Làm rõ các cơ chế tài chính để cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực

TTTCTT| 01/03/2019 11:18
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc tại Bộ Tài chính về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), chính sách ưu đãi thuế, tài chính với khối doanh nghiệp này hiện nay.

Đây là cuộc họp cuối cùng trong chuỗi hoạt động dài một tháng qua của Phó Thủ tướng với các địa phương nhằm định hướng chính sách thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn 10 năm tới của đất nước.

Bên cạnh những vấn đề liên quan tới phát huy vai trò của FDI đối với nền kinh tế trong nước, khắc phục những bất cập trong giải quyết các tồn tại của đô thị, xã hội và chuyển giao công nghệ, các thủ tục, quy trình mở rộng đầu tư dự án..., Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành làm rõ các cơ chế tài chính mà chủ yếu là thuế để cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực; xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI “vốn mỏng nhưng tay không bắt giặc”, đầu tư núp bóng...

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi sử dụng đất cần xác định qua các thời kỳ khác nhau, không thể áp dụng như cũ. Tính toán thu hút FDI trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và tính toán áp dụng các giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi linh hoạt hơn, kể cả biện pháp phi tài chính để thu hút các dự án lớn quan trọng từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chú trọng hoàn thiện chính sách về sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, nâng cao hiệu suất đầu tư trên 1 ha đất sử dụng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đầu tư và bảo đảm nhu cầu phát triển đô thị, xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, khuyến khích họ tăng vốn chủ sở hữu, giảm vốn vay, khắc phục tình trạng vốn mỏng, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá. Xây dựng hệ thống chuyên biệt trong Thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí.

Sau buổi làm việc này, Ban soạn thảo sẽ xây dựng dự thảo Đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình Bộ Chính trị vào tháng 4/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ các cơ chế tài chính để cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO