "nút thắt" khá lớn làm giảm sức cạnh tranh về du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.  

130520231212-z434133997158417931c29d15fe4329e78afa900fab084-16839702402332629874-16842433334481679790418.jpg
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ rõ, các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này, nhất là trong bối cảnh  Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Một trong những mục đích của việc xây dựng Luật lần này đó là hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư

Bộ trưởng Tô Lâm 

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày nêu rõ, Ủy ban nhất trí với quy định thị thực điện tử (E-visa) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng. 

Cùng với đó, việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác. 

Dự kiến, hai dự Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong ít ngày tới đây. Và chắc chắn, thời điểm các đại biểu bấm nút thông qua dự Luật này sẽ là một thời khắc rất quan trọng và có ý nghĩa đối với công tác quản lý nhà nước cũng như những người làm du lịch của Việt Nam hiện nay.

Vấn đề nới lỏng chính sách visa không phải mới mà đã được các doanh nghiệp, nhà quản lý kiến nghị từ rất lâu. Có thể thấy rằng, việc giới hạn thời gian lưu trú sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự định du lịch dài ngày của du khách, đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp bị hạn chế tư duy khi xây dựng các sản phẩm du lịch.

Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ bởi liên quan đến nhiều Bộ ngành như Công an, Quốc phòng, Ngoại giao nên để giải quyết được nó cũng cần sự vào cuộc một cách tổng thể với tư duy phải cùng nhìn về một hướng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 15/3 mới đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp điều khách hàng cần".

Ngay sau Hội nghị quan trọng này, Chính phủ đã nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày (3 tháng), có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đồng thời, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Thời điểm đó, đề xuất này đã mở đường để "nút thắt" của ngành Du lịch được tháo gỡ thành công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút khách quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Chúng ta chưa thể kỳ vọng việc tháo gỡ nút thắt trong chính sách lưu trú thì du lịch Việt Nam sẽ thay đổi bộ mặt trong ngày một, ngày hai. Nhưng điều quan trọng là từ việc cởi nút thắt về chính sách sẽ mở nút thắt trong tư duy đầu tư và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững. Đó được xem như là đòn bẩy quan trọng để người dân, doanh nghiệp du lịch dám nghĩ xa hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề thay đổi chính sách visa mà Bộ Công an đã đồng hành cùng Bộ VHTTDL để trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ cũng đã một lần nữa cho thấy một bài học quý khi sức mạnh tập thể được phát huy.

Quan trọng là sự chủ động trong tư duy, tầm nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch

Để Du lịch Việt Nam được phát triển theo hướng bền vững, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế, có sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, sẽ cần nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương. Nhưng giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất, đó chính là sự chủ động trong tư duy, tầm nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là người đứng đầu.

img2518-1683615794164318135453-1684243333502658310772.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc ngày 9/5 với Tổng cục Du lịch để nghe báo cáo về tình hình du lịch 4 tháng đầu năm, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-01/5, nhiệm vụ trọng tâm thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Câu chuyện về chính sách visa mà Quốc hội đang bàn thảo là một minh chứng khá điển hình, thể hiện rõ kết quả cho quyết tâm đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về du lịch thay vì "làm" du lịch mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề cập ngay từ đầu nhiệm kỳ.  Có thể thấy, cũng chính vì tư duy đổi mới trong công tác quản lý nhà nước, nhiều điểm nghẽn trong phát triển du lịch cũng đã được phát hiện kịp thời trong quá trình Bộ VHTTDL rà soát, ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Trong một cuộc họp mới đây để đánh giá về lĩnh vực du lịch trong 4 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu Tổng cục Du lịch, Cục Hợp tác quốc tế cần lên kế hoạch cụ thể để khẩn trương thông tin về chính sách visa thông thoáng đến các quốc gia nhất là các thị trường trọng điểm về du lịch của Việt Nam sau khi được Quốc hội thông qua.  

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng cũng đề cập về công tác xúc tiến quảng bá về du lịch. Trong đó, ông yêu cầu để phát huy được sức mạnh tổng hợp thì Tổng cục Du lịch phải đóng vai trò là đầu mối nhằm kết nối các địa phương để công tác xúc tiến quảng bá phải được "nhìn về một hướng" theo chiến lược của quốc gia. Hiện vẫn còn tình trạng một số địa phương triển khai xúc tiến quảng bá về du lịch theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, đi lệch với định hướng.

Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng đó là doanh nghiệp du lịch cần phải xây dựng các sản phẩm mới, phù hợp nhằm níu chân du khách quốc tế ở lại Việt Nam lâu hơn sau khi chính sách "mở cửa" về visa được thông qua trong thời gian tới. Mặt khác, chúng ta cũng cần cho du khách quốc tế thấy được một hình ảnh về đất nước an toàn, con người thân thiện. Và muốn làm được điều đó, trước hết mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức để "mỗi người dân là một đại sứ về du lịch".

Cao điểm của mùa du lịch quốc tế thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 của năm sau đó. Như vậy, vẫn còn một thời gian khá dài để có bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đón du khách quốc tế đến Việt Nam để khám phá, trải nghiệm về một đất nước tươi đẹp, mến khách, an toàn.

Quan trọng hơn, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần khẩn trương ban hành các nghị định, thông tư để các chính sách quan trọng này sớm đi vào thực tiễn, tạo điều kiện để Du lịch Việt Nam sớm phục hồi như thời kỳ trước đại dịch, từng bước khẳng định về vai trò, vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn như Đảng, Nhà nước đã kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cởi nút thắt về chính sách để mở nút thắt về tư duy trong phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO