Hoạt động ngân hàng

Khơi thông dòng vốn tín dụng cho Khu vực Tây Nguyên

N.C 20/10/2023 20:00

Ngày 20/10, tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

Hội nghị do: Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì.

Tham gia hội nghị còn có: Lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh; đoàn đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, TCTD trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum.

dkd1234.jpg
Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 2 Hội nghị, 5 cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp; về phía NHNN, đã tổ chức 14 Hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 Hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nền kinh tế.

“Với mục đích tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp, chính sách về tín dụng để tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, cũng như nhìn nhận, đánh giá, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, ngày hôm nay, NHNN phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại khu vực Tây Nguyên”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

dkd..jpg
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu khai mạc hội nghị

Ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Liên, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Vinh Phúc (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, mua bán mủ cao su; trồng cây công nghiệp dài ngày...) đánh giá, hội nghị là hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực, là tiền đề, cơ hội tốt nhất để cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh Đắk Lắk có điều kiện tiếp cận với các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn để tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; đặc biệt là các đối tượng lãnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, qua hội nghị này, các doanh nghiệp có điều kiện được các cấp, các ngành hỗ trợ, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực tài chính.

Qua phát biểu, ông Phan Văn Liên bày tỏ lời cảm ơn tới Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tín dụng (đặc biệt là Agribank) đã quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. “Công ty chúng tôi đã giao dịch với Agribank 15 năm, đến nay Công ty được xếp loại khách hàng Vip Platium với dư nợ bình quân hàng năm khoảng 60 tỷ đồng. Agribank luôn là người bạn đồng hành cùng với công ty trong quá trình hình thành và phát triển”, ông Phan Văn Liên chia sẻ.

“Công ty cảm ơn sâu sắc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Kon Tum đã đồng hành giúp đỡ công ty được tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh và tái canh vườn cây trong suốt quá trình hình thành và phát triển”, đại diện Công ty Cà phê Đăk Uy phát biểu tại hội nghị.

Để đạt được sự ghi nhận như trên, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã tập trung: Điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; Chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt (như bất động sản, nông sản xuất khẩu chủ lực, công nghiệp và xây dựng, DNNVV, hợp tác xã,...); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng,….

Với các giải pháp quyết liệt được triển khai, kết quả đạt được là, đến nay lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2,0%/năm so với cuối năm 2022). Theo báo cáo của các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao so với các tháng gần đây.

Lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 140.699 tỷ đồng, với 148.285 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đến cuối tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng.

Với riêng khu vực Tây nguyên, báo cáo tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, với những giải pháp triển khai quyết liệt và nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng thời gian qua, tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2023 đạt trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 (toàn quốc cuối tháng 9 tăng 6,92%) và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó: Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt hơn 297 nghìn tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 (tăng trưởng của toàn quốc là 4,37%), chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng tập trung nguồn lực tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn khu vực Tây Nguyên. Đến ngày 30/9/2023, NHCSXH đang triển khai hơn 20 chương trình tín dụng tại khu vực Tây Nguyên, với tổng dư nợ đạt gần 27 nghìn tỷ đồng, tăng 10,13% so với năm 2022 (toàn quốc tăng 9,5%). Ngoài ra, ngành ngân hàng còn tích cực đầu tư cho vay các dự án trọng điểm, công trình cấp bách để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Tây Nguyên.

“Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực Tây Nguyên theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên

kdk2.jpg
Quang cảnh hội nghị

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng bà Hà Thu Giang cũng cho biết, việc đầu tư tín dụng nói chung và tại khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành Ngân hàng.

Tại Tây Nguyên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ chiếm khoảng 53%. Hoạt động huy động vốn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn, các TCTD phải nhận điều chuyển vốn từ hội sở để kinh doanh.

Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, đại diện ngành Ngân hàng cho biết, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể:

Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng với các đặc trưng thế mạnh của vùng. Chỉ đạo các TCTD cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng (cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây...), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống NHTM, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...). Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.

Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN nhấn mạnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông dòng vốn tín dụng cho Khu vực Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO