Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản hết thời "tay không bắt giặc", đến thời phải "làm thật chơi thật"

Minh Nhật 01/08/2024 06:24

Khi 3 bộ luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể "tay không bắt giặc", việc phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư phải là người làm thật chơi thật. Việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ không thể xảy ra khi các quy định pháp luật mới có hiệu lực.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại Tọa đàm Tiêu điểm đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới do TheLeader tổ chức ngày 30/7.

Tổng quan về thị trường bất động sản 20 năm trở lại đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường đã tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng mạnh, từ năm 2018 - 2019 đến nay đã xuất hiện những dấu hiệu gặp khó. Nguyên nhân là do những vướng mắc về thể chế, pháp lý. Hiện cả nước có trên 1.200 dự án, trên 30 tỷ USD, nằm chờ rà soát thanh tra.

ong-nguyen-van-dinh.jpg
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó cpChủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Trước thực trạng đó, Chính phủ, Quốc hội đã sửa đổi các luật liên quan đến thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.

Các bộ Luật này đều nhằm đồng nhất các quy định thể chế, liên quan đến sử dụng đất đai, không để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giúp cho các hoạt động đầu tư, sử dụng các nguồn lực đất đai được rõ ràng, minh bạch, hướng đến việc làm thế nào đẩy mạnh năng lực thực tế.

Về khó khăn của thị trường thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng đó chính là sự sàng lọc cuộc chơi. Thị trường chỉ còn lại những doanh nghiệp đủ năng lực trụ lại, các doanh nghiệp nhỏ sẽ buộc phải cùng liên doanh, liên kết để có đủ sức phát triển và tồn tại trên thị trường.

"Khi các luật có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể "tay không bắt giặc", việc phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư phải là người làm thật chơi thật. Việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ không thể xảy ra khi các quy định pháp luật mới có hiệu lực", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Nhận định về một số điểm mới của các luật liên quan đến thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dẫn chứng, bảng giá đất trước quy định 5 năm 1 lần, do trung ương quyết định, tuy nhiên hiện nay bảng giá đất được cập nhật hàng năm, phân quyền xuống địa phương. Các thông tin về giá đất chặt chẽ, rõ ràng, để cuộc chơi có tính chất sòng phẳng, công bằng hơn.

"Bên cạnh đó là các quy định về đầu tư, nhà ở xã hội, bán nhà cho người nước ngoài... đó là những quy định mới sẽ tạo cuộc chơi hay hơn, hấp dẫn hơn trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Đính nói, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi: "Vấn đề đặt ra là các Nghị định, Thông tư dưới luật liệu có phát sinh thêm những điểm nghẽn hay không?".

tgd-ghome.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home thì cho rằng Luật nhà ở năm 2024 tháo gỡ 4 yếu tố quan trọng cho nhà ở xã hội. Đầu tiên, trước khi ngày 1/8 các bộ luật có hiệu lực, các nghị định hướng dẫn về nhà ở xã hội đã có ngay trước đó. Đặc biệt, việc giải quyết được khâu định giá đất giúp rút ngắn đáng kể quá trình phát triển nhà ở xã hội.

Thứ hai, các chủ đầu tư nhà ở xã hội không còn phải bắt buộc dành ra 20% phần diện tích để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này giúp “cởi trói” rất lớn do đơn giá cho thuê, hiện được công khai trên các cổng thông tin, nhưng vẫn đắt hơn mặt bằng giá người dân tự cho thuê, chưa kể thủ tục pháp lý rất phức tạp. Việc mua bán hay cho thuê nên để thị trường tự quyết định.

Thứ ba, với quy định trước đây, người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại không đủ tiền, trong khi người trung lưu không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì không đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội. Cùng với đó là những quy định chồng chéo, phức tạp về vấn đề hộ gia đình – hộ khẩu.

Thứ tư, việc cởi trói điều kiện yêu cầu cá nhân mua (vợ/chồng) thu nhập không quá 15 triệu đồng mỗi tháng, bổ sung việc chính thức tính tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng đã tháo gỡ rất lớn cho người dân, cho thấy Bộ Xây dựng và Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến chuyên gia.

Bốn yếu tố trên sẽ giúp các chủ đầu tư thêm tự tin hơn trong phát triển nhà ở xã hội.

"Hiện ở các nước phát triển, cứ 5 người thì có 1 người đang ở nhà ở xã hội. Điều này cho thấy tính hợp lý và có cơ sở từ “con số 20%” theo quy định mà các cơ quản lý đã đưa ra. Với sự cởi trói mạnh mẽ về luật, tôi mong chờ thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội", ông Nguyễn Hoàng Nam nói thêm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bất động sản hết thời "tay không bắt giặc", đến thời phải "làm thật chơi thật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO