Hoạt động ngân hàng

Lãi suất giảm nhưng tiền gửi vào ngân hàng đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay

Minh Đức 03/09/2023 07:48

Bất chấp lãi suất huy động giảm sâu và thị trường chứng khoán sôi động, tiền gửi vào ngân hàng đến cuối tháng 6 tiếp tục tăng lên và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

lai-suat-ngan-hang.jpg

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng vẫn là kênh giữ tiền được nhiều người dân lựa chọn.

Theo thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng tiền gửi đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng.

Trong tháng 6, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã tăng thêm hơn 35.000 tỷ đồng, lên hơn 6,382 triệu tỷ đồng, vượt xa số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng, tăng 8,82 điểm phần trăm so với cuối năm 2022 - cũng là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây.

Tiền gửi đến từ nhóm khách hàng tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện. Tính đến hết tháng 6, tiền gửi của các tổ chức ở mức 5,983 triệu tỷ đồng, tăng thêm 235.000 tỷ đồng so với tháng trước, tăng 0,51 điểm phần trăm so với đầu năm. Tháng 5 trước đó, tiền gửi của các tổ chức chỉ ở mức 5,748 triệu tỷ đồng, giảm tới 3,45 điểm phần trăm so với hồi đầu năm.

Tiền gửi dân cư vào ngân hàng đã cải thiện so với tháng 5 khi tiền gửi của người dân tại ngân hàng chỉ tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh bất chấp những tháng gần đây lãi suất ngân hàng giảm.

Trước đó, tiền gửi dân cư đã tăng 177.300 tỷ đồng trong tháng 1; tăng 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; tăng 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng bất ngờ tăng trở lại trong tháng 6 với 235.438 tỷ đồng được gửi thêm vào hệ thống ngân hàng. Trước đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã giảm 5 tháng liên tiếp.

Lũy kế đến tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,51% so với cuối năm ngoái. Trong khi trước đó, đến hết tháng 5 tiền gửi các tổ chức kinh tế thậm chí đã giảm 3,45% so với cuối 2022.

Trái ngược với lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tăng, lãi suất huy động lại tiếp tục giảm sâu. Riêng 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ còn 5,8%/năm. Còn kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng quanh mức 4 - 5%/năm. So với hồi đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm 3 - 4%/năm tùy theo ngân hàng và kỳ hạn.

Trong ngày cuối cùng của tháng 8, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều ngân hàng tiếp tục công bố giảm lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, Ngân hàng Quân đội (MB Bank) đã giảm lãi suất tiết kiệm 0,2% - 0,4% ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi, giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng TMCP cũng đã tiếp tục giảm lãi suất lần 2, 3, 4 trong tháng như: VPBank, TPBank, Bac A Bank, BaoViet Bank,...

Các chuyên gia trong ngành nhận định, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn trên 6 tháng sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; tăng trưởng tín dụng chậm trong 6 tháng đầu năm 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn. Trong thời gian tới, dự kiến Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất giảm nhưng tiền gửi vào ngân hàng đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO