Hoạt động ngân hàng

Đồng Tháp: Dư nợ tín dụng lúa gạo đạt hơn 13.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2024

ThS.Trần Trọng Triết 06/03/2024 - 16:01

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp luôn chủ động, tiên phong triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhờ đó mà tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đạt khá.

lua-gao.jpg
Đồng Tháp: Dư nợ tín dụng lúa gạo đạt hơn 13.000 tỷ đồng

Để gia tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, ngay từ những ngày đầu năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tập trung chỉ đạo chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh công tác tăng trưởng tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút các khách hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Xây dựng và triển khai đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng các sản phẩm tín dụng mang tính đặc thù mà kinh tế địa phương có thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng;

Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan; cấp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có nợ xấu, nợ cơ cấu nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và ngân hàng kiểm soát được quá trình cho vay, thu nợ.

Nhờ vậy, huy động vốn ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 68.509 tỷ đồng, tăng 219 tỷ đồng, tăng 0,32% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay đạt 107.752 tỷ đồng, tăng 919 tỷ đồng, tăng 0,86% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ được kiểm soát dưới 2%... Có hơn 98% số hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, người dân đã được các ngân hàng tiếp nhận, thẩm định và cho vay.

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2024, các ngân hàng tại Đồng Tháp tập trung cho vay chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng cao nhất 66,1%, dư nợ đạt 70.000 tỷ đồng, kế đến là các lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản có dư nợ tín dụng đạt hơn 13.100 tỷ đồng, cho vay thu mua lúa gạo đạt dư nợ 13.500 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt dư nợ 12.500 tỷ đồng…

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế trên địa bàn đã góp phần vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định và duy trì tăng trưởng.

Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 tăng 5,79% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,71%. Một số ngành công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh duy trì mức tăng trưởng từ 5 - 10% (sản xuất bánh phồng tôm, miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 10,3% so với cùng kỳ; sản xuất dược (thuốc viên các loại) tăng 6,59%; chế biến thủy sản tăng 5,15%). Riêng ngành chế biến lương thực (xay xát, lau bóng gạo) tăng 39,01% và sản xuất da giày tăng 81,29%.

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 đạt 358,5 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính tái xuất xăng dầu) đạt 229,61 triệu USD, tăng 67,19% so với cùng kỳ. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, như: xuất khẩu thủy sản tăng 34,07% so với cùng kỳ, xuất khẩu gạo tăng 63,76%, xuất khẩu của ngành thực phẩm (bánh phồng tôm) tăng 74,44% và ngành may mặc tăng 132,54%.

Với sự nỗ lực cao, ngành Ngân hàng tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ tiếp sức nguồn vốn tín dụng cho khoảng 710 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế biến.

Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt các chỉ tiêu về hỗ trợ xây dựng 1 - 2 mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, sản xuất tiêu dùng bền vững để phổ biến và nhân rộng trên địa bàn tỉnh; 80% các khu, cụm công nghiệp và 50% làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Đồng thời có 80% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi được sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo...

Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, hệ thống ngân hàng có vai trò dẫn dắt rất lớn đối với nền kinh tế của tỉnh. Vì vậy, ngành Ngân hàng cùng đồng hành với địa phương để tạo ra sự đổi mới trong thời gian tới. Năm 2024, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đề ra chỉ tiêu: huy động tiền gửi tăng trưởng từ 12 - 14% so với năm 2023; tín dụng tăng trưởng 15% so với năm 2023; nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Dư nợ tín dụng lúa gạo đạt hơn 13.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO