Đánh giá về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Việt Nam, PwC cho rằng, Việt Nam vẫn được kỳ vọng là một trong số ít quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh vào năm 2023, trong khi phần còn lại của thế giới được dự báo sẽ tiếp tục trải qua suy thoái nghiêm trọng.
Theo nhận định chung từ Fitch, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho đến nay, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực với mức tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến trên 5%, mặc dù GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72% so với cùng kỳ.
Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất của PwC Việt Nam cho biết, trong khi cả khu vực nông lâm ngư nghiệp và dịch vụ đều có xu hướng tích cực, thì khu vực công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bất ổn chính trị trên toàn thế giới.
Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ đã cho thấy rõ sự phục hồi nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và mở cửa trở lại nền kinh tế. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Mặt khác, theo PwC, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1/2007, một đặc điểm đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua là sự liên kết chặt chẽ và ngày càng tăng với các nền kinh tế khác, thông qua thương mại và đầu tư.
Hai trong số các động lực chính cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế là mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực xuất khẩu của quốc gia.
Trong nửa đầu năm nay, mặc dù xuất siêu 12,1 triệu USD nhưng tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ nông nghiệp, hóa chất, sản phẩm giấy và phương tiện vận tải/phụ tùng, hầu hết các lĩnh vực đều có xuất khẩu hàng hóa giảm từ 10-20% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu chững lại do ảnh hưởng bởi sức tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính giảm (mức giảm giá trị xuất khẩu của Mỹ, Hàn Quốc, EU và ASEAN lần lượt là 22%, 10%, 10% và 9% so với cùng kỳ). Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc và các nước xuất khẩu lớn khác ở Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia.
Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam (33%), tiếp theo là Hàn Quốc (16%). Hầu hết các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ hai thị trường này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị do các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đặt cơ sở sản xuất và đầu tư tại Việt Nam.
Kiểm soát lạm phát và cải thiện thanh khoản ngoại tệ (dòng vốn FDI, phục hồi ngành du lịch, xuất siêu) giúp tỷ giá USD/VND ổn định trước những bất ổn toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 chịu nhiều tác động từ chính sách kiểm soát lạm phát của Chính phủ, cùng những diễn biến bất lợi trên thị trường thế giới như đổ vỡ ngân hàng, tình hình tài chính của Credit Suisse...
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện nhờ nhiều chính sách gỡ rối liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản, cải thiện đầu tư công, lãi suất giảm,... nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.