Nghiên cứu - Trao đổi

Điều kiện phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và một số đề xuất, kiến nghị

ThS. Nguyễn Thị Hải Bình - TS. Vũ Văn Hoản - ThS. Lê Hồng Vân 03/09/2024 07:17

Hầu hết các NHTW đều đã và đang tìm hiểu về CBDC, trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu kỹ các điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến khả năng phát hành như khung pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ, quản lý giám sát,… để đảm bảo CBDC khi được phát hành có thể hòa chung vào dòng chảy tài chính mà không gặp sự cố đáng kể nào.

Tóm tắt: Trong những năm qua, tiền kỹ thuật số trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một hiện tượng mang tính toàn cầu và thu hút sự chú ý đặc biệt của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước. Trong bối cảnh đó, các NHTW trên thế giới đang dành nhiều sự quan tâm cho việc nghiên cứu và triển khai phát hành các loại tiền kỹ thuật số quốc gia của riêng họ (CBDC). Hầu hết các NHTW đều đã và đang tìm hiểu về CBDC, trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu kỹ các điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến khả năng phát hành như khung pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ, quản lý giám sát,… để đảm bảo CBDC khi được phát hành có thể hòa chung vào dòng chảy tài chính mà không gặp sự cố đáng kể nào. Là một nước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế - tài chính toàn cầu, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài sự vận động chung của thế giới. Chính vì vậy, những nghiên cứu bước đầu về các điều kiện tiên quyết để phát hành CBDC sẽ tạo nền tảng quan trọng cho cách tiếp cận và các bước đi tiếp theo của Việt Nam đối với đồng tiền hết sức mới mẻ này.

Từ khóa: tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, CBDC, Việt Nam

CONDITIONS FOR THE ISSUANCE OF CENTRAL BANK DIGITAL CURRENCY AND SOME PROPOSALS, RECOMMENDATIONS

Abstracts: In recent years, digital currencies have made remarkable progress world- wide, becoming a global phenomenon and attracting special attention from central banks. In that context, central banks around the world are putting focus on research and implementation process of launching their own digital currencies (CBDC). Most central banks have been carrying out studies about CBDC, focusing on the prerequisites affecting its possible launch such as legal framework, technical and technological infrastructure, management & supervision,... to ensure that CBDC, once issued, can join into the financial flow without any significant problems. As a country with deep integration in the global economy and finance, Vietnam can not stand aside from the common movements of the world. Therefore, initial research on the prerequisites for the issuance of CBDC will create an important foundation for Vietnam's approach and steps towards this new kind of currency.

Keywords: central bank digital currency, CBDC, VietNam

1. CÁC ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ PHÁT HÀNH CBDC

Về khung pháp lý

Các khuôn khổ pháp lý hiện hành thường được ban hành trong kỷ nguyên trước thời kỳ kỹ thuật số và việc nghiên cứu CBDC do đó cũng đòi hỏi xác định xem có cần thiết phải cải cách luật để đảm bảo rằng CBDC có thể được phát hành bởi NHTW hay không.

Pháp luật quản lý các NHTW tạo thành khuôn khổ trong đó NHTW có thể hoạt động, bao gồm hiến pháp, luật NHTW và các luật khác như luật hình sự, luật ngân hàng/ tổ chức tài chính, luật bảo vệ người tiêu dùng, luật minh bạch tài chính và luật ngân sách…. Các NHTW sẽ cần phải đánh giá mức độ và điều kiện của khung pháp lý hiện tại đối với việc cho phép phát hành CBDC. Các khía cạnh liên quan trực tiếp bao gồm: chỉ định tiền giấy (và tiền xu) là đồng tiền pháp định, chức năng quản lý tiền mặt của NHTW. Các khía cạnh pháp lý gián tiếp có thể bao gồm các yêu cầu về mua sắm, bảo mật dữ liệu, kiểm toán/giám sát bên ngoài, sự cần thiết phải tham khảo với chính phủ về các vấn đề cụ thể và/hoặc quyền của chính phủ ban hành chỉ thị cho NHTW.

