Quyết định nâng hạng tín nhiệm các ngân hàng và doanh nghiệp lần này của Fitch Ratings được đưa ra tiếp nối quyết định nâng hạng tín nhiệm quốc gia mới đây.
Sau khi công bố quyết định nâng xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam (IDR) lên mức BB+ từ mức BB, triển vọng ổn định vào ngày 8/12/2023, hôm nay (ngày 14/12), Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục công bố nâng xếp hạng tín nhiệm của một loạt ngân hàng và doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
3 đại diện ngân hàng nước ngoài: HSBC, ANZ, Standard Chartered
Đối với nhóm ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, 3 ngân hàng bao gồm HSBC, ANZ và Standard Chartered, đã được nâng hạng tín nhiệm trong lần này.
Cụ thể, Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của HSBC Việt Nam lên ngưỡng BB+ từ mức BB, triển vọng IDR dài hạn lên mức BBB từ BBB-, triển vọng tích cực. Fitch Ratings nâng hạng IDR ngắn hạn bằng đồng nội tệ của HSBC lên ngưỡng F2 từ mức F3 và xếp hạng SSR ở ngưỡng bb+ từ bb.
Với Ngân hàng ANZ, Fitch Ratings nâng hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ngân hàng này lên ngưỡng BB+ từ BB, xếp hạng IDR bằng đồng nội tệ dài hạn lên ngưỡng BBB từ BBB-, triển vọng IDR dài hạn ở ngưỡng ổn định. Fitch Ratings nâng xếp hạng IDR bằng đồng nội tệ ngắn hạn của ANZ lên F2 từ F3, xếp hạng SSR lên mức bb+ từ bb.
Fitch Ratings nâng hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Ngân hàng Standard Chartered lên ngưỡng BB+ từ BB, xếp hạng IDR bằng đồng nội tệ dài hạn lên ngưỡng BBB từ mức BBB-, triển vọng tích cực. Fitch Ratings nâng xếp hạng IDR bằng đồng nội tệ ngắn hạn của Standard Chartered lên ngưỡng F2 từ F3 và xếp hạng SSR lên bb+ từ bb.
Nhóm các ngân hàng trong nước: Vietcombank, MB, VietinBank, Agribank, ACB
Đối với nhóm các ngân hàng trong nước, những ngân hàng được Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm lần này bao gồm: Vietcombank, MB, VietinBank, Agribank.
Xếp hạng hỗ trợ của chính phủ (GSR) phản ánh cho quan điểm của Fitch Ratings về khả năng hỗ trợ các ngân hàng tốt hơn từ phía nhà nước trong điều kiện cần thiết, như đã được nhắc đến trong báo cáo nâng hạng tín nhiệm Việt Nam công bố ngày 8/12/2023.
Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lên mức BB+ từ BB, xếp hạng hỗ trợ của chính phủ (GSR) lên bb+ từ bb, triển vọng IDR ở mức ổn định.
Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lên mức BB+ từ BB, xếp hạng hỗ trợ của chính phủ (GSR) lên bb+ từ bb, triển vọng IDR ở mức ổn định.
Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) lên mức BB+ từ BB, xếp hạng hỗ trợ của chính phủ (GSR) lên bb+ từ bb, triển vọng IDR ở mức ổn định.
Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) lên mức BB+ từ BB, xếp hạng hỗ trợ của chính phủ (GSR) lên bb+ từ bb, triển vọng IDR ở mức ổn định.
Đối với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), xếp hạng hỗ trợ của chính phủ (GSR) được nâng lên mức bb- từ b+. Xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) ở mức BB-. Triển vọng IDR ổn định.
Nhóm các doanh nghiệp lớn: EVN và 6 công ty thành viên; PVN và 3 công ty thành viên
Fitch Ratings nâng hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 6 đơn vị thành viên của EVN cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nhóm 3 đơn vị thành viên trực thuộc lên ngưỡng BB+ từ BB, triển vọng ổn định.
Nhóm 6 doanh nghiệp thành viên thuộc EVN bao gồm: Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC).
Nhóm 3 doanh nghiệp thành viên của PVN bao gồm: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Nâng hạng doanh nghiệp tiếp nối cho quyết định nâng hạng quốc gia
Theo lý giải của Fitch Ratings, quyết định nâng hạng tín nhiệm của loạt ngân hàng và doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày hôm nay có lý do trực tiếp từ quyết định nâng hạng tín nhiệm quốc gia công bố cách đây vài ngày.
Trước đó, vào ngày 8/12, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam (IDR) lên mức BB+ từ mức BB, triển vọng ổn định.
Theo Fitch Ratings, việc nâng hạng mới nhất phản ánh cho triển vọng trung hạn tích cực của Việt Nam. Triển vọng này được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào mạnh. Xu thế này sẽ thúc đẩy cho những cải thiện về cấu trúc.
Tin tưởng những thách thức kinh tế ngắn hạn xuất phát từ căng thẳng trên thị trường bất động sản, nhu cầu bên ngoài yếu cũng như một số chậm trễ về thực thi chính sách sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế, Fitch Ratings lý giải một số "lá chắn" của chính sách sẽ giúp xử lý tốt các rủi ro nói trên.
Theo quan điểm của Fitch Ratings, xếp hạng BB+ phản ánh cho những yếu tố sau:
Rủi ro trong lĩnh vực bất động sản được kiềm chế: Sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản và tăng trưởng kinh tế chững lại đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu vay tiền và giá trị tài sản của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023. Một số doanh nghiệp vay nợ nhiều sẽ có thể đương đầu với rủi ro cần đảo nợ khi khoản vay đáo hạn.
Hệ thống tài chính lớn: Quy mô tài sản của hệ thống tài chính lớn, ước tính ở mức khoảng 190% GDP vào thời điểm cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc lên 14% trong năm 2024 (năm 2023 ước tính khoảng 11%). Fitch Ratings tin rằng, vốn hóa ngành Ngân hàng sẽ cải thiện dần dần nhờ vào các kế hoạch huy động vốn.
Chính sách tiền tệ nới lỏng: Fitch Ratings dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giữ quan điểm chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024, khi mà vẫn còn tồn tại nhiều áp lực trong lĩnh vực bất động sản. NHNN đã hạ lãi suất tái cấp vốn 150 điểm cơ bản trong năm 2023, sau khi tăng 200 điểm cơ bản trong năm 2022, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và làm giảm đi áp lực căng thẳng tín dụng trên thị trường bất động sản.
Fitch Ratings dự báo, lạm phát sẽ giảm hơn nữa trong năm 2024 và vẫn trong mục tiêu kiểm soát của NHNN, sau khi giảm xuống ngưỡng trung bình 3,2% của năm 2023.
Nợ chính phủ ổn định: Fitch Ratings dự báo tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam sẽ ổn định ở mức khoảng 38%, rất thấp so với ngưỡng xếp hạng BB. Việt Nam đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 3,7% GDP trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 và sau đó giảm tiếp xuống 3% vào năm 2030.
Fitch Ratings dự báo thâm hụt ngân sách sẽ trung bình ở ngưỡng khoảng 4,3% GDP trong năm 2024 và 2025, cao hơn so với con số 4,1% GDP của năm 2023.