Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

Thanh Hải| 16/07/2020 14:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chỉ có xác định được chủ sở hữu hưởng lợi thực sự đứng đằng sau tổ chức, cá nhân thì công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mới có hiệu quả nhất định.

Toàn cảnh hội nghị

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống rửa tiền, thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống rửa tiền xây dựng các nội dung báo cáo cho đánh giá đa phương APG của Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, ngày 15/7/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyết tập huấn triển khai Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt; Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư 20/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN về phòng chống rửa tiền.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng cho biết, NHNN đã tham mưu, dự thảo trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 87 sửa đổi bổ sung Nghị định 116 và đồng thời ban hành Thông tư 20 sửa đổi Thông tư 35. Bộ Quốc phòng cũng đã tham mưu, dự thảo trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 81.

Hội nghị cũng đã cập nhật những nội dung cơ bản cũng như thay đổi tại Nghị định 87 so với Nghị định 116; nội dung mới tại Thông tư số 20 và quy định Nghị định 81... Đồng thời trả lời

thắc mắc của các đại biểu về vấn đề có loại quy định về chủ sở hữu hưởng lợi không hay thực hiện một phần tại Nghị định 87.

Theo đại diện Cục phòng chống rửa tiền, vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi có ý nghĩa rất quan trọng là yêu cầu bắt buộc theo chuẩn mực quốc tế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

“Chỉ có xác định được chủ sở hữu hưởng lợi thực sự đứng đằng sau tổ chức, cá nhân thì công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mới có hiệu quả nhất định. Vì vậy, quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi bắt buộc phải thực hiện”, đại diện của Cục phòng chống rửa tiền nhấn mạnh.

Đồng thời, Cục Phòng, chống rửa tiền cũng giải đáp các nội dung cơ bản về các trường thông tin phải báo cáo trong báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử và yêu cầu khai báo đối với khách hàng có tham gia thỏa thuận pháp lý.

Liên quan đến “giao dịch chuyển tiền điện tử”, Thông tư 20/2019/TT-NHNN có quy định:

Thứ nhất, Thông tư 20/2019/TT-NHNN có sửa đổi tên và điểm c khoản 2 “Điều 7. Giao dịch chuyển tiền điện tử”, tại Thông tư số 35/2013/TT-NHNN như sau:

“c) Cá nhân, tổ chức là người chuyển tiền, người thụ hưởng:

(i) Cá nhân: Họ tên; số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu còn hiệu lực; số tài khoản (nếu có); mã số giao dịch; số tiền, loại tiền giao dịch; địa chỉ liên hệ; địa chỉ thường trú; địa chỉ tạm trú; quốc gia;

(ii) Tổ chức: Tên; mã số thuế; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số tài khoản; mã số giao dịch; số tiền, loại tiền giao dịch; địa chỉ liên hệ; địa chỉ đặt trụ sở; quốc gia;

(iii) Đối với chuyển tiền điện tử trong nước: Nếu người chuyển tiền, người thụ hưởng là người nước ngoài, ngoài các thông tin quy định tại điểm c(i) và c(ii) Khoản này phải có thông tin về số thị thực nhập cảnh (nếu có), địa chỉ nơi cư trú ở nước ngoài và địa chỉ tại Việt Nam;

(iv) Đối với giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài: Thông tin đối với  cá nhân (số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu còn hiệu lực) và tổ chức (mã số thuế, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của người thụ hưởng là không bắt buộc;

(v) Đối với giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam: Thông tin đối với cá nhân (số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu còn hiệu lực); đối với tổ chức (mã số thuế, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của người chuyển tiền là không bắt buộc”.

Thứ hai, Thông tư 20/2019/TT-NHNN cũng bổ sung khoản 5, khoản 6, khoản 7 vào “Điều 7. Giao dịch chuyển tiền điện tử” như sau:

“5. Đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế có giá trị tương đương từ một nghìn đô la Mỹ trở lên, đối tượng báo cáo phục vụ người thụ hưởng phải xác thực, nhận dạng người thụ hưởng theo quy định tại Điều 11 Luật phòng, chống rửa tiền và phải lưu giữ các thông tin này theo quy định.

6. Trong quá trình giao dịch và sau giao dịch, đối tượng báo cáo phục vụ người thụ hưởng phải thực hiện các biện pháp giám sát để phát hiện các giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế thiếu các thông tin về người khởi tạo lệnh chuyển tiền hoặc người thụ hưởng quy định tại điểm c khoản 2 Điều này và áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại điểm b khoản 6 Điều 3a.

7. Đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản và tuân thủ các quy định cấm thực hiện giao dịch với các tổ chức, cá nhân trong danh sách chỉ định của các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và danh sách đen do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO