Trả lời Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân giá bất động sản khu vực Hà Nội thời gian qua bị đẩy lên rất mạnh là do có dấu hiệu tác động từ những nhóm động cơ không lành mạnh. Từ việc chung cư tăng giá đến các phiên đấu giá gần đây cũng bị lợi dụng để làm cho giá cả tăng lên bất thường, làm lệch lạc thị trường.
Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về thị trường bất động sản 8 tháng đầu năm 2024?
Ông Nguyễn Văn Đính: Cuối năm 2023, Chính phủ điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản giúp tháo gỡ phần nào khó khăn của thị trường thời gian trước đó. Những dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng phải dừng lại do thị trường yếu thì cuối năm 2023, đầu năm 2024 đã được nhà đầu tư tung hàng ra thị trường. Dù nguồn cung không nhiều và ít hàng giá rẻ nhưng tính hấp thụ đã tăng lên rõ rệt.
Các dự án mở bán nhận được sự quan tâm từ khách hàng nhiều hơn. Lượng giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2024 tuy còn yếu, chỉ tương đương khoảng 20% giai đoạn 2028-2019 nhưng đã sôi động hơn hẳn so với giai đoạn năm 2022, đầu năm 2023.
Đáng chú ý, việc sửa các luật gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đã có tác động tích cực, mở ra thời kỳ mới, chu kỳ mới lạc quan hơn cho thị trường bất động sản. Doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng đều phấn khởi và kỳ vọng 3 luật liên quan bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng sẽ giúp nhiều vướng mắc được cởi bỏ, nhiều dự án được tháo gỡ khó khăn, từ đó, nguồn hàng sẽ tăng lên.
Cùng với những kết quả tích cực, thị trường cũng còn tồn tại nhiều vấn đề như: nguồn cung nhà ở giá rẻ, nguồn cung nhà ở xã hội chưa được cải thiện; áp lực cung cầu chưa được giải quyết. Đặc biệt, giá bất động sản khu vực Hà Nội bị tác động theo hướng tiêu cực, dẫn đến hiện tượng giá chung cư bị đẩy lên rất mạnh; các phiên đấu giá gần đây cũng bị lợi dụng làm cho giá cả tăng lên bất thường, làm lệch lạc thị trường.
Phóng viên: Còn các địa phương khác thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đính: Ở một số địa phương khác như Thanh Hóa, Hải Phòng,... giao dịch giá cả ổn định, phù hợp, giá cả không bị lợi dụng đẩy mạnh như ở Hà Nội. Điều này giúp tạo sức hút với nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển theo chiều hướng tích cực.
Phóng viên: Như ông vừa nói ở trên, giá chung cư tại Hà Nội thời gian qua đang bị đẩy lên rất cao. Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi cho rằng, việc giá bất động sản khu vực Hà Nội bị tác động tiêu cực có dấu hiệu tác động từ nhiều nhóm động cơ không lành mạnh. Từ việc chung cư tăng giá đến các phiên đấu giá gần đây cũng bị lợi dụng để làm cho giá cả tăng lên bất thường, gây ảnh hưởng đến thị trường, làm cho thị trường lệch lạc.
Thực tế, lượng giao dịch trên thị trường rất thấp. Có một số địa bàn tại Hà Nội đã và đang chào bán dự án sẽ có lợi khi giá bị đẩy lên, nhưng điều này không có tính tích cực chung cho thị trường.
Ngoài ra, còn nguyên nhân khá cơ bản là nguồn hàng chưa được đẩy mạnh. Hiện nay mới vào giai đoạn Luật có hiệu lực, các dự án nằm chờ luật mới bắt đầu được can thiệp, sẽ có độ trễ nhất định nên chưa giải phóng ngay được, dẫn đến cần thời gian để đưa nguồn hàng vào thị trường. Do vậy, nguồn cung vẫn khan hiếm trong khi cầu mạnh. Khi cung không đủ cầu thì dẫn đến tăng giá trên thị trường.
Phóng viên: Vậy, theo ông, để kìm giá chung cư thời gian tới, cần có những giải pháp nào?
Ông Nguyễn Văn Đính: Để giải quyết vấn đề này thì cần ngăn chặn tác động của những nhóm động cơ không lành mạnh và giải quyết bài toán cung - cầu.
Về tác động của những nhóm động cơ không lành mạnh thì hiện các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành đã vào cuộc, đang chỉ đạo rà soát, tìm giải pháp để điều tiết theo đúng luật kinh doanh bất động sản. Thời gian này, nhịp thị trường sẽ chậm lại so với những tháng trước đó để đưa thị trường về nhu cầu thực.
Về bài toán cung - cầu, cần đẩy mạnh nguồn cung vào thị trường nhằm giảm áp lực thì giá mới được điều chỉnh. Lời giải cho bài toán này thì không thể giải quyết ngay được mà cần chờ đợi các quy định pháp luật sớm vào cuộc để nhiều dự án đang vướng mắc hiện nay sớm được cởi trói, giúp nguồn cung tăng lên, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội. Tôi hi vọng giai đoạn đầu năm 2025 sẽ tăng nguồn cung vào thị trường.
Phóng viên: Ông có cho rằng thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn?
Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi cho rằng, thị trường những tháng cuối năm vẫn sẽ duy trì nhịp chậm, tăng trưởng không mạnh do giá chưa được điều chỉnh nhiều, đặc biệt là khu vực Hà Nội.
Việc thị trường có thể sôi động hơn hay giá có được điều chỉnh nhiều hơn vào đầu năm 2025 còn phụ thuộc vào việc giải quyết các chính sách, ứng dụng quy định mới của các luật liên quan đến bất động sản trong việc xử lý các dự án đang đắp chiếu. Nếu giải quyết nhanh, mạnh hơn sẽ giải quyết được các vấn đề căn cơ của thị trường. Ngược lại, nếu vẫn yếu nguồn cung khi mà lực cầu tiếp tục mạnh thì vẫn áp lực và khó điều chỉnh được thị trường.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!