Khuôn khổ pháp lý là một trong những mối quan tâm chính trong việc phát hành và đánh giá tác động của CBDC. Ví dụ, tùy thuộc vào khuôn khổ pháp lý hiện hành, CBDC có thể yêu cầu thay đổi về quản lý, kế toán và các tiêu chuẩn báo cáo tài chính để công nhận CBDC. Đồng tiền này ra đời và đi vào sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan chức năng, chẳng hạn như các cơ quan tài chính, thuế, thị trường vốn và các cơ quan thống kê, cùng với các cơ quan giám sát, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và các bên liên quan trong khu vực tư nhân, bao gồm người bán và người dùng.

Bảng 1: Phân tích khung pháp lý CBDC

dieu-kien-01(1).jpg
Nguồn: Kiff và các cộng sự (2020)

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ

Để trở thành một hình thức thanh toán kỹ thuật số đáng tin cậy, lâu bền và có thể thích ứng, bất kỳ một hạ tầng công nghệ CBDC nào đều phải an toàn và có khả năng chống chịu với rủi ro mạng, gian lận và các rủi ro hoạt động khác. Một hạ tầng công nghệ CBDC an toàn và có khả năng phục hồi đòi hỏi phải ra quyết định cẩn thận trong việc thiết kế cũng như trong quá trình vận hành, bảo trì và phát triển liên tục của nó. Các quốc gia có thể muốn sử dụng các công nghệ khác nhau để đạt được các mục tiêu này.

Cơ sở hạ tầng công nghệ CBDC cần đảm bảo mức độ sẵn sàng cao và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng và công nghệ chung như hạ tầng mạng, không gian mạng, hạ tầng mạng di động, hệ thống lưới điện và mạng phủ sóng trên cơ sở được kết nối vệ tinh và dựa trên nhu cầu về băng thông rộng lớn hơn ở các khu vực, đặc biệt khu vực mật độ cao. Tất cả cơ sở hạ tầng và công nghệ của CBDC phải có khả năng phục hồi hoạt động, chiến lược bảo mật dữ liệu và an ninh mạng cũng như khuôn khổ hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Công nghệ là một trong những yếu tố nền tảng, có tính quyết định tới việc thiết kế và vận hành CBDC. Trong một số trường hợp, việc vận hành một CBDC cụ thể được yêu cầu phải gắn với sự phát triển của công nghệ mới hoặc nâng cấp công nghệ hiện có để đáp ứng tốt tiêu chuẩn hoạt động. Theo Cheng và các cộng sự (2021), công tác đánh giá và phát triển công nghệ cần được thực thi đối với 3 khía cạnh chính: Tính toàn vẹn của hệ thống, khả năng hoạt động hiệu quả và khả năng thích ứng, phục hồi trong điều kiện bất lợi.

Về quản lý giám sát

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương ra đời với những đặc điểm mới sẽ đòi hỏi phương thức quản lý giám sát cũng cần được thay đổi, điều chỉnh nhằm giải quyết được những phát sinh mới trong quá trình hoạt động của CBDC. Trong đó, các vấn đề quan trọng cần lưu ý bao gồm:

(i) Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quyền riêng tư, trách nhiệm giải trình trong việc bảo vệ dữ liệu của người dùng và tính minh bạch về cách thông tin sẽ được bảo mật và sử dụng.

(ii) Bất kỳ CBDC nào cũng cần tích hợp nhu cầu thanh toán nhanh hơn, dễ tiếp cận hơn, an toàn hơn và rẻ hơn với cam kết giảm thiểu việc sử dụng mà tạo điều kiện cho tội phạm và được thiết kế để tuân thủ chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

(iii) Các CBDC cần được thiết kế để tránh các rủi ro có hại cho hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế, bao gồm chủ quyền tiền tệ và sự ổn định tài chính của các quốc gia, tránh việc sử dụng đáng kể bất kỳ CBDC nào của cư dân nước ngoài có thể dẫn đến thay thế tiền tệ và mất chủ quyền tiền tệ, gây cản trở khả năng của các cơ quan chức năng trong việc đạt được các mục tiêu chính sách.

(iv) CBDC đặt ra các yêu cầu mới về giám sát các tổ chức tài chính vì sự ra đời của CBDC có thể gây ra một số tác động nhất định đối với mô hình kinh doanh và lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, tùy thuộc vào thiết kế của CBDC, dữ liệu thanh toán của các hộ gia đình có thể rơi vào tay của các nhà khai thác phi ngân hàng khác, làm giảm vai trò của các ngân hàng trong việc ngăn chặn tiền rửa tiền và tài trợ khủng bố, đòi hỏi những thay đổi trong giám sát như yêu cầu bổ sung các quy định giám sát mới hay mở rộng các hoạt động giám sát hiện có.

(v) Các CBDC cần được giám sát để hạn chế và xử lý các rủi ro phát sinh từ các bên thứ ba như rủi ro vỡ nợ của các nhà phân phối, sàn giao dịch và nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử. Nếu những rủi ro này không được giải quyết đầy đủ bằng các quy định và cơ chế giám sát tài chính hiệu quả, việc sử dụng CBDC có thể sẽ chỉ giới hạn ở những nắm giữ và giao dịch nhỏ để tránh rủi ro vỡ nợ của các nhà cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, việc phát hành CBDC còn đòi hỏi một số các điều kiện khác như: (i) Sự ủng hộ của các bên liên quan như các cơ quan chính phủ, người dùng cuối, tổ chức tài chính, nhà cung cấp công nghệ và cơ sở hạ tầng, các tổ chức học thuật, tổ chức tư vấn, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn và cộng đồng quốc tế; (ii) Sự khả thi về thị trường, bao gồm các yếu tố về phía cầu dựa trên các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và về phía cung như cấu trúc hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng (phần cứng)…; (iii) Nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính và công nghệ thông tin chất lượng cao có thể vận hành và xử lý được các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành.

2. ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN CỦA VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN CBDC

Thứ nhất, chính sách pháp luật về tiền mã hóa và CBDC. Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có những biện pháp quản lý đối với nhu cầu sử dụng tiền kỹ thuật số ngày càng gia tăng thông qua một số nghị định liên quan đến việc quản lý tiền kỹ thuật số, tiền ảo và tiền số. Căn cứ theo Quyết định 942/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 15/6/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được giao nghiên cứu và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain trong vòng 3 năm tới. Ngoài ra, NHNN, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế pháp lý cho quản lý tài sản ảo và tiền ảo. Năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về vấn đề này. Những tiến triển trên cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có quan điểm cởi mở hơn về các loại tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên cho đến nay, tiền mã hóa hay tiền số vẫn chưa được công nhận, việc phát hành, giao dịch các loại tiền mã hóa tại Việt Nam vẫn là bất hợp pháp. Xét trên khía cạnh pháp lý, tiền mã hóa hiện không được coi là tài sản, hàng hóa dịch vụ hay phương tiện thanh toán song trên thực tế các nhà đầu tư vẫn thực hiện giao dịch sôi động, với giá trị rất lớn. Đối với CBDC, hiện chưa có cơ chế, quy định về việc ban hành đồng tiền kỹ thuật số của NHTW mà chỉ có tiền giấy và tiền kim loại.

Thứ hai, về cơ sở hạ tầng, công nghệ. Đối với công nghệ Blockchain, hiện nay có rất nhiều công ty và tập đoàn lớn đang xây dựng mạng lưới của riêng mình bằng công nghệ này. Tuy nhiên, nhận thức về công nghệ Blockchain ở Việt Nam vẫn chưa toàn diện, Blockchain ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số, những tiềm năng ứng dụng khác của công nghệ Blockchain như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục,… chưa được ứng dụng nhiều. Về hệ thống mạng lưới viễn thông, hiện nay mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước, mạng 5G đã được các nhà mạng thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố, Việt Nam đã có 93,5 triệu thuê bao smartphone với ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5% (tính đến tháng 3/2022). Hạ tầng viễn thông băng rộng đã được các doanh nghiệp viễn thông triển khai sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi số, là nhân tố tích cực cho triển khai CBDC.

Thứ ba, về công tác giám sát tiền mã hóa của Việt Nam. Ở Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền mã hóa và cũng chưa có đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền mã hóa. Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đã đưa ra nhiệm vụ đối với công tác quản lý, giám sát thị trường tiền mã hóa như: rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử; nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 để tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo... Như vậy, việc quản lý, giám sát tiền mã hóa vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, do đó việc quản lý giám sát CBDC khi được phát hành cũng sẽ là một vấn đề cần được lưu tâm nghiên cứu từ sớm để đưa ra hướng tiếp cận, xử lý.

3. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Để có thể thực hiện công tác nghiên cứu, phát hành và quản lý tốt đồng tiền mã hóa của Việt Nam thì việc phát triển kinh tế số là vô cùng quan trọng, điều này tạo ra không gian phát triển cho CBDC. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số; hoàn thiện khung pháp lý và thể chế phát triển kinh tế số; nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số; chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa và CBDC. Để có thể tiến hành việc phát hành CBDC thì Việt Nam cần cải cách luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hành và chấp nhận CBDC. Một số vấn đề cần được xem xét đó là: (1) thống nhất tên gọi và đưa ra định nghĩa cụ thể cũng như hoàn thiện khung pháp lý đối với tiền mã hóa; (2) nghiên cứu thêm và cẩn trọng hơn trong việc xem xét công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán; (3) chủ động nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát hành CBDC; (4) công nhận tiền điện tử là một loại tài sản lưu thông có điều kiện và xem xét các mức thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền điện tử; (5) Xem xét sửa Luật NHNN để đưa CBDC vào danh mục tiền pháp định được phát hành của NHNN.

Thứ ba, về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Để phát triển CBDC cần đảm bảo về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để có thể tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu cũng như quản lý thị trường tiền số này. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển CBDC; nâng cao nhận thức về công nghệ blockchain ở Việt Nam cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân lực về blockchain và về công nghệ số; đào tạo kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ công chức chịu trách nhiệm triển khai giám sát chính sách tiền tệ.

Thứ tư, về công tác quản lý giám sát trên thị trường tiền mã hóa và CBDC. Để thực hiện tốt việc quản lý, giám sát CBDC, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, tổ chức có thể cân nhắc thành lập bộ phận điều hành, kiểm soát các hoạt động của đồng tiền điện tử cũng như CBDC; đào tạo cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý, giám sát; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường các biện pháp pháp lý, giám sát đối với các giao dịch tiền mã hóa và CBDC xuyên biên giới

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Cheng, J., Lawson, A.N., Wong, P. (2021). Preconditions for a general-purpose central bank digital currency. FEDS Notes.

- Kiff, J., Alwazir, J., Davidovic, S., Farias, A., Khan, A., Khiaonarong, T., Malaika, A., Monroe, H., Sugimoto, N., Tourpe, H. & Zhou, P. (2020). A Survey of Research on Retail Central Bank Digital Currency. IMF working paper.

- Hiến pháp 2013

- Bộ Luật dân sự 2015

- Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015

- Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

- Luật Thương mại 2005

- Luật Đầu tư 2020

- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010

-Luật Doanh nghiệp 2020

-Quyết định số 1255/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo

-Quyết định số 942/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

- Chỉ thị số 10/CT-TTg năm 2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác

- Chỉ thị số 02/CT-NHNN (2018) về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tế số 15 năm 2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều kiện phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và một số đề xuất, kiến nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO