Tin Hiệp hội Ngân hàng

Đánh giá rủi ro rửa tiền cần cụ thể hóa để đảm bảo việc thực hiện có căn cứ, nguyên tắc rõ ràng

Minh Ngọc 21/09/2023 11:24

Phát biểu tại Hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức chiều ngày 20/9, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN nhận định, đánh giá rủi ro rửa tiền là một trong những điểm trọng yếu của Thông tư 09/2023/TT-NHNN (Thông tư 09).

z4711087162538_227a9a293b8b9fc819c429c1ebb1c09c.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN phát biểu tại Hội nghị

Theo đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền, đánh giá rủi ro là vấn đề không mới bởi quy định về vấn đề này đã được đưa vào Thông tư 20 và được các ngân hàng triển khai. Theo đó, các tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng, công ty tài chính – những đối tượng chủ chốt thuộc quản lý của NHNN, đã tiến hành đánh giá rủi ro về rửa tiền tại tổ chức. Tuy nhiên, Thông tư 20 năm 2019 chưa đưa ra những thang điểm hay yêu cầu, hướng dẫn cụ thể. Do đó, Thông tư 09 được ban hành trong bối cảnh đặt ra những yêu cầu bắt buộc, cụ thể hóa trong quá trình thanh tra, giám sát, quản lý và hướng dẫn các đối tượng báo cáo, đặc biệt là những đối tượng báo cáo mới tiếp cận công tác phòng, chống rửa tiền hoặc những đối tượng thuộc lĩnh vực, ngành, nghề chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các quy định, chuẩn mực quốc tế.

“Những đối tượng này rất cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể trong hoạt động đánh giá rủi ro”, bà Nguyễn Thị Minh Thơ nhận định.

10 nhóm vấn đề của Thông tư 09

Theo đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền, có 10 nhóm vấn đề trọng tâm tại Thông tư 09, cụ thể như sau:

Đầu tiên, về phạm vi điều chỉnh. Thông tư này quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.

Ngoài ra, đối tượng báo cáo cần thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro. Đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết, việc đánh giá rủi ro tốn nguồn lực lớn của tổ chức nên có thể thực hiện cập nhật nếu không thấy có những biến động lớn sau khi rà soát thông tin dữ kiện đầu vào để phục vụ cho đánh giá rủi ro tại tổ chức; hoặc thông tin, số liệu của năm sau so với năm trước không có quá nhiều chênh lệch dẫn tới biến động về rủi ro.

Các tổ chức cần gửi báo cáo đánh giá rủi ro không chỉ cho NHNN mà còn cho các bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hoàn thành. Thời hạn hoàn thành được tính khi Tổng Giám đốc phê duyệt, tập đoàn mẹ phê duyệt hay HĐQT thông qua. Các tổ chức cần xác định rõ ràng thời điểm hoàn thành được xác định khi nào và phải được nêu trong quy định của tổ chức. Nếu tổ chức thuộc các ngành khác như chứng khoán, bảo hiểm... thì đồng thởi gửi cho NHNN và cơ quan quản lý của các bộ, ngành trực tiếp chủ quản.

Thứ hai, tiêu chí đánh giá rủi ro về rửa tiền, tiêu chí nguy cơ rửa tiền và tiêu chí mức độ phù hợp của chính sách, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng báo cáo là 3 tiêu chí cấp 1 để tiến hành đánh giá rủi ro tại tổ chức. Đây là những tiêu chí bắt buộc phải có, tuy nhiên, tổ chức vẫn có thể đánh giá, bổ sung thêm những tiêu chí khác để đưa vào đánh giá rủi ro.

Nếu tổ chức đang đưa ra các tiêu chí hoặc là trùng khớp một phần, hoặc không trùng khớp với những tiêu chí pháp luật đưa ra thì cần có động tác xem xét, đánh giá để quy đổi tương ứng.

Thứ ba, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo là phương pháp chấm điểm. Phương pháp chấm điểm được thực hiện trên cơ sở tính điểm đối với từng tiêu chí quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Cụ thể, điểm số của từng tiêu chí được xác định theo thang điểm từ 1 đến 5 theo nguyên tắc: điểm số có giá trị càng nhỏ thì nguy cơ rửa tiền càng thấp, điểm số có giá trị càng nhỏ thì mức độ phù hợp của chính sách, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền càng cao.

Nếu tổ chức chưa quy đổi ra điểm số thì cần có động tác quy đổi ra điểm số bởi không chỉ phục vụ hoạt động của tổ chức theo quy định pháp luật, mà còn phục vụ cho hoạt động tổng hợp, giám sát, báo cáo của các cơ quan quản lý.

Các tổ chức được tự quyết định trọng số nhưng phải diễn giải được để đảm bảo tính phù hợp và tính khả thi theo chuẩn mực quốc tế. Công tác đánh giá cần có thông số ổn định, cụ thể hóa theo điều kiện, hoàn cảnh thực tế của tổ chức kinh doanh.

Thứ tư, về quy trình quản lý rủi ro và phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro. Nguyên tắc này phải đưa ra được những quy trình quản lý rủi ro, khách hàng có mức độ rủi ro rửa tiền thấp/cao/trung bình để từ đó có biện pháp phù hợp.

Thứ năm, đối tượng báo cáo là tổ chức phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền bao gồm: Chính sách chấp nhận, quản lý rủi ro; quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng; quy trình báo cáo giao dịch phải báo cáo, rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; Lưu trữ và bảo mật thông tin; Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn giao dịch; Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho NHNN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền; Kiểm soát, kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

Thứ sáu, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch có giá trị lớn theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền cho cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản giấy khi chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho việc báo cáo.

Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt có giá trị lớn để mua đồng Việt Nam hoặc nộp tiền mặt bằng đồng Việt Nam có giá trị lớn để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp tiền mặt.

Thứ bảy, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền khi phát hiện giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, phống rửa tiền. Báo cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc báo cáo bằng dữ liệu điện tử khi triển khai thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho việc báo cáo bằng dữ liệu điện tử và không áp dụng trong trường hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống rửa tiền không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa.

Thứ tám, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo NHNN khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền điện tử vượt quá mức giá trị theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, không đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

Thứ chín, thiết lập đường truyền, kết nối mạng truyền tin với NHNN thông qua Cục Công nghệ thông tin để gửi báo cáo, thông tin về phòng, chống rửa tiền. Cụ thể, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để quét, lọc theo danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị nhằm phát hiện, cảnh báo dấu hiệu đáng ngờ nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.

Thứ mười, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều này, các Thông tư sau hết hiệu lực thi hành: Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013, trừ quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ bằng văn bản giấy tại Điều 5, Điều 7, Điều 10, Mẫu biểu số 01 hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2023; Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014, trừ quy định về báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử tại khoản 3 Điều 1 hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2023; Thông tư số 20/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019, trừ quy định về quy trình quản lý rủi ro và giao dịch chuyển tiền điện tử tại khoản 2, khoản 4 Điều 1 hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2023.

Một số kiến nghị

z4711087174694_32a20d59886eda0aa3115ba4891afa21.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng và Phó Cục Trưởng Phạm Thị Minh Thơ điều phối phiên thảo luận

Trao đổi tại phiên thảo luận, đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) bày tỏ mong muốn làm rõ các khái niệm về phạm vi nhóm khách hàng, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo chuyển tiền nội bộ trong hệ thống và quy định về triển khai kỹ thuật; đồng thời sớm có những hướng dẫn để ngân hàng có thể xây dựng cơ chế chuẩn chỉnh. Ngoài ra, ngân hàng này cũng hy vọng Cục Phòng, chống rửa tiền xem xét gia hạn quy định về việc gửi báo cáo giải trình, bổ sung hoặc chỉnh sửa trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sai sót của các TCTD từ NHNN.

Đồng tình với ý kiến của MB, đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) bổ sung thêm, quy định về nhận biết khách hàng tại khoản c, Điều 6 của Nghị định 19 đang ở phạm vi quá rộng, đặc biệt đối với các giao dịch phức tạp như giao dịch quốc tế. Do đó, ngân hàng này đề nghị làm rõ hơn khái niệm giao dịch của các bên liên quan, đồng thời chia sẻ biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc khi các TCTD và đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch này.

Về khó khăn liên quan đến nhận biết khách hàng tại Điều 6.1.b của Nghị định 19 quy định các tổ chức tài chính sẽ phải nhận biết khách hàng khi khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không giao dịch trong thời gian 6 tháng liên tục và thực hiện một giao dịch nộp, rút/chuyển khoản có tổng giá trị vượt trên ngưỡng báo cáo 400 triệu đồng, đại diện Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài cho rằng, khái niệm “khách hàng không có tài khoản” sẽ bị giới hạn và được hiểu là khách vãng lai (walk in client) - chưa bao giờ thiết lập mối quan hệ hoặc chưa bao giờ được ngân hàng làm thủ tục nhận biết khách hàng (KYC). Vì vậy, khi đối tượng khách hàng này đến làm việc với ngân hàng với giá trị giao dịch lớn hơn 400 triệu đồng thì ngân hàng sẽ phải làm KYC trước khi thực hiện giao dịch cho khách hàng. Nếu không làm rõ khái niệm này, toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi Nghị định này không phân biệt đối tượng giao dịch giữa ngân hàng với ngân hàng hay giao dịch giữa ngân hàng và các khách hàng thông thường. Do đó, MSB kiến nghị, khái niệm “khách hàng không có tài khoản” nên được hiểu là khách vãng lai theo đúng các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về phòng, chống rửa tiền (FATF) để tránh ảnh hưởng đối với các hoạt động liên ngân hàng. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng kiến nghị, khái niệm “khách hàng có tài khoản nhưng không giao dịch” tức là bất cứ mối quan hệ giao dịch nào giữa ngân hàng và khách hàng, không nhất thiết là các giao dịch thông qua tài khoản.

Ghi nhận ý kiến của các TCTD, đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền NHNN cho biết sẽ trả lời bằng văn bản những nội dung mà các đơn vị đã kiến nghị sau buổi làm việc. Thông qua việc triển khai các nội dung cụ thể tại Thông tư 09, NHNN sẽ có những cẩm nang và hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vướng mắc mà TCTD gặp phải trong quá trình thực hiện.

Đại diện cho các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến của TCTD chưa được giải đáp thỏa đáng, đồng thời đề nghị các TCTD tiếp tục kiến nghị với VNBA những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 09 về phòng, chống rửa tiền.

“Tôi mong rằng, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ có văn bản trả lời hướng dẫn về Thông tư, quy định pháp luật mà các TCTD đã đặt vấn đề và tiếp tục hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho các tổ chức hội viên của VNBA trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá rủi ro rửa tiền cần cụ thể hóa để đảm bảo việc thực hiện có căn cứ, nguyên tắc rõ ràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO