Hoạt động ngân hàng

Long An: Đẩy mạnh khơi thông vốn tín dụng cho vay nền kinh tế

ThS. Trần Trọng Triết 11/06/2024 - 09:56

Với phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn chung của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Long An. Do vậy, để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn mà các bên đang gặp phải, tạo môi trường thuận lợi, luôn quan tâm, lắng nghe và thực hiện nhiều giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

z5526845451255_06783194309ebd56623f354708605a42-1-.jpg

Theo thống kê, tỉnh Long An hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư (tỷ lệ lấp đầy đạt 67,41%), thu hút 1.882 dự án, trong đó 932 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 6,36 tỷ USD và 950 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 140.763,9 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh hiện có 17 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút 646 dự án (tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp đang hoạt động đạt 83,62%).

Mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn Long An ngày càng lớn mạnh. Tổng số các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 63, tăng 3 chi nhánh cấp 1 so với năm 2022. Để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn mà các bên ngân hàng và khách hàng đang gặp phải về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn chủ động kích cầu tín dụng bằng các giải pháp kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng hiệu quả hơn.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, đến nay, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 136.630 tỷ đồng, tăng 2,65% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 59,32% trên tổng dư nợ cho vay.

Bà Lê Thị Mỹ Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An chia sẻ, tuy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 2,65% so với cuối năm 2023 nhưng tăng cao hơn so với bình quân tín dụng nền kinh tế cả nước. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện nay ở mức 1,54% (cuối năm 2023 là 1,23%) nhưng vẫn bảo đảm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước là đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 3%.

Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 79.498 tỷ đồng (chiếm 59,72% trên tổng dư nợ cho vay); dư nợ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.339 tỷ đồng (chiếm 12,28%); còn lại là hỗ trợ cho vay xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là các động lực tăng trưởng mới, như: kinh tế xanh, kinh tế số; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống, tiêu dùng hợp pháp, chính đáng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An đã làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi và cho vay (gồm các khoản vay mới và các khoản vay còn dư nợ hiện hữu), nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Sau nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các biện pháp đồng bộ khác tại địa phương, mặt bằng lãi suất trên địa bàn Long An từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục trên đà giảm.

Nhờ đó mà các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu từ mở rộng nhà máy sản xuất đặt tại địa bàn tỉnh. Điển hình: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn (Tập đoàn Thái Tuấn) tổ chức (ngày 25/5/2024), khởi công xây dựng nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt với diện tích đất sử dụng hơn 360.000m2, quy mô 180 triệu mét vải/năm, tương đương 36.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng giá trị dự án trên 12.800 tỷ đồng. Nhà máy đặt tại Khu Công Nghiệp Đức Hòa III - SLICO, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập Toàn Thái Tuấn - Trần Hoài Nam chia sẻ, là một trong những doanh nghiệp dệt may cung cấp sản phẩm và dịch vụ thời trang hàng đầu Việt Nam với định hướng trở thành “Thương hiệu quốc tế cung cấp sản phẩm thời trang toàn cầu”, nhờ ngân hàng Vietcombank chi nhánh Long An cho vay nguồn vốn trung, dài hạn với mức lãi suất hợp lý cho nên Tập đoàn Thái Tuấn đã không ngừng đầu tư, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện đại nhất vào trong sản xuất.

Việc chính thức khởi công nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn đánh dấu một bước đột phá lớn trong hành trình đổi mới và vươn tầm thế giới của một thương hiệu thời trang Việt.

Đáng chú ý, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện hoạt động ngân hàng phải chấp hành theo đúng pháp luật, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, cung cấp dịch vụ gắn với bảo vệ người tiêu dùng; quan tâm phát triển mạng lưới tại các địa phương vùng xa nơi không có điều kiện áp dụng ngân hàng số và các dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành; tái cơ cấu hoạt động bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả, minh bạch để các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh tín dụng thương mại, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm của các địa phương, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 111 tỷ đồng. Vừa qua, HĐND tỉnh thống nhất bổ sung thêm 50 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh để cho vay.

Theo báo cáo từ NHCSXH chi nhánh tỉnh cho thấy, tổng nguồn vốn tín dụng đến nay đạt 6.129 tỷ đồng, tăng 423 tỉ đồng, tỷ lệ 7,42% so với năm 2023. Có được nguồn vốn, NHCSXH tích cực triển khai giải ngân các chương trình cho vay ngay từ đầu năm, kịp thời hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, với doanh số cho vay gần 1.140 tỷ đồng, dư nợ cho vay hiện nay đạt hơn 5.935 tỷ đồng, tăng 231 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 4,04% so với năm 2023. Chất lượng tín dụng được duy trì, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,21% trên tổng dư nợ, giảm 0,13% so cùng kỳ năm 2023, cấp tỉnh và 15/15 đơn vị cấp huyện đạt loại tốt.

Tới đây, Ban đại diện Hội đồng quản trị, tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện cho NHCSXH huyện, thị xã tiếp cận huy động các nguồn quỹ, nguồn vốn tạm thời chưa sử dụng từ các đơn vị, cơ quan, tổ chức,... Đặc biệt, tiếp tục cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để tăng cường thêm nguồn vốn cho tín dụng chính sách.

Ngoài ra, các tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tổ chức bình xét cho vay kịp thời, nâng mức đầu tư, bảo đảm hỗ trợ đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; giải ngân hoàn thành các chỉ tiêu tồn đọng.

Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp đã ký kết cùng với NHCSXH tỉnh; tiếp tục thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường vận động Quỹ vì người nghèo, các nguồn vốn tiền gửi, thanh toán,… mở tại NHCSXH để tăng thêm nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Đẩy mạnh khơi thông vốn tín dụng cho vay nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO