(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa làm đầu mối cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng Cục Thống kê) tham dự Hội nghị trực tuyến Ủy ban Tư vấn Văn phòng Tăng cường năng lực của IMF tại Thái Lan (CDOT – IMF) năm 2020.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến |
Tại Hội nghị trực tuyến được tổ chức vào ngày 31/7, các nước đã đánh giá cao việc IMF và Chính phủ Nhật Bản, Thái Lan đã hỗ trợ cho hoạt động của Văn phòng CDOT cũng như các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho các nước trong khu vực.
Các hỗ trợ của CDOT cho các nước trong khu vực về kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngân hàng, tài chính, tài khóa, thống kê… đều được các nước đánh giá cao; các chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu, kết quả đầu ra có tính ứng dụng cao, hỗ trợ kịp thời cho việc phân tích, dự báo, hoạch định chính sách tại các nước trong giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các hỗ trợ/khóa học trực tuyến của CDOT nói riêng và của IMF nói chung về các phản ứng chính sách trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ tích cực cho các nước trong việc dự báo, lập kế hoạch và điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng và tài chính.
Tại Hội nghị, đại diện của Việt Nam và các nước nhận tài trợ từ CDOT đã trao đổi, đề xuất các nội dung cần được CDOT hỗ trợ trong thời gian tới. Với chủ đề/mục tiêu của hội nghị năm nay là hỗ trợ các nước trong việc đánh giá tác động/giám sát và quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân hàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Trưởng đoàn Việt Nam - bà Hoàng Thị Phương Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế NHNN đã thông báo tóm tắt với Hội nghị về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, gói giải pháp chính sách toàn diện của Chính phủ Việt Nam nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Đồng thời, đề xuất với IMF về nhu cầu hỗ trợ của Viêt Nam trong thời gian tới, trong đó tập trung vào:
(i) Các hỗ trợ kỹ thuật hiện đang được CDOT thực hiện tại Việt Nam về: Thống kê khu vực đối ngoại; xây dựng mô hình phân tích và dự báo chính sách; quản lý ngân sách nhà nước; quản lý nợ; cải cách kho bạc nhà nước; quản lý thuế; thống kê kinh tế vĩ mô: hệ thống phổ biến biến dữ liệu chung tăng cường (e-GDDS); lập các tài khoản theo khu vực thể chế...;
(ii) Một số hỗ trợ nhằm chủ động đối phó, giảm thiểu tác động của COVID-19 như: Phân tích, đánh giá tác động của COVID-19 đối với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định tài chính và tài khóa; các mô hình, phần mềm phân tích, đánh giá, dự báo rủi ro hệ thống tài chính; sử dụng kỹ thuật phân tích mạng lưới ngân hàng trong đánh giá rủi ro hệ thống; thanh toán và ngân hàng số…
Hội nghị CDOT là một diễn đàn để các đại biểu thảo luận, chia sẻ quan điểm, đánh giá, kinh nghiệm về quá trình thực hiện, xây dựng và sử dụng hỗ trợ kỹ thuật, cũng như nhu cầu trong thời gian tới. Qua đó, Hội nghị CDOT sẽ có thể khớp nối được giữa kế hoạch, khả năng cung cấp, tài trợ của các bên, qua đó, giúp tăng cường năng lực cho các nước, hướng tới một khu vực phát triển tài chính ổn định và bền vững.